Đường Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột (Tuyến đường đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk đặt tên đường “Võ Nguyên Giáp” ngày 14/12/2016) có tổng mức đầu tư 1.239 tỷ, chi phí xây dựng hơn 535 tỷ và hơn 621 tỷ tiền giải phóng mặt bằng còn lại là chi phí khác. Quy mô mặt đường 10,5mx2 bên; dải phân cách trung tâm 19m, bề tông vỉa hè 15mx2 bên, bề rộng nền đường 70m và vận tốc thiết kế 80km/h. Tuyến đường rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đi sân bay Buôn Ma Thuột.
Toàn cảnh dự án Đường Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột chiều dài 6,9km điểm đầu trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, điểm cuối cảng sân bay hàng không Buôn Ma Thuột. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, ông Vũ Văn Hưng cho biết, công trình được khởi công vào ngày 14/9/2015, sau hơn 8 năm trải qua nhiều giai đoạn khó khăn vướng mắc như: nguồn vốn bố trí cho dự án bị gián đoạn kéo dài do giãn tiến độ bố trí vốn, đến đầu năm 2021 được Trung ương bố trí lại để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của trên 335 hộ dân, bố trí tái định cư cho gần 230 hộ dân; khó khăn về thiếu vật liệu đất đắp nền một số vị trí của công trình, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát…
Quang cảnh tại buổi lễ khánh thành công trình đường Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột |
Chính thức thông xe khánh thành công trình đường Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột vào sử dụng |
Việc chính thức khánh thành công trình đường Đông Tây có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo thành trục giao thông chính phía Đông Nam của thành phố, đồng bộ hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố đi Quốc lộ 27, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; từng bước mở rộng không gian đô thị của thành phố, tạo dư địa để phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực xung quanh dọc tuyến đường. Đồng thời giảm bớt áp lực lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông tập trung các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm.
Công trình được đầu tư có quy mô đầu tư lớn nhất của thành phố Buôn Ma Thuột đến thời điểm hiện nay |
Đường Đông Tây là công trình giao thông có quy mô đầu tư lớn nhất của thành phố Buôn Ma Thuột đến thời điểm hiện nay, có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. |