Kháng nghị dựa vào văn bản trái luật

Một tranh chấp đã được bốn bản án tuyên buộc bị đơn phải giao nhà cho nguyên đơn, nhưng việc thi hành bản án phải dừng lại vì một quyết định kháng nghị chưa thấu tình đạt lý của VKSND tối cao.

Một tranh chấp đã được bốn bản án tuyên buộc bị đơn phải giao nhà cho nguyên đơn, nhưng việc thi hành bản án phải dừng lại vì một quyết định kháng nghị chưa thấu tình đạt lý của VKSND tối cao.

4 bản án, 1 quyết định

Sáu năm kể từ ngày mua căn nhà số 44 đường Cao Thắng, phường 17, quận Phú Nhuận hợp pháp, ông Trần Anh Chương (ngụ quận Bình Thạnh) vẫn chưa được vào nhà, dù bốn bản án đều tuyên ông thắng kiện; nguyên nhân do VKSND tối cao ra Quyết định Kháng nghị số 165, ngày 17/11/2010 khiến việc thi hành án (THA) phải “gác” lại.

hhry
Ông Chương trình bày bức xúc của mình 

Năm 2006, ông Chương mua căn nhà này của ông Vũ Nguyên Lăng và được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (GCN) và nhập hộ khẩu về đây. Khi ông chuyển về nhà 44 thì bà Phan Thị Ngân (SN 1950) không giao tầng trệt và đòi ông Chương trả thêm 900 triệu đồng mới giao nhà. Ông Chương  kiện bà Ngân ra TAND quận Phú Nhuận.  

Bản án sơ thẩm và phúc phúc thẩm lần thứ nhất cùng tuyên: “Buộc bà Ngân phải giao nhà cho ông Chương”. Ngày 5/9/2008 VKSND tối cao kháng nghị và hai bản án này bị hủy để xử lại. Ngày 24/6/2009, TAND quận Phú Nhuận  xét xử sơ thẩm lần 2 tuyên ông Chương thắng kiện, bà Ngân kháng cáo, TAND TPHCM xử phúc thẩm vào ngày 17/9/2009 tuyên ông Chương thắng.

Bốn phiên tòa đều căn cứ vào nguồn gốc căn nhà trên thuộc sở hữu của ông Tăng Sáu, do ông Sáu vượt biên nên nhà nước quản lý, sau đó ông Lăng thuê để ở, đến ngày 24/3/2006 ông Lăng mua nhà này theo diện mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước và được cấp GCN vào ngày 11/7/2006. Vì nhà có giấy tờ đầy đủ nên ông Chương mua là hợp lệ.

Điệp khúc kháng nghị

Ông Chương cho biết: “Hai bản án đầu tuyên tôi thắng, chưa kịp mừng vì công lý được bảo vệ tôi lại phải làm nguyên đơn bất đắc dĩ ra tòa lần thứ ba, vì ngày 5/9/2008 VKSND tối cao kháng nghị hủy hai bản án để xử lại. Phiên tòa xử lần thứ ba, thứ tư tôi vẫn thắng, nay VKSND tối cao lại kháng nghị dựa trên Công văn số 6806 ngày 18/12/2009 ban hành trái luật, kéo dài điệp khúc kháng nghị khiến người mua nhà hợp lệ như tôi khổ sở ”.

Thanh tra Q.Phú Nhuận trong CV 109/TTr ngày 4/7/2008 khẳng định: Việc bán nhà cho bà Ngân là không có cơ sở, vì bà nhập hộ khẩu vào nhà 44 Cao Thắng không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà. Bà cũng không có hợp đồng thuê nhà dài hạn với nhà nước. Tranh chấp giữa bà Ngân và ông Lăng là tranh chấp dân sự…

Ngày 1/10/2009, Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận ra QĐ thi hành bản án, nhưng một lần nữa VKSND tối cao lại ra QĐ kháng nghị số 165 ngày 17/11/2010, đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án xử lần thứ ba và thứ tư với lý do: Công văn (CV) số 22 ngày 10/4/2009 của UBND quận Phú Nhuận khẳng định việc bán nhà cho ông Lăng là đúng nghị định 61/CP.

Tuy nhiên, CV số 67 ngày 17/8/2009 của UBND quận Phú Nhuận trả lời Chánh thanh tra TPHCM lại có nội dung: Chưa có hướng xử lý nhà số 44 Cao thắng vì lý do ông Lăng đã được tạm cấp nhà số 140 đường 17, KP 5, phường Linh Trung Q.Thủ Đức. Nay ông lại mua nhà 44 Cao Thắng cũng thuộc sự quản lý của nhà nước là hành vi gian dối.

Về việc này, quận Thủ Đức có CV số 1204 ngày 28/4/2008 xác nhận: Nhà số 140 đường 17 nói trên chưa chuyển giao cho ngành nhà đất thành phố quản lý, Quận cũng chưa cấp GCN căn nhà này mà Công ty Vật tư Thiết bị và Xây dựng Công trình 624 vẫn quản lý, công ty này xác nhận chỉ tạm cấp cho ông Lăng chứ chưa có chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP. Vì vậy, không thể nói ông Lăng gian dối mua hai căn nhà thuộc sở hữu của nhà nước để kháng nghị hủy các bản án nói trên.

Lý do kháng nghị thứ hai là: Ngày 18/12/2009, UBND TP. HCM đã ban hành CV 6806 chỉ đạo Q.Phú Nhuận hủy bỏ việc bán nhà và thu hồi GCN đã cấp cho ông Lăng. Ngày 6/1//2010 quận Phú Nhuận ra QĐ 01 hủy bỏ và thu hồi GCN của ông Lăng khi các bản án đang có hiệu lực pháp luật, điều này khiến các đương sự bất bình gửi đơn khiếu nại nhiều nơi cho rằng hai văn bản nói trên vi phạm pháp luật tố tụng, can thiệp vào công việc của ngành tư pháp khiến cơ quan THA “bó tay”.

Ông Chương bức xúc: Vì sao bà Ngân được ưu ái như vậy? Trong khi bà liên tục vi phạm pháp luật như giả mạo chữ viết, chữ ký nhập hộ khẩu trái luật. Công an quận Phú Nhuận đã hủy đăng ký hộ khẩu thường trú của bà Ngân tại tầng trệt căn nhà đã bán cho ông Chương.

Bà Ngân còn giả mạo là công nhân viên nhà nước để có tiêu chuẩn mua nhà theo Nghị định 61/CP vì trong CV số 2504 Ngày 24/11/2008, Bảo hiểm xã hội TP.HCM xác nhận: Kiểm tra hồ sơ hưu trí địa bàn nơi cư trú của bà Ngân, (quận Phú Nhuận), ông Trúc (quận Bình Thạnh), kết quả bà Ngân, ông Trúc không thuộc đối tượng và cũng không có tên được hưởng chế độ hưu trí trong sổ sách của BHXH...

Nhận đơn kêu cứu của ông Lăng (cựu chiến binh), ông Chương (sỹ quan quân đội), UBMTTQ VN tại TP.HCM đã gửi nhiều văn bản đề nghị UBND TP xem lại Công văn số 6806 ngày 18/12/2009 vì ban hành chưa đúng, cản trở thi hành án và trái với bản án đã có hiệu lực; VKSND tối cao kháng nghị một lần, nay kháng nghị lần hai trong khi bốn bản án cùng tuyên một quyết định là không hợp lý, chẳng lẽ cứ kháng nghị lần thứ ba, thứ tư…thì bao giờ xong một tranh chấp? (ông Lê Hiếu Đằng – Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ & Pháp luật thuộc Ủy ban TWMTTQVN). 


Hồng Cơ

Đọc thêm