Khi "con nợ" “ăn vạ” chủ nợ

Nhà thầu phụ đang nợ nhà thầu chính hơn 18 tỷ đồng, để trốn nợ, nhà thầu phụ nghĩ  kế vác đơn kiện ngược chủ nợ với lý do chứng thư bảo lãnh… vô hiệu.

Nhà thầu phụ đang nợ nhà thầu chính hơn 18 tỷ đồng, để trốn nợ, nhà thầu phụ nghĩ  kế vác đơn kiện ngược chủ nợ với lý do chứng thư bảo lãnh… vô hiệu.

Công văn Bộ Tài chính gửi Công ty SsangYong

Bảo lãnh mà không bảo đảm

Ngày 14/1/2012, Công ty SSangyong Engineering & Construction Co., Ltd của Hàn Quốc (địa chỉ tại 584 Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) cùng với Cty TNHH Xây dựng Vihacon (145 Trần Trọng Cung, P.Tân Thuận  Đông, Q.7) ký hợp đồng dự án “Thiết kế và xây dựng gói thầu chính (giai đoạn 1A) phát triển chung cư (Riviera Point) tại quận 7” cho Cty TNHH Rivera Point, trị giá hơn 86,3 tỷ đồng. Nhà thầu chính - Cty SSangyong giao cho nhà thầu phụ là Cty Vihacon thi công kết cấu phần thân, móng của 3 block nhà.

Để nhận được tạm ứng 10% từ Ssangyong, Cty Vihacon có nghĩa vụ cung cấp 2 chứng thư bảo đảm. Ngày 20/3/2012, Cty Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM đã phát hành chứng thư bảo đảm giá trị 10% giá trị hợp đồng (8,6 tỷ đồng) cho Ssangyong và cam kết “không hủy ngang trong bất kỳ trường hợp nào và sẽ trả thay khi Vihacon không đáp ứng hoàn trả tiền tạm ứng 10% như cam kết”.

Ngày 11/4/2012, Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM phát hành chứng thư bảo đảm thực hiện hợp đồng ( 9,5 tỷ đồng) cho Ssangyong và cam kết “không hủy ngang trong bất kỳ trường hợp nào và sẽ thanh toán cho SSangyong số tiền tối đa bằng số tiền 9,5 tỷ đồng khi SSangyong có văn bản yêu cầu thanh toán”. 

Đại diện Ssangyong cho biết, tổng số tiền SSangyong đã thanh toán cho Vihacon hơn 36,8 tỷ đồng, trong khi khối lượng công việc, Vihacon xác nhận thực tế thi công chỉ đạt 20,9% giá trị toàn công trình, tương đương 18 tỷ đồng. Tính ra, Vihacon hiện còn nợ SSangyong hơn 18 tỷ đồng.

Vihacon không tuân thủ hợp đồng, vì thế SSangyong đã gửi đơn yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM thanh toán 2 chứng thư mà doanh nghiệp đã phát hành với giá trị 15,9 tỷ đồng. Từ tháng 10/2012 đến nay, hơn 10 bức thư SSangyong gửi đến Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM yêu cầu thanh toán nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ngày 16/10/2012, ông Kim Keun  Sik - Tổng Giám đốc Cty Vihacon (chồng bà Đinh Thị Thanh Hoa, đại diện pháp luật cho Vihacon) đến trụ sở Ssangyong thông báo sẽ nộp đơn xin phá sản Vihacon. Sau đó Vihacon nhiều lần không phản hồi, tắt cả điện thoại khi SSangyong liên lạc.

Thậm chí bà Hoa còn bỏ vai trò người đại diện của Vihacon và dời luôn cả văn phòng công ty. Trong khi Ssangyong gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhờ can thiệp thì ngày 14/3/2013, SSangyong nhận được đơn của Vihacon kiện mình tại TAND quận 7 để yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu thư chấp thuận đã ký, đồng thời buộc SSangyong hoàn trả thiết bị, vật tư trị giá hơn 26 tỷ đồng cho Vihacon.

Khi "con nợ" “ăn vạ” chủ nợ

Trong đơn khởi kiện, Vihacon cho rằng con dấu của Văn phòng điều hành Cty SSangyong đóng trên thư chấp thuận, hồ sơ hợp đồng là trái pháp luật. Doanh nghiệp này cho rằng, theo Điều 18 Luật Thương mại 2005, văn phòng điều hành không có tư cách pháp nhân, không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam và không được phép ký kết hợp đồng hay văn bản tương tự hợp đồng nhằm mục đích sinh lợi cho công ty.

Trong khi đó, Điều 18 Luật Thương mại là để áp dụng cho văn phòng đại diện, không phải văn phòng điều hành. Đối với con dấu Văn phòng điều hành Cty Ssangyong tại quận 7, Công an TP.HCM xác nhận đây là con dấu hoàn toàn hợp pháp khi đóng trên thư thỏa thuận và hồ sơ hợp đồng.

Đối với hai chứng thư đã phát hành,  ban đầu Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM im lặng, sau đó hứa trả rồi lại không trả nợ và đề nghị SSangyong chờ kết qủa phán quyết của tòa.

Việc Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM ký hai chứng thư bảo lãnh nhưng lại không chịu trách nhiệm có phù hợp pháp luật?. PGS.TS Phan Huy Hồng (Phó trưởng khoa Luật Thương mại-Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng,  cơ sở để Bảo Việt TP.HCM thực hiện nghĩa vụ thanh toán chính là các cam kết trong các chứng thư bảo lãnh này, bởi vì cam kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với bên đưa ra cam kết.

Cụ thể, đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng là “ngay khi nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu thanh toán”; còn đối với bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng là “ngay khi nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu thanh toán, cùng với bản kê thể hiện rằng bên ủy nhiệm chi (Vihacon) đã không hoàn trả số tiền ứng trước theo các điều kiện của hợp đồng và số tiền bên ủy nhiệm chi không hoàn trả”.

Về việc Bảo hiểm Bảo Việt yêu cầu Ssangyong phải “chứng minh là Vihacon đã vi phạm hợp đồng thầu phụ” và “giữa SSangyong không có khoản nợ/nghĩa vụ nào có thể đối trừ được với Vihacon”, theo tiến sỹ Hồng, cả hai chứng thư bảo lãnh đều là loại chứng thư bảo lãnh không hủy ngang và vô điều kiện, nên bên bảo lãnh không thể đặt thêm một điều kiện nào khác không có trong các chứng thư bảo lãnh này.

Ngày 20/8/2013, ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)  đã ký Công văn số 11088 gửi Cty Ssangyong và TCty Bảo hiểm Bảo Việt về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến thư bảo lãnh đã phát hành cho Cty Ssangyong. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo phía Bảo Việt thực hiện đúng nghĩa vụ bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh (SSangyong) theo đúng cam kết tại chứng thư bảo lãnh, báo cáo Bộ Tài chính kết qủa giải quyết trước ngày 1/9/2013.

Trần Thế 

Đọc thêm