Các chuyên gia kinh tế nhận định: sở dĩ có một tỷ lệ rất cao người dân tuy mong muốn có một nền kinh tế thị trường phát triển nhưng vẫn muốn nhà nước can thiệp cũng rất dễ hiểu. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, điều này do việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước.
Trên thực tế, dù cho rằng một số mặt hàng cần có sự can thiệp của nhà nước nhưng người dân cũng không tin tưởng các chính sách can thiệp của nhà nước có hiệu quả. Điều này thể hiện qua kết quả khảo sát CAMS 2014, khi chỉ có 47% ý kiến đánh giá các chương trình bình ổn giá của nhà nước có hiệu quả và tỉ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.
Thị trường sữa là một ví dụ điển hình về sự can thiệp của nhà nước không mấy thành công. Kể từ tháng 6.2014, Bộ Tài chính đã áp dụng giá trần với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và mới đây, qui định này đã được gia hết cho đến hết năm 2016. Chính sách “trần giá” với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi với dụng ý tốt để kiểm soát giá cả với mặt hàng này cho nhóm đối tượng trẻ em, để không tăng cao quá. Thực tế, chính sách này vừa ảnh hưởng xấu đến các công ty kinh doanh sữa tại VN nhưng trên thực tế, giá cả các mặt hàng này trên thị trường cũng không được kiểm soát tốt.
Một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng rõ rệt nhất là Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk). Theo báo cáo của Công ty này tại Đại hội cổ đông vừa qua, doanh thu năm 2014 của Vinamilk chỉ đạt hơn 98% kế hoạch được cổ đông thông qua dù doanh thu tăng trưởng 13% so với năm 2013. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do giá sữa bị áp giá trần từ tháng 6-2014. Lợi nhuận trước thuế của Vinamilk năm 2014 đạt 7.613 tỉ đồng; lãi ròng 6.068 tỉ đồng, bằng 101% so với kế hoạch nhưng giảm lần lượt 5% và 7,1% so với năm 2013.
Theo phát biểu của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc của Vinamilk khi đó, chính việc giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bị áp giá trần đã ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận cũng như ảnh hưởng nhất định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. “Doanh số các mặt hàng sữa bột dưới 6 tuổi bị trừ từ 30 đến 33%, và càng bán càng lỗ”, bà Liên nói.
|
Chính sách quản lý giá sữa theo mức giá tối đa đang gây tranh cãi |
Tại diễn đàn Doanh nghiệp VN vừa qua tại Hà Nội, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu và Mỹ cũng lên tiếng cho rằng, chính sách quản lý giá sữa theo mức giá tối đa là không phù hợp với kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực này ở VN. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chính sách này vẫn còn cần thiết phải duy trì.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng về giá sữa hiện nay, cần có khảo sát, đánh giá lại hiệu quả chính sách áp giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi để có một chính sách quản lý đúng và vẫn đảm bảo chất lượng của mặt hàng này trên thị trường.
“Chính sách trần giá sữa có dụng ý tốt. Việc can thiệp của nhà nước để đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân là cần thiết nhưng cách làm này chưa thực sự hiệu quả”, ông Thành nói.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, kinh tế thị trường, bản chất là cạnh tranh và giá cả phải phản ánh đúng qua sự cạnh tranh của các DN. Và chỉ qua cạnh tranh của DN mới thấy sự can thiệp của nhà nước cần thiết ở khâu nào.
“Chúng ta phải nhìn lại toàn bộ thị trường. Sự cạnh tranh là thông tin, kênh phân phối, quan hệ giữa nhà cung ứng với các đại lý, kênh phân phối. Ví dụ về thông tin, nhà nước có cần can thiệp. Như DN phải minh bạch, đầy đủ hóa thông tin để người ta biết cái gì tốt nhất cho sự lựa chọn của người tiêu dùng”, tiến sĩ Võ Trí Thành nói. Theo ông Thành thì quan trọng là phải làm sao thúc đẩy cạnh tranh qua các kênh phân phối, bán lẻ…để thị trường thực sự có cạnh tranh.
“Cơ quan quản lý phải làm sao xem lại đầy đủ các vấn đề ấy, đảm bảo cạnh tranh thì tốt hơn là cứ một mực đơn giản áp giá trần, dựa tên chi phí”, ông nói.
Một chuyên gia khác, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá nhận định: giải pháp áp giá trần còn áp dụng khi thị trường có biến động bất thường nhưng khi thị trường sữa trở lại hoạt động thì nên gỡ bỏ biện pháp nàu để các cơ quan quản lý đánh giá lại và có giải pháp khác phù hợp. “Song song với đó, cần tiến hành các biện pháp khác như cấu trúc lại thị trường để thúc đẩy cạnh tranh mạnh hơn về giá, đẩy mạnh nguồn cung trong nước và kiểm soát có hiệu quả các yếu tố hình thành giá sữa”, ông Thỏa nói.
Ở một số thị trường khác: gas hóa lỏng (LPG), thép xây dựng, xi măng, cước vận tải…là những mặt hàng được cho là thiết yếu và nhà nước vẫn áp dụng một số biện pháp quản lý giá. Nhưng hầu hết, giá cả các mặt hàng, dịch vụ này đều không diễn biến theo mong muốn của cơ quan quản lý giá. Đáng nói nhất là giá cước vận tải, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 6 lần giảm, 2 lần giảm gần nhất, giá xăng đã giảm trên 1500 đồng/lít nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, taxi hầu như không giảm giá.
Các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ vẫn đi vận động các nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường, nhưng nếu cơ quan quản lý thị trường, giá cả vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính vào giá thì những cố gắng vận động đó sẽ khó đạt nhiều kết quả.