Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thiếu căn cứ trở thành “chướng ngại vật” đối với công tác thi hành các bản án và gây đau khổ cho người dân.
Họp thông báo cưỡng chế thi hành án ngày 20/5/2013 tại nhà 62 Ngô Thì Nhậm. |
Gian nan 30 năm đòi nhà cho thuê
Ngôi nhà 62 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trên thửa đất số 841 có diện tích đất 230m2 vốn thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Đỗ Huy Đan và Đỗ Thị Vị. Sau khi cụ Đỗ Thị Vị mất, năm 1979, cụ Đỗ Huy Đan đã lập di chúc để lại tài sản này cho 5 người con của cụ, trong đó có ông bà Đỗ Bội Toàn, ông Đỗ Bội Hoàn (cư trú tại Pháp) và 3 người con khác (đã mất).
Trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản này, năm 1956 gia đình cụ Đỗ Huy Đan đã cho Bệnh viện Mắt (nay là Bệnh viện mắt Trung ương) thuê 2 tầng trên của căn nhà; năm 1959, cụ Đan cho gia đình ông Nguyễn Quang Minh thuê 1/2 căn phòng ngoài cùng có diện tích 13,5m2 với giá 8 đồng/tháng. Năm 1975, gia đình cụ Đan cho gia đình ông Minh sử dụng thêm 13,5m2 còn lại của căn phòng này.
Bệnh viện Mắt đã sử dụng diện tích nhà thuê để cho cán bộ sử dụng làm nhà ở. Khoảng năm 1982, các con của cụ Đỗ Huy Đan đã đòi lại nhà cho thuê nhưng các cán bộ của Bệnh viện Mắt và gia đình ông Nguyễn Quang Minh đều không chịu trả lại nhà. Việc đòi nhà kéo dài liên tục nhiều thập kỷ nhưng không có kết quả nên năm 2008, các con, cháu của cụ Đan đã khởi kiện đòi nhà đối với Bệnh viện Mắt Trung ương và gia đình ông Nguyễn Quang Minh. Cả hai vụ kiện đều được TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết.
Trong vụ án đòi nhà đối với Bệnh viện mắt Trung ương, do việc thuê nhà đã rất rõ ràng, được lập thành văn bản nên Bệnh viện mắt Trung ương đã thừa nhận việc thuê nhà và chấp nhận trả lại nhà, chỉ đề nghị những người thừa kế tài sản của cụ Đan hỗ trợ các gia đình đang cư trú khi trả lại nhà. Vì vậy, tuy phải ra tòa để đòi nhà nhưng các con, cháu của cụ Đan cũng sớm thu hồi di sản của cha ông.
Đối với vụ kiện đòi diện tích tầng 1 mà gia đình ông Nguyễn Quang Minh sử dụng, trong quá trình giải quyết tranh chấp, gia đình ông Minh không chịu trả lại nhà vì cho rằng, gia đình ông không có quan hệ gì với “chủ nhà” mà trước đây đên ở vì được một cán bộ của Bệnh viện Mắt rủ đến ở “cho vui”.
Nay, gia đình ông Minh cho rằng, diện tích nhà mà gia đình ông Minh sử dụng đã “thuộc sở hữu” của gia đình ông vì lý do đơn giản là gia đình ông đã “chiếm hữu ngay tình” trên 50 năm và có hộ khẩu tại đây. Thậm chí, gia đình ông Minh còn trình quyết định “cấp nhà” của Bệnh viện Mắt để chứng minh gia đình ông được “cấp” diện tích này.
Trong quá trình giải quyết vụ kiện kiện đòi nhà giữa ông Đỗ Bội Hoàn và các đồng nguyên đơn với gia đình ông Nguyễn Quang Minh, Sở Xây dựng Hà Nội đã cung cấp tài liệu cho TAND TP Hà Nội khẳng định nhà 62 Ngô Thì Nhậm thuộc sở hữu của cụ Đỗ Huy Đan và Đỗ Thị Vị theo bằng khoán điền thổ 120p, không thuộc đối tượng nhà nước quản lý khi thực hiện chính sách cải tạo nhà đất.
Tòa cũng xác định, việc gia đình ông Nguyễn Quang Minh sử dụng một phần diện tích nhà này là “ở nhờ” nhà của gia đình cụ Đan, đồng thời xem xét kỹ chứng cứ mà gia đình ông Minh xuất trình để chứng minh diện tích nhà này là do Bệnh viện Mắt “cấp”. Cuối cùng, Tòa kết luận không có căn cứ xác định Bệnh viện Mắt cấp nhà cho gia đình ông Minh vì Bệnh viện Mắt chỉ thuê 2 phòng ở tầng 2 của căn nhà nên không thể “cấp” cho gia đình ông Minh diện tích ở tầng 1.
Kháng nghị bất thường khi chuẩn bị cưỡng chế thi hành án
Với căn cứ pháp luật rất rõ ràng trên, TAND TP Hà Nội đã buộc gia đình ông Nguyễn Quang Minh phải trả lại nhà cho các đồng thừa kế của cụ Đỗ Huy Đan. Bản án phúc thẩm số 47/2010/DS-PT ngày 11/3/2010 của Tòa Phúc thẩm TADN tối cao một lần nữa khẳng định quyết định này là đúng và bác các lý lẽ thiếu thuyết phục biện minh cho việc không chịu trả nhà của gia đình ông Nguyễn Quang Minh.
Hơn 3 năm kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực, Cục Thi hành án Hà Nội đã làm đầy đủ các thủ tục để thi hành bản án, kể cả việc phải hoãn thi hành án để “chờ xem xét kháng nghị”. Ngày 20/5/2013, Cục Thi hành án Hà Nội họp với các cơ quan chức năng để chuẩn bị cưỡng chế thi hành án thì bất ngờ nhận được kháng nghị của TAND tối cao đối với bản án 47/2010/DS-PT ngày 11/3/2010 của Tòa Phúc thẩm.
Theo kháng nghị số 89/2013/KN-DS thì trong quá trình xét xử vụ án, bị đơn đã xuất trình Quyết định 161/QĐ-VM ngày 7/4/1984 của Bệnh viện Mắt có nội dung “điều chuyển, phân nhà” 62 Ngô Thì Nhậm. Vì thế, theo quyết định kháng nghị thì phải hủy án phúc thẩm số 47/2010/DS-PT để xử lại nhằm “làm rõ việc cơ quan có thẩm quyền đã quản lý nhà 62 Ngô Thì Nhậm và bố trí cho gia đình ông Minh” không vì cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa làm rõ nội dung này (?).
Quyết định kháng nghị như “ở trên trời rơi xuống” đúng lúc cơ quan thi hành án chuẩn bị cưỡng chế thi hành án này không chỉ bất thường bởi cách nó xuất hiện (do đương sự cung cấp, Cục Thi hành án không được nhận) mà nội dung cũng rất bất thường.
Trong quá trình xét xử, hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xem xét kỹ Quyết định 161/QĐ-VM và đã xác định rất rõ: thứ nhất, nhà 62 Ngô Thì Nhậm không thuộc đối tượng nhà nước quản lý khi thực hiện chính sách cải tạo nhà đất mà thuộc sở hữu của cụ Đỗ Huy Đan; thứ hai, Bệnh viện Mắt không thuê tầng 1, chỉ thuê tầng 2 của căn nhà nên quyết định điều chuyển không có liên quan đến tầng 1 mà gia đình ông Minh sử dụng.
Với hai lý do này đã đủ kết luận, gia đình ông Minh chỉ “ở nhờ” chứ Bệnh viện Mắt và không có cơ quan “có thẩm quyền” nào có thể cấp nhà cho ông Minh. Tại sao quyết định giám đốc thẩm lại khẳng định cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét nội dung này?.
Việc “nại” ra lý do thiếu thuyết phục để kháng nghị vụ án cho thấy, quyết định kháng nghị này “có vấn đề”. Bản án có hiệu lực đã hơn 3 năm và Cục Thi hành án Hà Nội đang nỗ lực để thi hành bản án. Với quyết định trên, những nỗ lực của cơ quan thi hành án trở thành vô nghĩa.
Bình Minh