Sau gần 1 năm áp trần cho sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bắt đầu từ cuối tháng 4/2015, Bộ Tài chính tiếp tục quy định doanh nghiệp phải bóc chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Với biện pháp “áp trần trong trần”, Bộ Tài chính cho biết mức giảm giá lần 2 của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi sẽ dao động trong khoảng 0,4-4%. Mặc dù quy định thế, nhưng thực tế, rất hiếm có sản phẩm giảm được kịch trần, mà hầu hết đều chỉ giảm nửa vời, giảm lấy lệ. Tại thị trường Hà Nội, nhiều đại lý sữa trên phố Tây Sơn, Thái Thịnh đã có động thái giảm giá, nhưng mức giảm chỉ mang tính “tượng trưng”.
Cụ thể, đối với sản phẩm của Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam: sữa Enfamil A+1 360 Brain Plus loại 400 gram mức giá mới khoảng 223.343 đồng/hộp, giảm 1% so với mức cũ. Tương tự, loại 900 gram giảm gần 1%. Đối với Enfamil A+2 3600 Brain Plus loại 400 và 900 gram mức giảm gần 0,99%. Các sản phẩm sữa của Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A có mức giảm nhiều hơn, nhưng cũng rất xa “trần”: Similac GainPlus IQ loại 900 gram giá mới 397.000 đồng/hộp giảm 1,97%. Similac GainPlus IQ loại 1,7kg giảm 0,7%...
Không chỉ giảm nhỏ giọt, tại một số cửa hàng, giá bán sữa mặc dù có giảm so với giá cũ, nhưng vẫn cao hơn trần quy định. Cụ thể, tại cửa hàng tự chọn ở Kim Liên, giá một hộp sữa Dutch Lady Tò mò GOLD 1 - 2 (6x1500G) được niêm yết ở mức 450 nghìn đồng. Mức giá bán lẻ này nếu so sánh với giá áp theo trần quy định dành cho bán buôn ở mức 398.083 đồng, cộng thêm 15%, thì vẫn cao hơn trần 2 nghìn đồng mỗi hộp. Và đây không phải là sản phẩm duy nhất “chọc trần” ở cửa hàng này. “Thực ra, một hộp sữa có giá gần nửa triệu đồng, nếu phải mua đắt hơn 1 vài nghìn đồng, người tiêu dùng nhiều khi không để ý, nhưng hàng triệu người “tặc lưỡi” một vài nghìn đó, người bán hàng đã có 1 khoản đút túi tương đối. Hơn nữa, cách làm ăn chụp giật, tùy tiện này cho thấy thị trường vẫn thiếu ổn định, thiếu lành mạnh, khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào chức năng quản lý của nhà điều hành”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Trong khi đó, bình luận về mức giảm 0,4-4% sau khi tách chi phí quảng cáo, chuyên gia về giá- PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đây là mức không hợp lý. Vì theo ông Long, trong 1 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào giảm đến 50%, nhưng giá sữa không hề giảm, chỉ thực hiện cho đúng trần quy định mà thôi. Bên cạnh đó, chi phí quảng cáo theo quy định đối với sản phẩm sữa cũ là 10%, sữa mới là 15%, nhưng thực tế qua điều tra 4-5 doanh nghiệp lớn, chi phí quảng cáo lên đến 20%. Với chi phí quảng cáo lớn như vậy, mà chỉ giảm 0,4-4%, thì chỉ làm phép toán số học thôi cũng đã thấy quá vô lý và khập khiễng.
Số liệu từ Bộ Ngoại giao cung cấp cho biết giá sữa Việt Nam hiện nay bình quân là 16 USD/kg, nhưng ở Thái Lan, giá bán bình quân chỉ là 14 USD/kg, ở Philippines là 12 USD/kg, ở Malaysia là 10 USD/kg, ở Indonesia là 9,5 USD/kg. Hiện, Bộ Tài chính đã hoàn thiện phương án giữ nguyên giá bán tối đa đối với 686 sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi đã kê khai giá, và được cơ quan quản lý công bố giá như hiện nay. Trong trường hợp muốn tăng giá bán sữa, doanh nghiệp phải chứng minh được lý do, nhưng tối đa không quá 3%. Đáng chú ý, trường hợp các yếu tố hình thành giá giảm, nhà sản xuất, kinh doanh sẽ phải giảm giá tối đa tương ứng với tỉ lệ giảm giá của các yếu tố hình thành giá. Trường hợp phát sinh sản phẩm mới, doanh nghiệp phải kê khai giá với cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, trong gần 1 năm áp trần giá sữa vừa qua, ngoài việc chấp hành giá trần theo quy định, thì giá sữa chưa bao giờ chủ động giảm theo giá nguyên liệu. Theo thông tin từ Global Dairy Trade (tổ chức thương mại sữa toàn cầu, chuyên tổ chức đấu giá sữa quốc tế), thì trong thời gian áp trần, giá sữa bột giảm kỷ lục. Giá đầu năm 2014 là 5.000 USD/tấn, sang đầu năm 2015 giảm xuống dưới 2.500 USD/tấn; cá biệt, cuối tháng 12/2014, sữa bột rớt xuống còn hơn 2.200 USD/tấn.
Trong khi các doanh nghiệp sữa “ngó lơ” với việc giá nguyên liệu giảm, chỉ việc thực hiện đúng giá trần, giảm một mức nhất định từ 0,3-34% giá thành (số liệu công bố của Bộ Tài chính), và ung dung ngồi hưởng lợi phần chênh còn lại vì đã được hợp thức hóa. Nhờ có sự “bao che” này, DN bỏ túi cả trăm tỷ đồng, cũng là thiệt hại mà người tiêu dùng đang gánh chịu.