Khát vọng lớn nhất của chúng ta là giữ vững được độc lập chủ quyền

(PLVN) - Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Khát vọng lớn nhất là giữ vững được độc lập chủ quyền

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, khi đất nước chưa được độc lập thì khát vọng lớn nhất của chúng ta là đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước. Ngày nay khát vọng lớn nhất của chúng ta là phải giữ vững được độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, thời gian qua, công tác đối ngoại an ninh quốc phòng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Từ thực tiễn, các báo cáo của các bộ, ban, ngành, báo cáo của Chính phủ cũng như lắng nghe ý kiến phát biểu, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông nói.

Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội. 

Theo ĐB đoàn Tiền Giang, vừa qua, người dân có hiến kế để bảo vệ chủ quyền biển đảo và Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân.

“Đảng, Nhà nước cũng kế thừa truyền thống, văn hóa giữ nước của cha ông chúng ta, kiên quyết, kiên trì theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn như Thủ tướng Chính phủ đã nói những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là quyết không nhân nhượng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB cũng cho hay, chúng ta phải có đối sách phù hợp bởi truyền thống văn hoá của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình và điều này đã khẳng định trong tầm cao mới. “Đường lối quan điểm đó là đúng đắn”, ĐB Nghĩa nói.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, mỗi người dân Việt Nam ai cũng có khát vọng để vươn lên và tinh thần ấy đang được khơi dậy.

“Khi đất nước chưa được độc lập thì khát vọng lớn nhất của chúng ta là đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước. Ngày nay khát vọng lớn nhất của chúng ta là phải giữ vững được độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khát vọng đó là niềm tin, điểm tương đồng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông khẳng định.

Theo Tướng Nghĩa, khát vọng đó đang đứng trước thời cơ lớn nhưng đó cũng là quá trình liên tục, lâu dài phải phấn đấu và phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gian khổ.

“Một trong những thách đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế chúng ta phải sử dụng tổng hợp thế cần chặt chẽ giữa các lĩnh vực, kể cả chính trị, kể cả ngoại giao, kể cả lịch sử pháp lý”, ông Nghĩa cho hay.

Theo vị ĐB này, lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để chúng ta khẳng định tính chính nghĩa, khẳng định chủ quyền của chúng ta mà cụ thể là Luật Biển năm 1982 và các điều ước khác mà Việt Nam đã cam kết. 

“Chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh thực địa, đồng thời phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước. Các giải pháp kinh tế càng phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống khi chúng ta bảo vệ chủ quyền”, ông  nêu rõ.

Nhiều câu hỏi trong bức tranh sáng sủa

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu bật những kết quả phát triển kinh tế mà chúng ta đã đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, suy giảm như thời gian qua. 

ĐB cũng chỉ ra rằng, từ năm 2016 đến tháng 10.2019 nước ta xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân xuất siêu nhưng trong tổng kim ngạch xuất khẩu có 70% đến từ doanh nghiệp nước ngoài. 

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, ĐB cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, một thị trường có 96 triệu dân, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam.

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ, trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế, yếu tố vốn quyết định đến 40 - 45% GDP, trong đó một nguồn vốn quan trọng là vốn tín dụng. 

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, nỗ lực của Chính phủ, chúng ta đã duy trì lạm phát trong 5 năm dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng nên người dân vẫn tin tưởng hệ thống ngân hàng, gửi vào ngân hàng. 

Nhờ vậy, ngân hàng có nguồn vốn ổn định cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ đến cuối tháng 7/2019 đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 30% GDP. 

“Điều đó cho thấy, chúng ta cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại”, ĐB nói.

Vẫn theo ĐB, số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP. Tuy nhiên, ĐB cho rằng “kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn”. 

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương khi cấp phép đầu tư cho đầu tư vốn nước ngoài cần ưu tiên yếu tố an ninh - quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. 

Đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nhưng ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, trên bức tranh toàn cảnh sáng sủa đó, thực tiễn đôi khi mang lại những câu hỏi cần suy nghĩ. 

Điển hình, theo ĐB, trong khi Thủ tướng Chính phủ luôn thôi thúc cả nước phải coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để đột phá phát triển thì một việc tưởng như rất tầm thường về công nghệ là thu phí BOT tự động lại đầy chật vật. 

ĐB cho rằng, về khó khăn do lý do như người dân nêu là “câu giờ để được lợi”. “Cái lợi chắc chắn không chỉ của các nhà đầu tư mà của các nhóm lợi ích”, ông nhận định.

Theo ĐB Quốc, giữa lúc QH đang bàn đến việc thí điểm để tiến tới giảm bớt một phần bộ máy dân cử vốn có chức năng giám sát hành pháp thì một vụ như công ty địa ốc Alibaba lừa dân bán đất dự án “ma” diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn người, số thiệt hại rất lớn mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác “thúc thủ” như chưa hề có việc gì nghiêm trọng cho đến lúc dư luận, người dân lên tiếng. 

“Có biết bao nhiêu vụ lừa đảo công khai trên mạng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ máy công quyền khiến người dân có quyền nghi vấn về sự tiếp tay của chính quyền trong đó”, ĐB nói.

Vị ĐB cũng cho rằng vụ cháy công ty Rạng Đông khiến chúng ta mới giật mình nhận ra các chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư đã triển khai từ lâu nhưng nay vẫn dậm chân tại chỗ. 

Cả triệu người dân Thủ đô lao đao khi nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm kéo dài cả tuần và cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của Nhà nước với những vấn đề sinh tử của người dân... 

“Những điểm tối tuy không che lấp được nhưng vẫn làm xấu bức tranh sáng sủa của những thành công tích cực mà Chính phủ, nhân dân dày công phấn đấu”, ĐB nói và cho rằng việc này sẽ khoét sâu hơn nữa sự mất mát lòng tin của người dân đối với năng lực quản lý của nhà nước. 

Là ĐB của tỉnh Đồng Nai, ông Quốc cho biết thêm rằng tỉnh đang gánh những trọng trách nặng nề để đảm bảo hoàn thành trách nhiệm liên đến dự án sân bay Long Thành. Ông Quốc cho biết từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ (giữa năm 2021) lại là cao điểm của nhiệm vụ gian nan là giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư vùng dự án.

“Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ rơi vào thế đóng băng, thu mình, bất động bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hay cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. Điều đó làm phương hại đối với hoạt động chỉ đạo, dịch vụ công liên quan đến dự án, người dân”, ĐB bày to lo ngại.

ĐB Quốc bày tỏ hy vọng rằng Đảng sẽ hành động để “phá đi cái dớp” trong nhận thức xã hội về nguy cơ trì trệ trong thời điểm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ.

Khoa học công nghệ đồng hành sát với yêu cầu thực tiễn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các ĐB nêu như việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Theo đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, với tư cách là quốc sách, luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên; từ chủ trương xuyên suốt về khoa học công nghệ, chúng ta đã biến cơ hội thành giải pháp cụ thể, nhất quán hơn, làm cho khoa học công nghệ đồng hành sát hơn với các ngành, các cấp, sát hơn với yêu cầu thực tiễn kinh tế - xã hội. 

Các Nghị quyết Trung ương từ tinh thần Đại hội XII của Đảng đều có nội dung và rõ nội hàm khoa học công nghệ, từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân, vai trò nhà nước và định hướng phát triển trong từng ngành… 

Bên cạnh đó, thể chế chính sách khoa học công nghệ trong chặng đường từ khi hội nhập quốc tế đến nay đã có. 

Cùng với đó, thể chế pháp luật như Luật chuyển giao công nghệ đối với khoa học công nghệ và các luật có liên quan cũng đã tháo gỡ những nút thắt về khoa học công nghệ.

“Các Nghị quyết, chương trình hành động, chỉ thị kết luận của Thủ tướng, Phó thủ tướng… rõ ràng đã tạo cho khoa học công nghệ giải pháp, phối hợp hành động các ngành, địa phương”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

“Trước đây, ta nói nôm là khoa học công nghệ gắn với kinh tế - xã hội nhưng từ chủ trương thực tế thì có ngay giải pháp chỉ đạo các cấp để phát triển khoa học công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nêu những yêu cầu về sự sát cánh, phối hợp với các cấp, ngành, thể hiện rõ với khoa học công nghệ. 

“Đánh giá khách quan của quốc tế trên các mặt công tác, chúng tôi vui là đã sát với thực tế, có chuyển động mạnh và đúng hướng”, Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ khẳng định. 

Xuống cấp của đạo đức có nguyên nhân từ văn hóa 

Về phía Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong những năm vừa qua, lĩnh vực Du lịch đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Thiện cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của du lịch Việt Nam như chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần đổi mới nhận thức về du lịch là ngành đa ngành, đa nghề và mang tính xã hội cao; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh các giải pháp như chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch.

Về vai trò quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. 

Văn hóa từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

“Giờ đây chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội… tất cả những điều đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”, ông nói.

Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định, xây dựng văn hóa, phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy vậy, so với những thành tựu chính trị, kinh tế- xã hội thì thành tựu của lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người như Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành trung ương đảng khóa XI đề ra.

Ông Thiện cũng đề ra một số giải pháp để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước như nghị quyết, như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử…

Đọc thêm