Những cô gái Mông 'đưa' bản làng đi khắp thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Họ đều là những cô gái Mông lớn lên ở những bản làng xa xôi, những mỏm núi heo hút mù sương. Dù tuổi mới ngoài 20, 30 nhưng “thâm niên” làm du lịch của họ từ những ngày bé xíu, theo mẹ đi bán hàng rong…
Hảng A Sú, cô gái Mông ở Sìn Suối Hồ - Lai Châu. Ảnh FBNV
Hảng A Sú, cô gái Mông ở Sìn Suối Hồ - Lai Châu. Ảnh FBNV

Những cổ tích có thật ở Sa Pa

“Năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Su khi đó 21 tuổi thành lập Sa Pa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sa Pa) theo mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn tám năm hoạt động, Sa Pa O’Chau đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa”. Đó là lời giới thiệu về Tẩn Thị Su (SN 1986) được đăng tải trên trang web của Forbes Vietnam sau khi cô gái dân tộc Mông này lọt danh sách “30 Under 30” năm 2016 .

Như bao bạn bè khác ở Lao Chải, Su lớn lên trong sự nghèo khó và vất vả. Nhà đông anh em, cùng thêm con gái không được học nhiều, nên Su chỉ được học đến lớp 3 rồi phải theo mẹ xuống chợ bán hàng cho khách du lịch. Những ngày tháng non nớt ấy, Su tự học chữ, tự học tiếng Anh và làm hướng dẫn viên.

Trong ký ức của cô Giám đốc người Mông, những ngày tháng ấu thơ thực sự là một quá khứ nhọc nhằn. Số tiền kiếm được từ việc bán hàng chả đáng là bao (chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng/ngày, thậm chí có ngày không bán được đồng nào) nên việc sinh hoạt rất kham khổ. Ban đêm Su chỉ dám thuê gầm cầu thang để ở. Thức ăn cũng chỉ dám gọi cơm với rau, thậm chí những lúc hết tiền, cô còn phải ăn lại thức ăn thừa do khách bỏ lại. Bán hàng được một thời gian, Su tham gia vào công việc hướng dẫn viên du lịch.

Dự án khởi đầu năm 2009 bằng việc mở homestay đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa. Sau đó, Su chính thức thành lập công ty năm 2013 và mở rộng kinh doanh các loại hình du lịch khác như cà phê, tour và khách sạn. Đến nay, công ty của cô gái Mông có hơn 50 nhân viên, có cả chi nhánh tại phố Hàng Muối, Hà Nội và mỗi năm hỗ trợ khoảng 100 em đi học, đi làm.

Năm 2011, công ty của Su may mắn được Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý. Sau khi được tham gia vài khóa đào tạo, cô đã có kiến thức để tiếp tục phát triển mô hình du lịch sáng tạo của mình. Tẩn Thị Su đã xác định lập công ty không phải vì lợi nhuận mà muốn tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập để thay đổi cuộc đời cho trẻ em người Mông, người Dao bản địa. Du khách khi tham gia vào tour của Sa Pa O’Châu sẽ đến giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương.

Sa Pa O’Chau trong tiếng Mông có nghĩa là lời cảm ơn Sa Pa. Đó là những người khách mời cô bé bán hàng rong ngày nào một bữa thịnh soạn, những người bạn Australia ủng hộ ước mơ đang nhen nhóm của Tẩn Thị Su trong một căn bếp. Hay những tình nguyện viên quốc tế dành nhiều năm để dạy tiếng Anh cho lũ trẻ ở một thị trấn trong sương…

Những năm qua, Tẩn Thị Su đã đi khắp thế giới qua những hội thảo về du lịch. Cũng như từ bản làng xa xôi của mình, chị đã có những người bạn đủ mọi màu da, đã mang đến cho Su những khát vọng, và những giấc mơ thành hiện thực, trở thành niềm cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều cô gái Mông khác…

Giàng Thị Lang (bìa trái) cùng hội chị em phát triển du lịch bản địa Sa Pa. Ảnh FBNV

Giàng Thị Lang (bìa trái) cùng hội chị em phát triển du lịch bản địa Sa Pa. Ảnh FBNV

Có tên trong cuốn sách “Con gái Bà Triệu”, Giàng Thị Lang ở thôn Bản Xài, xã Nặm Xài, Sa Pa, Lào Cai, cô gái dân tộc Mông sinh năm 1990 cũng phải dừng việc học khi mới 11 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần do quan niệm con gái không cần biết chữ, Giàng Thị Lang đã phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy. Và theo mẹ đi bán hàng rong tại thị trấn Sa Pa, cách nhà Lang đến 33km.

Theo mẹ lên thị trấn bán hàng, được tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, Lang tự mày mò học tiếng Anh, cô nói tiếng Anh chuẩn. Bởi vậy mà Lang nhanh chóng trở thành một hướng dẫn viên du lịch bản địa thực thụ khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Cô chia sẻ: “Chúng tôi sống cuộc đời rất khác so với cuộc sống của người Kinh. Khi còn nhỏ, con trai và con gái không được đối xử công bằng. Chúng tôi làm việc vất vả hơn con trai. Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm cách riêng để trưởng thành”.

Cô nhớ những ngày bé 5 - 6 tuổi Sa Pa mùa lạnh, cái giá lạnh cắt da, cắt thịt của vùng núi cao, cô cùng mẹ và các chị em trong nhà vượt qua bao triền núi cao uốn lượn vào trung tâm thị trấn để bán hàng. Họ phải lặn lội từ 3 - 4h sáng. Trời mù mịt sương giăng cách 5 - 10m không thấy được chiếc xe máy chạy phía trước.

Giàng Thị Lang khao khát muốn thay đổi cuộc sống, cô đã tự mở một công ty mang tên Real Sa Pa do 100% người dân tộc vận hành. Hoạt động chính của công ty gồm cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói và sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường Sa Pa, Lào Cai. Cô kết hợp cả việc sản xuất nông sản sạch với làm du lịch, khách đến với homestay của Lang sẽ được trải nghiệm công việc làm vườn cùng với bà con. Với Real Sa Pa, Lang đã kết hợp kinh nghiệm của mình trong vai trò một hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm với tầm nhìn hướng tới sự phát triển của cộng đồng dân cư Sa Pa thông qua hoạt động du lịch và sản xuất hoa quả sạch, nói không với các chất hóa học.

Giàng Thị Lang cho biết, cô không chỉ hy vọng có thể chu cấp kinh tế cho gia đình mà còn muốn cải thiện cuộc sống của những người dân nghèo trong bản và cả cộng đồng, bởi theo cô: “Chúng tôi đi làm và biết được những gì đang diễn ra trên thế giới, nhưng ông bà, bố mẹ chúng tôi, họ không hiểu được và họ cũng không muốn thay đổi văn hóa của họ. Bởi rất nhiều người dân ở đây đều không nghĩ gì xa xôi, chỉ sống cho hiện tại, sống hôm nay không biết tới ngày mai. Tôi không muốn họ đánh mất đi văn hóa truyền thống mà chỉ muốn họ hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới mà thôi”…

Và câu chuyện tình đẹp trên đỉnh Sơn Bạc Mây

Những đứa trẻ và tình nguyện viên tiếng anh ở Sa Pa O’Chau. Ảnh FBNV

Những đứa trẻ và tình nguyện viên tiếng anh ở Sa Pa O’Chau. Ảnh FBNV

Sáng sớm hôm đó, sau một chặng đường dài vất vả đến Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu), Sú - cô gái Mông xinh xắn đón chúng tôi với nụ cười vồn vã, như đón bạn bè, người thân về nhà. Sú vốn nổi tiếng với bộ ảnh đám cưới như cổ tích cùng chú rể người Sài Gòn trong những ngày đại dịch…

Ka Sa (tiếng Mông có nghĩa là bình yên) - quán cà phê của vợ chồng Sú nằm trên đỉnh đồi, một không gian tuyệt đẹp để ngắm hoàng hôn xuống hay bình minh lên và có thể nhìn thấy toàn cảnh Sin Suối Hồ bồng bềnh trong sương…

Hảng Thị Sú, cô gái 9X (SN 1996) sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hà Nội, cô đã quyết định trở về bản làng của mình cùng cha và bà con phát triển du lịch cộng đồng. Bản Sin Suối Hồ nơi Sú lớn lên từng là một vùng đất nghèo đói, chìm trong nghiện ngập.

Trước kia, người Mông ở đây sống lay lắt. Trừ trẻ em ra thì hầu hết người dân bản Sin Suối Hồ đều nghiện thuốc phiện. Cơm không đủ no, quanh năm chỉ sống cùng ngô, khoai, măng, sắn và những cây, củ, quả kiếm được trong rừng.

Đến nay, sau 20 năm người dân “bảo nhau” từ bỏ thuốc phiện, cai nghiện rượu, Sin Suối Hồ đã “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm du lịch cộng đồng với tiêu chuẩn 5 không: không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không rượu chè, không cờ bạc, không xả rác. Cả bản rực rỡ sắc màu với nhiều homestay và 40.000 gốc địa lan trải khắp mọi con đường.

Và mọi nỗ lực dường như đã được đền đáp, đầu năm nay, tại Indonesia, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.

Tiếp nối lớp người đi trước như cha mình, người mở homestay đầu tiên ở bản làng, Sú luôn tìm cơ hội quảng bá cho du lịch địa phương. Từ ngày còn đi học ở Hà Nội, Sú đã nói tiếng Anh rất tốt, cô thường xuyên dẫn bạn bè và các đoàn khách nước ngoài về bản. Trước khi làm quản lý Hợp tác xã Trái tim Sin Suối Hồ (hợp tác xã gồm 12 hộ gia đình liên kết phát triển du lịch), Sú dành một năm làm việc ở Sa Pa để trau dồi kinh nghiệm.

Với vai trò quản lý hợp tác xã, Sú quen biết nhiều người, đón nhiều đoàn khách đến thăm quan, sắp xếp khách cho các homestay hoặc hỗ trợ các hoạt động từ thiện. Trong một lần tiếp đón đoàn thiện nguyện tổ chức trại hè cho trẻ em trong bản, Sú quen chị Nguyễn Thị Như, sống tại TP HCM. Bởi yêu mến cô gái Mông dễ thương và mến khách, Như liền “khoe” với Sú về Nguyễn Thanh Ngọc, cậu em ruột sinh năm 1994 đang là một đầu bếp khách sạn 5 sao, kiêm nhiếp ảnh gia nhưng vẫn độc thân của mình.

Tháng 12/2020, Ngọc có chuyến công tác lên Hà Giang trong một chương trình tình nguyện áo ấm mùa đông và quyết định hẹn gặp cô gái mình đã trò chuyện hàng ngày suốt một năm qua mạng. Thanh Ngọc thừa nhận, dù chưa được gặp gỡ Sú mà chỉ xem về cô trên kênh Youtube nhưng anh đã ấn tượng bởi cô nói tiếng Anh lưu loát, nhanh nhẹn và dễ thương. Cô gái giúp bà con trong bản làm du lịch cộng đồng, nhiệt tình từ tìm kiếm khách hàng, giới thiệu homestay…

Những ngày ở bản, Ngọc thêm hiểu về công việc, sự vất vả và đam mê phát triển du lịch địa phương của Sú. Dù Sú chỉ là một cô gái nhỏ bé nhưng cô đã giúp cho rất nhiều hộ dân trong bản tìm thấy nguồn thu nhập từ khách du lịch. Chính vì thế, chàng trai quyết định ở lại vùng đất xa xôi này để cùng người yêu lập nghiệp, giúp đỡ bà con phát triển du lịch địa phương.

Tại bản, Sú có một quán cà phê nhỏ chuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi lên đây, Ngọc phụ người yêu trang trí thêm cho quán, trồng rau, cây trái. Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, không thể đón khách du lịch, cặp đôi cùng đi leo núi, làm ruộng, tự làm trang trại…

Ngày cưới mới đó đã hai năm. Sú và Ngọc tiếp tục làm hoạt động du lịch cộng đồng, cùng bà con Sin Suối Hồ xây dựng mô hình du lịch thân thiện, bền vững. Một điểm đến trên bản đồ du lịch châu Á…

Có thể nói, tại các bản làng xa xôi ngày nay đã không còn xa ngái, khi có không ít những cô gái dân tộc thiểu số bằng nhiều cách, đã góp phần đưa bản làng của mình ra thế giới. Họ trân trọng những điều đẹp đẽ nhỏ bé. Từ những bản làng xinh đẹp, họ cùng bà con đã làm nên những câu chuyện cổ tích có thật bằng những nỗ lực không mệt mỏi và gìn giữ những nét văn hóa riêng có của quê hương mình…

Đọc thêm