Học cách làm hay từ thế giới…
Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là điều không mới trên thế giới. Nhờ những bộ phim “ăn khách” mà nhiều địa điểm quay phim trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Ở chiều ngược lại, sự ấn tượng, độc đáo của điểm đến cũng góp phần tạo nên thành công của bộ phim.
Ví dụ điển hình nhất có thể nhắc đến đất nước New Zealand trở thành điểm đến du lịch toàn cầu sau series phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) của đạo diễn Peter Jackson bắt đầu được trình chiếu từ năm 2001. Sức hút của bộ phim này tiếp tục tạo dư âm cho khán giả toàn cầu nhiều năm sau khi bộ phim đã kết thúc. Theo một khảo sát khách quốc tế vào năm 2013 của New Zealand, 14% khách du lịch trả lời phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” là một trong những yếu tố khiến họ quyết định tìm đến quốc gia này.
Trong khu vực, có thể kể đến trường hợp của ngành Du lịch Campuchia được thế giới quan tâm nhiều hơn nhờ bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” do ngôi sao Angela Jolie thủ vai chính được quay tại đây. Cạnh đó, bộ phim bom tấn “Nhiệm vụ bất khả thi” cũng tăng thêm sức hấp dẫn cho quần đảo Koh Phi Phi thuộc Phuket (Thái Lan).
Ngay tại Việt Nam, những bộ phim truyền hình, điện ảnh đình đám góp phần tạo động lực cho xu hướng du lịch ra nước ngoài (outbound). Một trong những quốc gia thành công nhất với chiến lược thu hút du lịch bằng điện ảnh tại nước ta chính là Hàn Quốc. Thống kê của Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho thấy, lượng khách Việt Nam tới Hàn Quốc đã tăng đáng kể, trong đó động lực của phần lớn du khách là do cảm thấy thích thú khi xem những bộ phim truyền hình của xứ sở kim chi. Những điểm đến hút khách quốc tế, bao gồm đông đảo khách Việt, luôn có các điểm như đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, thủ đô Seoul, thành phố Taebaek và Paju,... đều là những địa danh xuất hiện trong các bộ phim “Nấc thang lên thiên đường”, “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”, “Hậu duệ mặt trời”, “Itaewon Class”...
Từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực về lợi nhuận chiếu phim, đồng thời quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hoá của nhiều đất nước. Nói cách khác, khi một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn được gắn kết với địa điểm đã được vào phim của một vùng miền, một địa chỉ để trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.
… Đến khai thác tiềm năng tại Việt Nam
Việc phát triển sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh đã có thực tiễn hiệu quả, sinh động minh chứng sự đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam thời điểm phát hành (đạt 80 tỷ đồng), đồng thời khiến vùng đất Phú Yên - bối cảnh chính trong phim - trở thành điểm đến hút khách. Ước tính lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó. Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc trong bộ phim “Chuyện của Pao” cũng góp phần khiến địa phương này thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, trong đó bản Sủng Là, huyện Đồng Văn, trở thành một điểm tham quan không thể thiếu với du khách khi đến với Hà Giang. Phim “Mắt biếc” lấy bối cảnh chính tại Cố đô Huế đã tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 (ước tính đạt 172 tỷ đồng), cũng khiến nhiều bối cảnh trong phim trở thành địa danh du lịch, nhất là thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú.
Trước đó, từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh tại Việt Nam đã khiến đông đảo bạn bè quốc tế tò mò về đất nước ta sau khi được công chiếu. Đó là các tác phẩm điện ảnh như “Người tình” (L'Amant, 1991), “Đông Dương” (Indochine, 1992); “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 2002)… Thông qua đó, những địa danh của Việt Nam đã thu hút được rất nhiều du khách từ khắp nơi tới tham quan, đặc biệt là vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nối tiếp là là “bom tấn” Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” (năm 2017) đã đem đến sức hút mới cho Quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) cùng 5 danh lam thắng cảnh khác gồm Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình).
|
Vịnh Hạ Long đã trở thành bối cảnh cho nhiều bộ phim quốc tế. (Nguồn: Instagram) |
Trong năm nay, nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix (sở hữu hơn 238 triệu người đăng ký trên toàn cầu), đã phát sóng bộ phim “Hành trình tình yêu” (A tourist's guide to love). Được biết, đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau đại dịch COVID-19, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực chứ không phải trong trường quay, sử dụng kỹ xảo. Trong phim, nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm quen thuộc với khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Giang... đã hiện lên một cách sống động và đầy chất thơ. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng đây sẽ là tiền đề để Netflix cũng như các nhà làm phim quốc tế có thêm ý tưởng sản xuất các bộ phim tại Việt Nam. Gần đây nhất, vịnh Hạ Long một lần nữa đã trở thành bối cảnh trong một bộ phim của Hollywood, đó là “The Creator” - phim viễn tưởng của đạo diễn Gareth Edwards, với mức đầu tư phim lên đến 80 triệu USD.
Cần thêm nhiều “cú bắt tay”
Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá thông qua điện ảnh. Dù có tiềm năng rất lớn, việc khai thác vẫn đang “chập chững” ở những bước đầu tiên, đòi hỏi cần sớm có những chính sách, đầu tư phù hợp để nâng cao hiệu quả phát triển thương hiệu du lịch qua các tác phẩm điện ảnh, góp phần tích cực thu hút thêm du khách quốc tế đến với Việt Nam. Nhất là những cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, như cơ sở vật chất hiện đại, các chính sách ưu đãi, phù hợp với đặc thù của các dự án phim.
Vào tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa lần đầu tiên tổ chức Chương trình liên kết “Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023”. Thông qua đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định tầm quan trọng của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước, lợi ích mà ngành công nghiệp điện ảnh mang lại và bước đầu có chính sách, đầu tư phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia.
Cụ thể, điện ảnh được coi là cầu nối gắn bó chặt chẽ với hội nhập quốc tế, một hình thức nghệ thuật đạt được nhiều kết quả đáng tự hào khi hội nhập, khi là ngành duy nhất đạt vượt mức kế hoạch đặt ra, vượt mốc doanh thu 4.000 tỷ đồng trước đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Việt Nam với rất nhiều cảnh quan tươi đẹp, nên thơ, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng cùng bề dày văn hóa truyền thống lâu đời, đã và đang là nguồn tài nguyên hấp dẫn cho rất nhiều nhà làm phim. Nhiều bối cảnh phim đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước sau khi bộ phim công chiếu. Việc gắn kết giữa điện ảnh và du lịch sẽ là bước tạo đà khởi động nhằm tiến tới tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần phát triển điện ảnh và du lịch quốc gia trong tương lai.
Muốn thực hiện được các mục tiêu này, không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước, mà còn cần tăng cường huy động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa. Quan trọng hơn, ngành du lịch và điện ảnh phải xây dựng được những kho dữ liệu về các địa điểm, danh lam, thắng cảnh, dịch vụ lưu trú... có thể dùng làm bối cảnh quay của phim. Các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những quy trình đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam ghi hình.