“Trend” tìm hiểu lịch sử của giới trẻ: Cơ hội tốt cho người làm nghệ thuật và quản lý văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đây, sự quan tâm của giới trẻ đối với các đề tài lịch sử trở nên mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để những người làm nghệ thuật và quản lý văn hóa nắm bắt, tạo ra nhiều hơn nữa những tác phẩm lịch sử khơi gợi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.
Dự án phim lịch sử về địa đạo Củ Chi “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” đang được khán giả quan tâm. (Ảnh minh họa - Nguồn: NSX)
Dự án phim lịch sử về địa đạo Củ Chi “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” đang được khán giả quan tâm. (Ảnh minh họa - Nguồn: NSX)

Tín hiệu đáng mừng

Sự xuất hiện của những hội, nhóm chuyên về lịch sử, văn hóa Việt Nam với sự tham gia của đông đảo người trẻ đã làm dấy lên phong trào tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc. Từ chỗ không quan tâm, nhiều bạn trẻ đã say mê tìm hiểu và có nhiều kiến thức nhất định về các sự kiện lịch sử, các anh hùng dân tộc, văn hóa Việt qua các giai đoạn lịch sử, cổ phong, cổ phục Việt... Các dự án hoạt hình, truyện tranh lịch sử được đầu tư chỉn chu đã ra đời, thu hút một lượng khán giả, độc giả trẻ hâm mộ và yêu thích.

Cạnh đó, trong mảng văn hóa phẩm, các tác phẩm hồi kí về chiến tranh cũng được độc giả trẻ đặc biệt yêu thích. Nổi bật như tác phẩm “Thư cho em” do tác giả Hoàng Nam Tiến tuyển chọn. Cuốn sách là tập hợp những lá thư do cha của Hoàng Nam Tiến, Thiếu tướng Hoàng Đan gửi cho vợ là bà An Vinh suốt 30 năm, thời điểm ông ra chiến trường và bà ở hậu phương. Hơn 400 lá thư gửi gắm tình yêu, nỗi nhớ, khát vọng đoàn tụ, khát khao hòa bình... của vị tướng đã lay động trái tim độc giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi mộng mơ, nhiều xúc động. Những đoạn thư liên tục được giới trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, kèm theo bày tỏ niềm kính phục, cảm động trước tình yêu thời chiến và sự kiên cường, không ngại hy sinh của người lính. Chỉ sau 1 tháng phát hành, tác phẩm “Thư cho em” đã được tái bản đến lần thứ ba cho thấy sức nóng và sự quan tâm của độc giả đến một tác phẩm về chiến tranh.

Ngoài ra, một số tác phẩm về chiến tranh như tiểu thuyết “Bốn năm sau” in kèm với “Những trang viết về Điện Biên” của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 của y sĩ Nguyễn Thái Long hay “Những khoảnh khắc sống” của Lê Kiên Thành - con trai của Tổng Bí thư Lê Duẩn... cũng được độc giả yêu thích.

Phim lịch sử “thừa thắng xông lên”

Dịp Tết Giáp thìn, “Đào, Phở và Piano” đã làm nên một “hiện tượng phòng vé” đầy bất ngờ khi một bộ phim lịch sử, được sản xuất “đặt hàng” bỗng dưng được giới trẻ yêu thích, săn lùng. Bộ phim “cháy” vé, khán giả xếp hàng đi xem phim, đồng thời phân tích, bàn tán, chia sẻ trên mạng xã hội suốt nhiều tháng liền.

Sức nóng của một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh đã giúp cho người làm phim nhận ra: phim về đề tài lịch sử, về những ngày tháng hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc không hề là một đề tài cũ mòn đối với người trẻ. Đây cũng là một động lực để các nhà làm phim bắt tay vào thực hiện những dự án điện ảnh về lịch sử một cách chỉn chu, thuyết phục. “Thừa thắng xông lên” nhiều bộ phim lịch sử nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt như “Mùi cỏ cháy”, “Hoa ban đỏ”... tái xuất hiện trên mạng xã hội, nhận được hiệu ứng yêu thích từ khán giả.

Mới đây, bộ phim “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được công bố rộng rãi đến khán giả. Phim có bối cảnh là địa đạo Củ Chi những năm kháng chiến chống Mỹ, được ấp ủ từ nhiều năm trước, được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện rất cẩn trọng, công phu, như đạo diễn chia sẻ là với “sự thôi thúc của một sức mạnh là lòng tự hào dân tộc và được chỉ đường bởi tình yêu Tổ quốc”. Một dự án khác là dự án điện ảnh “Anh hùng” do Lê Ngọc Minh viết kịch bản và Lương Đình Dũng làm đạo diễn, lấy đề tài vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi dự định ra mắt vào cuối năm 2024. Một loạt dự án phim lịch sử khác đang thực hiện là “Trưng Vương”, “Quỳnh hoa nhất dạ”... cũng được khán giả trông ngóng.

Nhìn lại thời gian qua, chỉ có hơn 20 bộ phim lịch sử ra rạp, không ít trong số đó lỗ nặng, phải rời rạp sớm, nhanh chóng bị lãng quên. Đã có lúc, người ta tưởng rằng đề tài lịch sử là khô khan, “khó nhằn”, không thu hút người xem nói chung và người trẻ nói riêng. Nhưng những gì đang diễn ra thời gian qua cho thấy rằng, người trẻ vẫn rất quan tâm đến lịch sử, đến câu chuyện về những chiến công hào hùng, sự hy sinh anh dũng của cha ông. Lòng tự hào dân tộc vẫn chảy, âm thầm mà mạnh mẽ qua mỗi thế hệ. Điều quan trọng là những người làm văn hóa nghệ thuật biết cách khơi gợi nguồn cảm hứng, chạm vào trái tim của người trẻ bằng những tác phẩm thực sự có chất lượng.

Không thể phủ nhận, các phương tiện truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt tinh thần yêu nước trong đại chúng. Sự bùng nổ của nền văn hóa trực tuyến cũng đã tạo ra nhiều cơ hội mới để người trẻ tiếp cận với lịch sử, hiểu và yêu hơn những trang sử của dân tộc. Đó là những cơ hội mới cần được nắm bắt, cho cả người làm nghệ thuật và những người quản lý văn hóa.