Dòng sông Tranh (Quảng Nam) lâu nay tồn tại 2 “điểm nóng” cất giấu, trung chuyển gỗ rừng trái phép. Đó là ở khu vực Hòn Kẽm và bến Én (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức.) Vì thế, lực lượng chức năng đã chốt chặn, tuần tra thường xuyên trên sông qua các địa điểm trên. Khi Hòn Kẽm bị kiểm lâm tuần tra ráo riết, gỗ lậu ứ đọng nằm la liệt dưới nước ở bến Én.
Gỗ ở đáy sông
Từ nguồn tin quần chúng, nhập nhoạng tối 29/7, khoảng 40 chiến sỹ công an của Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cùng với Công an huyện, chính quyền xã, Kiểm lâm huyện có mặt tại hiện trường để bảo vệ, đề phòng số gỗ khổng lồ cất giấu dưới sông bị đem đi tẩu tán. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã manh động dùng thuyền máy, phương tiện có gắn săm ô tô bơm căng ngang nhiên vận chuyển số gỗ lậu trái phép trên.
Có mặt chỉ huy tại hiện trường, Đại tá Trần Văn Cường – Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế cho biết: “Ban ngày nước trong vắt, nhìn thấy rõ mồn một gỗ ngổn ngang dưới lòng sông. Từng khúc gỗ xẻ, tròn gối đầu nhau, dày đặc như những cây mía vừa khai thác. Một tốp chiến sĩ đã bơi ghe ra giữa dòng rồi nhưng phải nhanh chóng quay vào bờ vì các đối tượng sẵn sàng nhấn chìm ghe”.
Theo ông Cường, cái khó là lực lượng chỉ bảo vệ gỗ được một bên bờ sông, còn bờ bên kia, “lâm tặc” gần như trắng trợn cướp gỗ đem đi nơi khác. Không người dân địa phương nào cho mượn hoặc cho lực lượng chức năng thuê phương tiện ghe thuyền ra sông. Nhưng hơn 20 đối tượng đã huy động ít nhất 4 ca nô, thuyền máy đem gỗ đi tẩu tán. Gỗ lậu dưới nước bị “lâm tặc” cướp lại ước nhiều gấp 4 lần số gỗ mà lực lượng chức năng trục vớt được.
Nguồn gốc số gỗ lậu trên chủ yếu từ phía thượng nguồn Thủy điện Đak Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). “Lâm tặc” sau khi khai thác, tập kết, cất giấu gỗ trong rừng, chờ trời mưa to, nước trên thượng nguồn đổ về mạnh cộng với thủy điện xả lũ đã dùng thuyền máy hoặc các “bích xi” (phao làm từ săm ô tô) để lôi các bè gỗ theo đường thủy về xuôi. Các "đầu nậu" thường trao đổi, giao dịch và mua bán gỗ trên sông.
Những ngày này, có mặt ở bến Én, chúng tôi thấy nước sông Tranh trong xanh, gỗ lậu nằm ở mực nước nông đã được trục vớt toàn bộ lên bờ. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, giữa dòng vẫn còn vô số gỗ cất giấu mà lực lượng chức năng không thể trục vớt được do thiếu phương tiện.
Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức cho biết họ đã thuê người dân tại địa phương mới trục vớt được hơn 7,3m3 gỗ chò, ví, chua… “Chúng tôi tiếp cận hiện trường gỗ lậu từ rất sớm, nhưng do “lâm tặc” đông quá, lại dùng đủ trò thách thức như hăm dọa nhấn chìm ghe kiểm lâm, làm bàn chông đóng đinh lởm chởm trên thanh gỗ nhằm gây khó cho cán bộ thi hành công vụ. Cách đây vài ngày, tại dòng sông này, Kiểm lâm cũng phát hiện 2,1m3 gỗ lậu cất giấu”, một kiểm lâm viên nói.
Cụ thể, trước đó Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã phát hiện 257 phách gỗ lớn tập kết ở các khe suối thượng nguồn sông Thu Bồn. Số gỗ này được xác định khu rừng giáp ranh giữa huyện Phước Sơn và huyện Nông Sơn.
Ai giúp gỗ lậu về xuôi?
Tìm hiểu sâu thêm vấn đề này, chúng tôi được biết, công trình Thủy điện Sông Bung 4 được đầu tư xây dựng trên dòng sông Bung (Quảng Nam) đầu tháng 8/2014. Ngay sau đó - ngày 14/8/2014, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam (cuối tháng 10/2014, ông Nguyễn Thanh Quang có quyết định nghỉ hưu theo chế độ - PV) đã ký Quyết định số 550 cho phép tận thu gỗ trên diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng lòng hồ Thủy điện Sông Bung 4 tại xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang) nằm ngay trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Tranh.
Theo đó, tổng lượng gỗ tận dụng là hơn 1.889m3 (bao gồm gỗ lớn, cành, ngọn cây và gỗ khai quang). Cty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Xuân Chí là đơn vị khai thác, được tận thu từ ngày 14/8 - 20/11/2014.
Theo quyết định này, Sở NN&PTNT Quảng Nam còn đồng ý cho phép doanh nghiệp được tận thu gỗ trên diện tích 65ha chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Tranh. Hơn 1.889m3 gỗ tận dụng, trong đó hơn 1.184m3 gỗ lớn.
Trước đây khi đi thực tế tại hiện trường, có thời điểm chúng tôi ghi nhận được tại khe Vinh (xã Tà Pơơ) - nơi có đặt trạm chắn ba-ri-e sát lòng hồ thủy điện với sự canh gác của các cán bộ kiểm lâm, nhưng dưới lòng hồ khu vực này đếm được tới 10 ghe thuyền lớn nhỏ neo đậu, trời nhập nhoạng tối nhổ neo chạy tứ phía để trục vớt gỗ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Gỗ với đường kính lớn hơn 0,5m đánh dấu đỏ nằm ngổn ngang trên bờ, và chỉ cách Trạm Kiểm lâm khe Vinh chưa đến 100m. Điều đáng nói, ở đây không có nhà dân sinh sống nhưng không hiểu sao vẫn có hơn 30 chiếc ghe máy hoạt động ở lòng hồ?.
Một thực tế là từ ngày thủy điện tích nước, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp do có đường thủy dễ tuồn gỗ đem đi tiêu thụ. Lợi dụng cơ hội này, “lâm tặc” khắp nơi đổ về triệt hạ rừng, sau đó dùng thuyền máy vận chuyển, hoặc cho gỗ chìm dưới nước chờ cơ hội đưa về xuôi tiêu thụ.