Khi người Mông làm du lịch...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi độ xuân về, phong cảnh ở các địa phương miền núi phía Bắc như tươi tắn lạ kỳ với trăm hoa đua nở, tràn trề sức sống. Dưới áng mây lững lờ trôi, giữa cái trùng điệp của màu xanh bạt ngàn núi rừng là sắc hồng của hoa đào và màu trắng của hoa mơ, hoa mận. Rẻo cao đẹp tựa như bức tranh xuân. Hơn hết, trên vùng đất đang từng ngày đâm chồi còn có những con người thầm lặng làm giàu đẹp cho bản làng, thổi bùng lên sức sống nơi đất cằn.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh đã phát triển mô hình homestay, đưa bản vùng cao thoát khỏi đói nghèo.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh đã phát triển mô hình homestay, đưa bản vùng cao thoát khỏi đói nghèo.

Chuyện ở thung lũng Hua Tạt…

Tôi đã đi nhiều nơi, ghé nhiều chốn nhưng quả thực, chẳng nơi đâu khiến tôi nhớ da diết như những bản làng ở miền núi phía Bắc. Vân Hồ của tỉnh Sơn La là một địa danh như vậy. Kỳ thực, tôi biết đến Vân Hồ đận cuối năm 2022, trong một chuyến công tác tìm hiểu về những mô hình kinh tế mới trên vùng đất này. Bẵng đi ít năm, nay bỗng dưng niềm quyết tâm trở lại Vân Hồ lại trào dâng, thôi thúc mãnh liệt. Có lẽ đó là duyên phận.

Nhắc lại, Vân Hồ có lẽ là một cái tên đặc biệt. Bởi tên huyện và xã trùng lặp, nếu không để ý sẽ dễ dẫn đến nhầm lẫn. Huyện Vân Hồ là một địa phương miền núi của tỉnh Sơn La, được tách ra từ huyện Mộc Châu vào năm 2013. Về địa lý, Vân Hồ cách Hà Nội khoảng 170km theo hướng Tây Bắc. Bên cạnh núi rừng, đèo dốc, thung lũng thì Vân Hồ còn có những thảo nguyên bao la, đồi chè Shan Tuyết cổ thụ, hồ sông Ðà, thác Tạt Nàng... Nét đặc sắc của địa phương còn thể hiện đầy sinh động trong phong tục, tập quán của nhiều đồng bào dân tộc như: Thái, Dao, Mông… chiếm hơn 90% dân số toàn huyện.

Đó là về huyện, còn nói riêng về xã Vân Hồ thì nơi đây lại là vùng đất đặc biệt với những con người dám nghĩ, dám làm. Tôi dừng chân ở bản Hua Tạt của xã Vân Hồ, nơi cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km. Bản nhỏ Hua Tạt là một trong những điểm sáng du lịch trên con đường huyết mạch nối các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Ở bản Hua Tạt, nhắc đến Tráng A Chu chẳng mấy ai không biết. Bởi anh là người đi đầu trong việc kinh doanh du lịch nơi đất khó này.

Một điểm riêng có từ Tráng A Chu cũng như những người Mông sống ở Hua Tạt mà tôi thấy được đó là lòng hiếu khách. Ghé vùng đất này, nếu ngỏ ý được thấy những vườn mận, vườn đào đang khoe sắc giữa thung lũng hẳn sẽ nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình. Người dân nào nơi đây cũng tựa như hướng dẫn viên địa phương chuyên nghiệp và chất phác. Nghe kể, Tráng A Chu tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Được đi nhiều, hiểu rộng nhất bản, sau khi học xong A Chu trở về xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương. Anh và bố là ông Tráng A Súa là những người đầu tiên trong bản xây dựng ngôi nhà sàn gỗ độc đáo và rộng rãi để đón khách. Nhà dựng xong, cả hai bắt tay vào việc đón khách du lịch. Homestay của gia đình anh có những phòng nghỉ cộng đồng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của đoàn khách đông đúc. Đáng mừng là, từ khi làm du lịch, bản Hua Tạt ngày càng đẹp hơn, đời sống bà con tăng lên. Nhiều hộ dân trong bản được tạo công ăn việc làm. Hơn hết, từ khi làm du lịch, nhiều tệ nạn đã không còn xuất hiện ở bản Hua Tạt.

Bản nhỏ Sin Suối Hồ - nơi trồng bạt ngàn hoa địa lan. (ảnh trong bài: PV)

Bản nhỏ Sin Suối Hồ - nơi trồng bạt ngàn hoa địa lan. (ảnh trong bài: PV)

Nếu như Tráng A Chu được khắp gần xa biết tới là người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong đi đầu trong phát triển du lịch thì cũng tại địa phương, ông Tráng A Cao lại là đảng viên gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế. Nghe kể, trước đây gia đình ông Tráng A Cao và nhiều gia đình trong bản Hua Tạt gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế.

Sau những trăn trở làm sao để thoát nghèo và giúp bà con trong bản cũng thoát được nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ông Tráng A Cao đã quyết tâm đi tìm các giống cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao về trồng. Ông mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bón phân tự động cho hơn 1,5ha cam, quýt và 2 nhà lưới trồng các loại rau… Nhờ sự đầu tư bài bản và lòng quyết tâm thoát nghèo, hiện trung bình mỗi năm, gia đình ông Tráng A Cao thu lãi trên 250 triệu đồng từ trồng rau và cây ăn quả. Thấy tiềm năng cũng như cảm phục sự năng nổ đi đầu của người đảng viên, hiện không ít hộ dân trong bản Hua Tạt đã tích cực học và làm theo. Nhờ vậy, cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu đã bị xua đuổi khỏi vùng đất này.

Cổ tích của ngôi làng trong mây

Bắt kịp xu hướng, giống như bà con người Mông ở Vân Hồ, một địa phương khác là Sin Suối Hồ thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng đang có những con người từng ngày khai phá tiềm năng, phát triển kinh tế nơi đất cằn. Sin Suối Hồ là bản du lịch nổi tiếng bậc nhất huyện Phong Thổ.

Ở nơi đây, vào mùa xuân bản là điểm hẹn cho những ai yêu hoa địa lan, loài hoa của núi rừng mang vẻ đẹp sắc sảo, mạnh mẽ. Trong bản Sin Suối Hồ, hai bên đường, trước những mái hiên nhà, trong khoảnh sân nhỏ hay dưới những gốc cây cổ thụ xù xì là hàng trăm chậu địa lan trổ hoa vàng óng ả. Buổi sáng sớm, lúc chiều tà, mây và sương xà xuống đặc quánh khiến cảnh vật đẹp hiện ra mờ ảo tựa như vùng đất diệu kỳ trong truyện cổ tích.

Để địa lan cho “trái ngọt”, công đầu có lẽ phải kể đến cho Trưởng bản Vàng A Chỉnh. Anh Chỉnh là người được đồng bào tín nhiệm bầu là Trưởng bản Sin Suối Hồ đã hơn 10 năm nay. Theo lời anh Chỉnh, khoảng năm 2009, khi ấy bản thân anh hay đi rừng, thấy một loại cây cho hoa rất đẹp nên lấy về trồng thử ở trước cửa nhà 2 chậu. Giáp tết 2011, cả 2 chậu hoa ấy đều cho nhiều nụ. Tình cờ có mấy người dưới xuôi lên chơi, họ nhìn chậu hoa tỏa sắc rực rỡ nên trả luôn 3 triệu đồng/chậu. Thấy thứ cây của mình cho thu nhập cao, anh Chỉnh đã hướng dẫn người trong bản tìm và nhân giống địa lan. Sau 2 năm thì lứa lan tiềm năng bắt đầu cho thu hoạch. Đáng mừng là lan đã cho “quả ngọt” và trung bình mỗi hộ ở ngay vụ đầu tiên thử nghiệm đã cho thu gần 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ địa lan rất cao nên các hộ trong bản đã cùng nhau làm và ngày càng mở rộng. Đến giờ, địa lan đã trở thành đặc sản của bản Sin Suối Hồ.

Chỉ tay về những nụ hoa địa lan e ấp những giọt sương mai, anh Chỉnh bảo tôi rằng, chẳng biết có phải là một đặc ân từ thiên nhiên hay không. Nhưng có một điều đặc biệt là hoa địa lan như biết khi nào mùa xuân sẽ ghé. Vì sao ư, bởi dù sinh trưởng ở nơi quanh năm buốt giá nhưng cứ đúng dịp, khi những giọt nắng mang hơi ấm của mùa xuân ùa về thì địa lan lại khoe sắc thắm. Miên man về giá trị của địa lan, bất giác những lối nhỏ ngập hoa đưa tôi dạo một vòng quanh bản Sin Suối Hồ. Tôi càng thêm ấn tượng bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp của bản nhỏ này. Hỏi ra mới biết, Trưởng bản Vàng A Chỉnh, cũng là một trong những người tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ homestay nơi đây.

Ở Sin Suối Hồ, anh Vàng A Chỉnh đã vận động người dân trong bản lắp đặt wifi tại nhà và còn lập tài khoản mạng xã hội để giới thiệu mô hình homestay tới du khách gần xa. Cho đến nay, từ 1 - 2 hộ ban đầu, giờ cả bản Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ làm homestay, có thể phục vụ hơn 200 khách lưu trú/ngày. Nhà nào không làm homestay thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng địa lan, trồng đào, mận, táo mèo, thảo quả, dệt vải… mô hình kinh doanh khép kín, cùng hưởng lợi. Tiến bộ nhưng vẫn giữ được nét chất phác, đáng yêu, người Mông ở bản Sin Suối Hồ luôn sẵn lòng mời khách tới nhà ngắm hoa, thưởng thức rượu táo mèo thơm nồng, cá suối, lợn thả đồi, gà Mông đen.

Tôi rời Sin Suối Hồ trong một chiều nhiều nắng. Nhìn con đường phủ ngập sắc hoa, chợt trong lòng tôi thấy dấy lên niềm vui khó tả. Vui vì vùng đất trước đây có nhiều tập quán canh tác cũ, nhiều hủ tục, đói nghèo, nghiện ngập thường xuyên đeo bám thì nay nơi rẻo cao đã đổi thay. Đâu đó trong tiếng gió tôi nghe được tiếng khèn, tiếng nhạc réo rắt. Có lẽ, dân bản và du khách đang say sưa trong điệu múa xuân. Mùa no ấm đã về với bản vùng cao.

Đọc thêm