Khám phá ngôi làng có hai Thành hoàng

(PLO) - Ngày xưa, cổng làng Đại Yên nằm sát đường cái quan, rộng rãi với kiến trúc cổng 3 gian, một gian chính chỉ dành để cho vua, quan đi lại. Hai gian còn lại là đường cho nông phu.
Nhưng qua thời gian và tốc độ lấn chiếm đất, cổng làng giờ nằm gọn và khuất hẳn trong những ngóc ngách của các con phố Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Hai gian ngách cũng đã bị mất đi…
Cổng làng xưa 3 gian…
Trên mặt trước của cổng làng có ghi tên chữ Hán là Đại An môn, được xây dựng vào khoảng tháng 11 âm lịch năm 1917. Trên mặt sau của cổng có ghi chữ Xuất nhập thủ vọng, dịch ý là Ra vào đều ngưỡng vọng.Có lẽ bởi dân làng Đại Yên rất tự hào với câu chuyện Thành hoàng làng mình mới chỉ có 9 tuổi.
Năm 2014, khi cổng làng bị xuống cấp, nứt, lở nhiều, có nguy cơ bị đổ nên dân làng tiến hành trùng tu lại nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng cũ. 
Mặt trong của cổng làng vẫn còn ghi câu đối: Trác nhĩ hữu lập giang sơn trường thử tráng quan chiêm/ Ngưỡng chi di cao đặc địa y nhiên chiêu Thánh hóa (dịch nghĩa là Dựng lên chót vót non sông còn mãi rạng rỡ cảnh quan chiêm/Càng nhìn càng thấy cao thắng địa y nhiên sáng ngời nơi Thánh hóa. 
Bà Trương Thị Phương Nhu (76 tuổi), Trưởng ban Quản lý di tích đình Đại Yên cho biết, tên cổ của làng là làng Đại Bi, nhưng có thể có sự phạm húy gì đó nên được chuyển thành làng Đại Yên. Tên chữ ghi trên cổng làng thể hiện mong muốn an vui lập nghiệp và làm nghề của người dân trong làng. Làng có nghề bán lá thuốc nam nổi tiếng khắp thành Thăng Long xưa với hàng trăm loại lá cây. 
Thời ấy, cổng làng là nơi tụ hội các loại lá thuốc khắp trong làng, được người làng hái ra bán cho khách thập phương. Có những người từ các tỉnh xa cũng lặn lội về tận Đại Yên để buôn lá thuốc về cho địa phương mình. Đại Yên đã từng là nơi cung cấp lá cho tất cả các chợ Hà Nội sau này, gồm cả lá khô và lá tươi.
Nhưng gần đây, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên dân làng Đại Yên đã bỏ nghề trồng cây lá thuốc. Họ cố gắng giữ nghề bằng cách đi tìm mua lá ở các nơi rồi mang về cổng làng bán như trước đây nhưng không khí náo nhiệt của chợ xưa không còn. 
Cổng làng Đại Yên nay.
Cổng làng Đại Yên nay.  
Theo bà Nhu, ngày xưa cổng làng có kiến trúc 3 gian, trong đó 2 cổng phụ 2 bên để người dân đi, còn cổng giữa chỉ dành cho vua quan. Cổng giữa này lúc nào cũng được đóng kín bằng 2 cánh cổng gỗ. Nhưng bây giờ, do cuộc sống, do thói quen, dân làng đã lấn chiếm mất 2 cổng phụ, chỉ còn giữ lại được cổng chính.
Bà Nhu bảo, mỗi lần muốn hồi tưởng lại cổng làng trong ký ức, bà lại đi từ đình ra cổng, đi thật chậm và ngước mắt lên cao sẽ thấy 2 trụ cột nằm hai bên cổng chính. Đó chính là dấu ấn của trụ 2 cổng ngách ngày xưa. 
Bà Nhu cũng xót xa khi cho biết, cổng làng ngày xưa nằm ngay đường cái quan, thẳng cổng làng theo đường chim bay là đình Đại Yên, trước đình Đại Yên có hồ Cánh Hàn. Nhưng qua thời gian, người dân lấn chiếm dần nên cổng làng Đại Yên hiện nay nằm gọn lỏn trong sự bủa vây nhà cửa của 2 con phố Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn, hồ Cánh Hàn đã biến mất, không còn lại một vết tích nào. 
Có hai Thành hoàng làng Đại Yên?
Hầu hết những câu chuyện trên báo chí về Thành hoàng làng Đại Yên, một thành hoàng đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam khi được phong thánh lúc mới 9 tuổi đều được kể lại như sau: Ngọc Hoa công chúa chính là Bà Tổ của làng nghề, là người đã đem thuốc Nam phổ biến cho dân làng.
Sử làng còn chép rõ, vào thời nhà Lý, một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng đã rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. 
Quân lính của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh nên cô đã chữa trị giúp và nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa, nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã quay trở lại làng Đại Yên sinh sống và truyền lại nghề thuốc cho dân. Ngọc Hoa công chúa hóa lúc mới 9 tuổi và được nhà vua phong làm Thành hoàng làng.
Nhưng, tại bảng ghi lại sự tích Thành hoàng làng ở đình Đại Yên cũng như câu chuyện mà bà Nhu kể thì gốc tích Thành hoàng làng Đại Yên lại có nội dung khác hẳn.
Theo đó, gốc tích Thành hoàng làng như sau: Thời Lý, Chế Na Ma dẫn đội quân sang đánh chiếm nước ta.Lý Thường Kiệt được nhà vua cử đi đánh giặc. Vị tướng nhà Lý tiến hành tuyển thêm quân, trong số trúng tuyển có thầy đồ Trần Tuấn, một người con rể của làng Đại Yên. 
Bà Trương Thị Phương Nhu, Trưởng ban Quản lý di tích đình Đại Yên.
Bà Trương Thị Phương Nhu, Trưởng ban Quản lý di tích đình Đại Yên.  
Trần Tuấn vốn là người ở Thanh Hóa, ra Thăng Long dạy học, lấy người  con gái làng Đại Yên làm vợ. Một hôm đi chợ, vợ Trần Tuấn nhặt được một dải lụa rơi liền tìm mọi cách để trả lại. Đêm ấy nàng nằm mộng có thai và sinh ra người con gái đặt tên là Trần Ngọc Tường.
Năm Lý Thường Kiệt tuyển quân, Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng dứt khoát xin giả trai theo cha đi đánh giặc. Lý Thường Kiệt không có cách nào để từ chối một đứa trẻ mới 9 tuổi nhưng đã có lòng yêu nước mãnh liệt nên đành để Ngọc Tường theo cha.
Ở chiến trường, hai bên giao chiến vài trận không phân thắng bại. Lúc này Ngọc Tường mới xin với Lý Thường Kiệt cho mình sang khu đồn địch bán trầu cau (món ăn được ưa chuộng của lính tráng thời bấy giờ) để dò la tin tức. Nhờ có những tin tức của Ngọc Tường mà trận đánh sau đó, Lý Thường Kiệt đã thắng. 
Về triều, tướng quân mới mang câu chuyện Ngọc Tường tâu với nhà vua. Vì cảm phục nên nhà vua đã phong Ngọc Tường làm Ngọc Hoa công chúa, tặng vàng bạc châu báu và mời ở lại Hoàng cung nhưng Ngọc Hoa từ chối, về làng Đại Yên ở với mẹ và mất tại làng ngay năm đó.
Nhà Vua thương tiếc nên để dân làng lập miếu thờ và phong Ngọc Hoa công chúa là Thành hoàng làng Đại Yên. Mộ của bà hiện vẫn còn nằm trong đình làng, mối xông lên thành một gò cao, trở thành địa thế tựa cho gian thờ chính của đình làng.
Cây đa được chọn để lập miếu thờ Ngọc Hoa ngày ấy đã được tôn vinh là Cây di sản của Việt Nam. 
Bác Hợi, một thành viên của Ban Quản lý di tích đình làng Đại Yên bày tỏ: “Tôi không hiểu các báo lấy thông tin ở đâu để sáng tác nên một bà Ngọc Hoa… lạ thế. Đến ngay cả người làng chúng tôi cũng chưa biết được tổ nghề của mình là ai”.
Bà Nhu khẳng định, chưa có bất cứ tài liệu nào khẳng định được tổ nghề làng Đại Yên là ai. Đúng, sai xin dành để bạn đọc phán xét./.

Đọc thêm