Di sản tư liệu - kho báu về tri thức và lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các di sản tư liệu của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng. Những di sản tư liệu đó phản ánh một bề dày lịch sử - văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc vì di sản tư liệu chứa đựng hồn phách của dân tộc.
Châu bản triều Nguyễn còn lưu bút tích các vị hoàng đế. (Ảnh: TTH)
Châu bản triều Nguyễn còn lưu bút tích các vị hoàng đế. (Ảnh: TTH)

3 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh

Theo UNESCO, di sản tư liệu gồm các tài liệu, hoặc nhóm tài liệu, có giá trị đáng kể và lâu dài đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, hay một quốc gia, hoặc đối với nhân loại nói chung, mà sự xuống cấp hay mất mát sẽ là sự nguy hại.

Di sản tư liệu không phải là di sản phi vật thể. Chúng là di sản vật thể - bao gồm “vật mang tin” có các ký tự hoặc một dạng thức mã hóa thông tin tại thời điểm lịch sử nó ra đời - trên đó thể hiện nội dung thông tin cụ thể, truyền lại được cho đời sau. Những di sản vật thể mang tư liệu này cần chế độ bảo quản riêng phù hợp với mỗi loại hình.

Đất nước Việt Nam ta có lịch sử văn hiến 4.000 năm với niềm tự hào là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng và có những di sản tư liệu riêng.

Hiện nay, Việt Nam có 10 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, 3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn (công nhận năm 2009); Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (công nhận năm 2011) và Châu bản triều Nguyễn (công nhận năm 2017). Bên cạnh đó, còn có 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (2018), Bia Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (2022), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (2022), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”(2024).

Theo hồ sơ của Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 34.555 bản khắc Mộc bản triều Nguyễn đã lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử…, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn về lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, văn hóa, giáo dục.

82 Bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội là nguồn tư liệu phong phú phản ánh giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, cho thấy tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành “kim chỉ nam” trong việc giáo dục nhân tài cho đất nước ở mọi thời đại.

Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình. Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.

7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn.(Ảnh: BTĐN)

Bia Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn.(Ảnh: BTĐN)

Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc trên gỗ, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán, chữ Phạn, được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng… Đây là di sản tư liệu thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh… Một loại hình nghệ thuật trang trí đặc biệt và tư liệu độc đáo riêng có tại cố đô Huế, với gần 3.000 họa tiết trang trí ở đây chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới.

Mộc bản Trường học Phúc Giang có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) chế tác và gìn giữ. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh).

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” - cuốn sách có chiều dài 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, in bằng bản mộc trên giấy dó, được vẽ bằng 3 loại màu. “Hoàng Hoa sứ trình đồ” nhằm cung cấp tư liệu, hướng dẫn tiện lợi cho bản thân sứ bộ Nguyễn Huy Oánh và các sứ bộ sau. Cuốn sách thể hiện tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao và thơ ca.

Bia Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma. Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX. Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

Mộc bản Trường Lưu hay còn gọi Mộc bản trường học Phúc Giang, gồm hơn 2.000 bản gỗ thị lâu năm, khắc chữ Hán ngược tinh xảo, với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự… để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê. Mộc bản còn lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 5 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế. (Ảnh: P.V)

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế. (Ảnh: P.V)

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được Vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, Vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, điều mà rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến. Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Ngoài 10 di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh, thời gian tới, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới.

Tất cả đều là những di sản được coi là quốc bảo có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và sức ảnh hưởng sâu rộng. Các di sản tư liệu xác định ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi Nhà nước, do đó góp phần vào việc xác định vị trí của quốc gia trong cộng đồng thế giới. Các di sản tư liệu cũng là những cứ liệu quan trọng khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại Phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của UNESCO năm 2011 đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, bảo đảm nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người. Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định, “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.