Khám phá ngôi chùa tháp cao nhất Việt Nam

(PLVN) - Chùa Phổ Minh, còn được gọi là Chùa Tháp, là một ngôi chùa cổ kính tọa lạc ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định , tỉnh Nam Định . Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo , chùa Phổ Mình còn là ngôi chùa tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam.
Chùa Phổ Minh, còn được gọi là Chùa Tháp (Ảnh: Vietnamnet)

Chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý, và sau đó được mở rộng trong thời gian triều đại nhà Trần. Đây từng là nơi tu hành và tụng niệm của nhiều vị vua và quan lại quý tộc nhà Trần. Chùa là di tích có danh tiếng trong tập bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1470 và được coi là đại danh lam của nước Đại Việt.

Chùa Phổ Minh từng là nơi tu hành và tụng niệm của nhiều vị vua và quan lại quý tộc nhà Trần. (Ảnh: Vietnamnet)

Chùa Phổ Minh có diện tích lớn, một trong những điểm đặc biệt của chùa là tháp chùa. Tháp được xây trên một sân nhỏ hình vuông, mỗi chiều 8,6 m và nằm thấp hơn so với mặt đất 0,45 m. Chiều cao của tháp 19,51 m, gồm 1 kiệu bát cống (phần đế của tháp) và 13 tầng.

Tháp chùa (Ảnh: Vietnamnet)

Các tầng dưới cùng được xây bằng đá với chạm khắc hoa văn cánh sen và sóng nước, trong khi các tầng trên được xây bằng gạch bắt mạch.

Đế tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh, mỗi cạnh dài 5,20 m. Dưới chân tháp có một băng hoa sen có cánh, nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong theo hai phía khiến người xem dễ lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất xây dựng để tạo đà cho hơn một 10 tầng phía trên đều có độ cong tương tự.

Đế tháp với mỗi cạnh dài 5,20 m (Ảnh: Vietnamnet)

Tháp được xây bằng gạch đỏ mở 4 cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trước đây, tại các tầng của tháp đều để lộ họa tiết con rồng chầu kết hợp cùng việc trang trí hoa lá tạo nên nhãn quan sinh động, các tầng tháp càng lên cao thì chiều cao và chiều rộng của mặt tháp càng nhỏ dần. Trên cùng cây tháp là một hình khối có dáng một đóa hoa sen chưa nở bằng đất nung già.

Tuy nhiên, sau này, vào những năm đầu thế kỷ 20, khi tu sửa lại, người ta đã sử dụng vật liệu xi măng bao quanh bề ngoài của tháp, làm mất đi những hoa văn trên viên gạch.

Đến năm 1987, một số tầng tháp phía trên đã bị rễ cây xâm thực gây nứt rạn và đã được ngành văn hóa tu sửa. Trong thời điểm thực hiện tu sửa này, người ta phát hiện tại vị trí tầng 11, 12 của tháp có một quách bằng đá vây quanh một hộp đồng, mà theo nhân dân truyền tụng thì đây có thể là hộp đựng xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chùa Phổ Minh từng là nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang. Sau khi Trần Nhân Tông qua đời, vua Trần Anh Tông đã xây tháp trên chùa và đặt các viên xá lị của vua cha vào đó. Đây là một di tích quý báu với giá trị lịch sử và tôn giáo lớn.

Ngoài tháp chùa, khuôn viên chùa còn bao gồm nhiều công trình kiến trúc khác như các gian tiền đường, toà thượng điện, và các nhà bia. Các chạm khắc và kiến trúc bên trong chùa phản ánh nhiều nét nghệ thuật và tinh tế của thời Trần.

Ngoài tháp chùa, khuôn viên chùa còn bao gồm nhiều công trình kiến trúc khác (Ảnh: Vietnamnet)

Kiến trúc bên trong chùa phản ánh nhiều nét nghệ thuật và tinh tế của thời Trần. (Ảnh: Vietnamnet)

Chùa Phổ Minh còn nổi tiếng với những cây muồm di sản hơn 300 năm tuổi. Các cây này tạo ra bóng mát và không gian yên bình cho khuôn viên chùa.

Chùa Phổ Minh còn nổi tiếng với những cây muồm di sản hơn 300 năm tuổi (Ảnh: Thanhnien)

Năm 2012, chùa Phổ Minh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một địa điểm tâm linh và du lịch quan trọng thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

Chùa Phổ Minh không chỉ là một ngôi chùa cổ kính mà còn là một di tích lịch sử và văn hóa đầy ấn tượng.

Đọc thêm