Ngư dân điêu đứng
Theo ghi nhận của Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, từ ngày 1 đến 4/12, tại hai phường ven biển Cam Thuận và Cam Phú đã xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt. Đây là lứa tôm hùm được nuôi khoảng gần 1 năm nay, chuẩn bị vào vụ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và một phần cho xuất khẩu.
Anh Trần Văn Sơn (khu phố Thuận Hải, phường Cam Thuận) buồn bã nói, buổi sáng khi cho tôm ăn như mọi ngày, anh phát hiện tôm chết rất nhiều, các hộ dân nuôi xung quanh cũng gặp cảnh tương tự. “Ban đầu chỉ chết vài chục con, sau đó tôi thấy số lượng tăng dần lên. Trước khi có bão số 9, các lồng nuôi không vấn đề gì. Khi lặn kiểm tra, dưới tầng đáy nước đục ngầu và bốc mùi hôi thối. Chúng tôi chuyển lồng nhưng hiện tượng tôm lờ đờ, chết vẫn xảy ra. Sau đó, chúng tôi đã báo cho chính quyền”, anh Sơn cho biết.
Theo anh Sơn, với tầm nuôi như mọi năm, giá tôm hùm với trọng lượng khoảng 0,6 – 1 kg có thể bán với giá 980 nghìn đến 1,1 triệu đồng/kg nhưng nay do tôm chết như vậy chỉ bán được với giá 100 đến 200 nghìn đồng/kg. Ước tính thiệt hại ban đầu của gia đình anh rơi vào khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tương tự như gia đình anh Sơn, nhiều gia đình tại Cam Thuận và Cam Phú đều vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi lồng tôm hùm với hy vọng bán được giá vào dịp Tết, nhưng nay có nguy cơ trắng tay vì tôm chết hàng loạt.
Hiện các hộ có tôm bị chết đang tìm cách bán lại cho thương lái mong gỡ gạc chút vốn. Tuy nhiên, các thương lái chỉ mua tôm chưa chết với giá rẻ khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/kg, tôm chết không mua.
Ước tính “mất trắng” hơn 300 tỷ đồng
Trao đổi với PLVN, ông Lê Minh Hải (Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, ghi nhận ban đầu thiệt hại do tôm hùm chết tại phường Cam Thuận là khoảng 300 tỷ đồng, phường Cam Phú khoảng 3 tỷ đồng. “Hiện UBND đang yêu cầu các địa phương báo cáo kể cả thiệt hại hay không thiệt hại để nắm bắt tình hình. Trước đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước, mẫu tôm bị chết để xác định nguyên nhân chính xác”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm, ước tính trên toàn địa bàn TP Cam Ranh có khoảng 42.000 lồng nuôi tôm hùm. Thời gian qua, do tôm hùm có giá trị cao, được thương lái thường xuyên mua cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu nên số lượng bà con nuôi đã tăng lên rất nhiều. “Rất có thể do bà con nuôi dày, nhiều nên khi gặp cơn bão số 9 vừa qua, mưa lớn cộng với việc 3 hồ xả lũ, lượng oxy trong nước giảm đã khiến tôm hùm bị chết nhiều”. Cũng theo ông Hải, nếu các hộ nuôi đúng quy hoạch và căn cứ vào Nghị định 02 của Chính phủ, địa phương sẽ xem xét hỗ trợ cho bà con có tôm hùm bị chết.
Trước đó, cũng tại TP Cam Ranh, vào tháng 5/2018, do nguồn nước bị ô nhiễm đã khiến khoảng 60.000 con tôm hùm từ 0,3 đến 0,5kg bị chết, chủ yếu tại xã Bình Ba. Sau đó, tháng 10/2018, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), khoảng 20.000 con tôm hùm chết cũng gây ra thiệt hại lớn đối với bà con ngư dân.