Lần đầu tiên hình thành mặt bằng giá
Báo cáo của Cục Quản lý giá (QLG), Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay, cơ quan QLG từ Trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Giá bán lẻ giảm từ 0,1 - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Theo Cục trưởng Cục QLG Nguyễn Anh Tuấn, quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng.
Đặc biệt, với quy định cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và kiên quyết loại ra khỏi chi phí các khoản chi phí quảng cáo khuyến mại của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đồng thời yêu cầu các DN thực hiện kê khai lại giá theo quy định, đã có 5 DN
thuộc diện kê khai giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai giá lại của 50 sản phẩm sữa và 2 DN thuộc diện địa phương quản lý đã kê khai giảm giá đối với 17 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, mức giảm khoảng 0,4-4% so với mức kê khai liền kề trước đó và thời điểm mức giá kê khai có hiệu lực từ ngày 20/4/2015.
“Tuy nhiên, đây là giá bán buôn. Việc triển khai đến khâu bán lẻ có độ trễ do các công ty thực hiện thông báo, điều chỉnh hệ thống. Tại Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có quy định mức giá bán lẻ có hiệu lực thi hành chậm nhất 20 ngày sau khi mức giá bán buôn có hiệu lực. Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%...”- ông Tuấn cho biết.
Tiếp tục bình ổn giá
Tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua 14/5, Cục trưởng Cục QLG Nguyễn Anh Tuấn khẳng định chủ trương bình ổn giá sữa của Chính phủ thời gian qua là hết sức đúng đắn và đem lại những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận kết quả bình ổn giá sữa vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Trong đó, đáng chú ý nhất là giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm, hoặc giảm ít, giá bán trung bình trên kilogam của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi bước 1- bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra còn có một số DN sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới... Trong khi đó, bình ổn giá sữa vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội.
Thậm chí khi xuất hiện một số yếu tố dẫn đến giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu như giá xăng dầu, giá sữa nguyên liệu, lãi vay ngân hàng, dư luận còn đòi hỏi phải giảm giá trần công bố tháng 5/2014. Do đó, mục tiêu bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã đạt được thời gian qua phải tiếp tục được củng cố để bảo đảm sự bền vững.
Được biết, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa đến hết 31/12/2016. Theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2015, Chính phủ cũng đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 01/6/2015 đến hết 31/12/2016.
Nghị quyết cũng lưu ý: Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá...
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com