Nhà văn không phải người chép lại lịch sử
Hà Thủy Nguyên bắt đầu sáng tác năm 14 tuổi với tác phẩm “Điệu nhạc trần gian” dày 1000 trang. Đây là tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử thời Lý nhưng các nhân vật chính đều là sáng tạo của tác giả. Cuốn sách, ở thời điểm xuất bản năm 2004, đã gây tiếng vang lớn trong dư luận những người yêu sách.
Lúc bấy giờ, Hà Thủy Nguyên chịu ảnh hưởng cách viết của Kim Dung, tức là đặt câu chuyện hư cấu dựa trên nền của bối cảnh lịch sử. Hà Thủy Nguyên cho biết: “Dù là câu chuyện hư cấu đặt trong bối cảnh lịch sử nhưng tôi vẫn nỗ lực tái hiện những hiểu biết lịch sử của tôi về thời Lý. Thời ấy, tôi đọc bất cứ cuốn sách nào có thể có về các địa danh, văn hóa… Nhưng khi viết cuốn sách, lúc đó tôi còn nhỏ, tôi không có nhiều cơ hội được tiếp cận nhiều tài liệu như bây giờ, do đó, chắc chắn rằng sẽ có nhiều thiếu sót”.
Sau “Điệu nhạc trần gian”, Hà Thủy Nguyên xuất bản tiểu thuyết “Cầm Thư quán” vào năm 2008 lấy bối cảnh Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông tuy không phải nhân vật chính, nhưng cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Không khai thác khía cạnh lịch sử, Hà Thủy Nguyên xây dựng một nhà vua Hồng Đức hoàn toàn khác, từ đó cũng gây ra nhiều tranh luận.
Gần đây nhất, trong sự kiện ra mắt phiên bản mới nhất của “Cầm Thư quán” do NXB Phụ Nữ Việt Nam tổ chức, Hà Thủy Nguyên chia sẻ: “Các sử gia có thể viết về Lê Thánh Tông ở khía cạnh đời sống chính trị của ông, nhưng tôi xây dựng nhân vật Lê Thánh Tông lãng mạn và thấu rõ tính chất hư vô của quyền lực dựa trên các bài thơ Hán và Nôm của ông, cùng những truyền kỳ trong “Thánh Tông di thảo”. Khi xây dựng nhân vật theo cách đó, nhà văn sẽ cần có quá trình phân tích văn chương và thông qua văn chương để tái hiện tính cách nhân vật”.
Bằng phương pháp này, Hà Thủy Nguyên tiếp tục sáng tác bộ tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” về cuộc đời của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. Quá trình sáng tác này trải qua nhiều thách thức, mà thách thức lớn nhất đó là lượng trước tác và tài liệu lịch sử về Ôn Như hầu rất thiếu thốn, mặc dù nhiều tư liệu về giai đoạn lịch sử thời Lê Mạt đã được nghiên cứu, dịch thuật và xuất bản.
Hà Thủy Nguyên cho biết: “Để viết bộ tiểu thuyết này, tôi đã săn tìm nhiều nghiên cứu mới về thời Lê Mạt của ông Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Thế Anh, những nghiên cứu của người phương Tây…, nhưng rồi vẫn không ở đâu cho thấy thông tin về một nhân vật lớn như Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều. Sau cùng, tôi tìm đến gia phả họ Nguyễn Gia ở Liễu Ngạn, Bắc Ninh.
Cuốn gia phả này cho tôi nhiều thông tin thú vị, và cũng cho tôi biết tại sao một nhân vật lớn như ông lại khá mờ nhạt trong các tư liệu lịch sử. Tuy vậy, sau quá trình tìm kiếm tư liệu, tôi vẫn cần gác lại những tư liệu, nhắm mắt và nghiền ngẫm, để những tưởng tượng tự xuất hiện trong tâm trí. Là một nhà văn, tôi sẽ ưu tiên những tưởng tượng hơn, nhưng tưởng tượng không có nghĩa là sự tẩy trắng, bôi đen hay bôi hồng lịch sử mà là chất dẫn gắn các mảnh lịch sử rời rạc với nhau, đồng thời đặt ra nhiều khả năng lý giải lịch sử khác nhau”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cũng trong sự kiện ra mắt sách “Cầm Thư quán” đưa ra nhận định củng cố thêm luận điểm ủng hộ có nhiều khoảng tưởng tượng hơn cho tiểu thuyết lịch sử: “Trong lịch sử không gì ngoài niên đại và sự kiện, còn trong tiểu thuyết có tất cả trừ niên đại và sự kiện. Lịch sử không có con người. Lịch sử không cho chúng ta biết Trần Hưng Đạo nghĩ gì khi xuống sông múc nước tắm cho Thái sư Trần Quang Khải để giải hòa mâu thuẫn trong gia tộc. Không biết khi cắm cọc Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn nghĩ gì. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi viết về Hồ Quý Ly là muốn đưa ra kiến giải khác về Hồ Quý Ly và triều đại đó”.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng đặt ra câu hỏi lớn về sự hư cấu không chỉ trong tiểu thuyết lịch sử mà còn cả ở phim lịch sử, đó là lịch sử thường chỉ xoay quanh những nhân vật chính trị và có địa vị, nhưng còn các sáng tác về những người dân thường đặt trong các bối cảnh lịch sử khác nhau thì liệu có thể định nghĩa thể loại ấy là gì, liệu có thể gọi là phim hay tiểu thuyết lịch sử được không?
Loài người luôn có nhu cầu lưu truyền các sự kiện lịch sử
Ảnh chụp sự kiện ra mắt tiểu thuyết “Cầm Thư Quán” của nhà văn Hà Thủy Nguyên do NXB Phụ Nữ Việt Nam tổ chức. (Nguồn: NXB Phụ Nữ Việt Nam). |
Không chỉ dừng ở sáng tác tiểu thuyết lịch sử, Hà Thủy Nguyên dành nhiều thời gian để tìm hiểu về thần thoại, lịch sử nghệ thuật và thơ ca. Cùng với những người bạn của mình, Hà Thủy Nguyên đã thành lập Book Hunter, hiện nay là một đơn vị làm sách có uy tín với những đầu sách lớn nghiên cứu về chuyển dịch văn hóa, triết học, nghệ thuật, tôn giáo, quản trị xã hội… Trong suốt quá trình hoạt động ấy, nhà văn trẻ táo bạo này đã đúc rút trong một bài luận về tiểu thuyết lịch sử của mình:
“Trong những xã hội cổ sơ, thuở chữ viết còn chưa được hình thành và chưa được sử dụng để sắp xếp thành văn bản, loài người đã có nhu cầu lưu truyền các sự kiện lớn của bộ tộc. Những sự kiện lớn này thường liên quan đến sự hình thành bộ tộc, những cuộc chiến chống lại nguy cơ từ bên ngoài như thiên tai địch họa, những việc bất thường của các thành viên bộ tộc như một mối tình thắm thiết hay các chuyện ma quái mà người xưa không giải thích được…
Họ truyền miệng và diễn xướng qua các sinh hoạt nghi lễ, hay những lời kể trong gia đình. Việc cũ được nhắc đi nhắc lại, được thêm thắt các yếu tố phù hợp với văn hóa thời đại và tình trạng dân trí của người dân. Những yếu tố thêm thắt này chính là các hư cấu nguyên sơ nhất, tự nhiên nhất. Các sự kiện lịch sử được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần bị sai lệch, tới mức tính thực mờ đến độ trở thành ảo. Như vậy, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích chính là các hình thức hư cấu lịch sử sơ khai thời kỳ tiền văn bản”, cô chia sẻ.
Hà Thủy Nguyên cho biết thêm những ghi chép lịch sử nổi tiếng của Plutarch, Tư Mã Thiên… và ngay cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng đều có sự kết hợp giữa lưu giữ lại huyền tích của dân gian với sự kiện lịch sử. Theo thời gian, việc nghiên cứu và ghi chép lịch sử ngày một phát triển, cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều khuyết thiếu. Những khuyết thiếu ấy là mảnh đất màu mỡ cho dã sử, huyền tích, giai thoại… và cả những sáng tạo của nhà văn.
“Tôi cho rằng điểm hay của tiểu thuyết lịch sử chính là sự chông chênh giữa hư cấu và lịch sử, giữa kiến giải cá nhân và sự kiện khách quan, giữa nội tâm và hành trạng của nhân vật. Trong quá trình hư cấu ấy, thời đại lịch sử, nhân vật có thật, nhân vật dân gian, các yếu tố kì bí, các nét văn hóa, trước tác của các nhân vật lịch sử… đều có thể là chất liệu tốt cho người sáng tác. Do đó, người viết tiểu thuyết lịch sử cần đọc nhiều, có nhiều trải nghiệm thực địa và có khả năng xử lý một lượng kiến thức lớn, nhưng cũng cần biết thoát khỏi sức nặng của tư liệu để tự do sáng tạo. Nếu chúng ta tìm hiểu về các tiểu thuyết gia lịch sử lớn trên thế giới, ta có thể thấy họ đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa uyên bác, ví dụ điển hình nhất chính là Walter Scott, tác giả của “Ivanhoe”. Trước khi là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, ông là một người miệt mài nghiên cứu và yêu văn hóa dân gian Scotland. Hay Kim Dung thực sự là một người đam mê văn hóa Trung Quốc, dù đôi khi sự hư cấu của ông đi quá đà…Tôi đã học hỏi rất nhiều về cách viết tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn tiền bối”, theo Hà Thủy Nguyên.
Không chỉ thử sức với tiểu thuyết lịch sử, Hà Thủy Nguyên sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau, mà nổi bật nhất là fantasy và khoa học viễn tưởng. Gần đây, đoạn trích cuốn tiểu thuyết “Thiên Mã” của Hà Thủy Nguyên đã được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 và dành được nhiều sự yêu mến của các thầy cô giáo và học sinh.
“Thiên Mã” dù là tác phẩm lai giữa tính kỳ ảo và khoa học viễn tưởng nhưng chứa đựng lượng kiến thức lớn về các nền văn minh cổ đại của loài người - chủ đề vốn gây tranh cãi trong giới khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Hà Thủy Nguyên cho biết, trong tương lai, cô sẽ đi tiếp hướng sáng tác này để có thể chạm tới những tầng sâu hơn của lịch sử cổ đại.