Khép và mở một đại án

(PLO) - Sáng qua (14/9), HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục cuộc “đại phẫu” đại án Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm. Trong phần luận tội các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm là chung thân. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án tổng cộng là 150 năm tù giam.
Khép và mở một đại án

Tòa sẽ tuyên án, có thể “sai số” so với đề nghị của cơ quan công tố hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Còn nhiều vấn đề, nội dung phải chờ đến phút... 89 hoặc phần 2 của vụ án.

Tuy nhiên với quan điểm tại phiên tòa, cho chúng ta thấy quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong “cuộc chiến” chống tham nhũng, nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Cùng với các vụ án đã được xét xử trước đó, và  12 đại án đã và tiếp tục xét xử trong năm 2017, vụ “đại án Ocean Bank” cho thấy đấu tranh chống tham nhũng mới được chú trọng ở “phần ngọn”, hành vi phạm tội đã hoàn thành và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. 

Về phần trách nhiệm dân sự ở phần I “Đại án Ocean Bank” VKS đề nghị Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường số tiền 67 tỷ bị coi là chiếm đoạt tại Công ty BSC, buộc Sơn bồi thường cho Oceanbank tiền chi lãi ngoài hơn 199 tỷ đồng và bồi thường cho PVN số tiền hơn 49 tỷ đồng tham ô tài sản...

Lấy gì để tin rằng “trách nhiệm dân sự” sẽ được thực hiện. Thực tế cho thấy, việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra đạt thấp. Theo số liệu của các cơ quan tư pháp, dù đã rất quyết liệt mức thu cũng chỉ đạt 22,3% so với tổng số tiền thiệt hại !

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cấp cao không hiệu quả, mang tính hình thức, đối phó dẫn đến không thu hồi được tài sản khi phát hiện hành vi tham nhũng. 

Nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh tế, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước chỉ được phát hiện sau khi hành vi phạm tội đã hoàn thành; thiết chế Đảng, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ chỉ là thứ “màu mè” trang sức của bộ máy. Thậm chí hành vi tham nhũng “qua mắt ngon lành” hàng loạt cơ quan chức năng như hải quan, thuế, đăng kiểm, thẩm định giá...

Trả lời trước tòa, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như năm 2014 cho rằng, không có ý định chiếm đoạt số tiền 4.000 tỷ đồng ngay từ đầu, nhưng thấy có những lỗ hổng trong quản lý kinh tế nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. 

Cùng với lỗ hổng trong quản lý, các đối tượng phạm tội tham nhũng cấu kết rất chặt chẽ và làm tha hóa một bộ phận cán bộ nhà nước tạo thành “nhóm lợi ích” trong các “tổ chức tham nhũng”. Một yếu tố khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao là hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan thi hành pháp luật.

Rõ ràng, sẽ có quá nhiều việc để làm trong việc phòng chống tham nhũng. Cuộc “đại phẫu” đại án Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm rồi sẽ đến hồi kết. Tuy nhiên, vấn đề “mở” lớn nhất sau vụ án này cũng như các vụ án sẽ tiếp tục được xét xử trong năm 2017 luôn luôn là câu hỏi lớn đối với chúng ta: Vì sao tham nhũng không bị đẩy lùi và phòng chống tham nhũng kém hiệu quả?

Đọc thêm