Khi nhà có cô gái nổi loạn tuổi “tiền nguyệt san”

(PLO) -Như vừa mấy đâu đây, con gái bé bỏng còn ở giai đoạn ‘khủng hoảng tuổi lên 3’, vậy mà chỉ một cái chớp mắt, mẹ đã phải đối diện với những triệu chứng ‘tiền nguyệt san’ khi con sắp thành thiếu nữ.  Ứng phó với những biến đổi tâm tính thế nào, dạy con về giữ gìn vệ sinh cơ thể ra sao, rồi cả chuyện tình yêu, tình dục tuổi mới lớn…
Khi nhà có cô gái nổi loạn tuổi “tiền nguyệt san”

Theo các chuyên gia tâm lý, khi bước vào tuổi ‘tiền nguyệt san”, ngoài những dấu hiệu khác thường trên cơ thể, bé gái sẽ có những thay đổi về tính cách. Đa phần, các cô gái ngọt ngào ngày nào, bỗng dưng trở nên đanh đá, khó tính, hay cáu bẳn trong mắt cha mẹ. Có những cô bé coi bố mẹ, người thân như ‘kẻ thù’, luôn sống co mình, không trò chuyện, mỗi khi bố mẹ cố tình gần gũi, tiếp cận lại dễ dàng nổi nóng. 

Theo các chuyên gia tâm lý, bước vào tuổi dậy thì, cơ thể sản sinh nhiều hóc môn sinh trưởng. Loại hóc môn này khiến cho trẻ dễ nổi loạn. Tích cách, sở thích của trẻ cũng bị loại hóc môn này tác động, nên thay đổi một cách đột ngột. 

Cùng với sự tác động của hóc môn ở lứa tuổi này, trẻ cũng có một vốn kiến thức văn hóa, xã hội, hình thành nên những suy nghĩ chủ quan của mình, thích thể hiện bản thân, tôn trọng sở thích riêng tư. Do đó, trẻ thường có phản ứng nếu ý kiến của cha mẹ trái với suy nghĩ của mình và có dấu hiệu áp đặt. 

Theo nghiên cứu, thông thường con gái thường bước vào tuổi nổi loạn từ 11 – 15 tuổi. Ở tầm tuổi này, con thích sống với thế giới bạn bè hơn. Bởi ở đó, các con có những người chung ý tưởng, chung sở thích, đặc biệt là chung xu hướng… chống lại sự kiểm soát, áp đặt của cha mẹ.

Làm thế nào để ứng phó với tuổi dậy thì của con? Đó không phải là câu trả lời đơn giản, mặc dù hầu hết cha mẹ đều đã hiểu được ‘căn nguyên’ gây bệnh. Tuy nhiên, dù khó khăn thì các bố mẹ cũng phải cố gắng để không biến tuổi dậy thì thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời của con sau này.

Bởi đây là giai đoạn con đang dần trưởng thành, đang phát triển và hình thành nhận thức, nhân cách. Tất cả những sự kiện xảy ra trong giai đoạn này sẽ tạo nên dấu ấn rất đậm nét trong cuộc đời của con. Nếu cha mẹ cố tình “ghìm cương con ngựa bất kham” sẽ không những không đạt mục đích, mà còn khiến con trở nên ức chế với gia đình, càng muốn nổi loạn hơn để chứng tỏ bản thân.

Nguy hại hơn, còn có thể phát triển lệch lạc suy nghĩ dẫn đến những hành động đáng tiếc. Cha mẹ khôn khéo là nên biết tìm cách định hướng, tạo ra những ranh giới mềm để con có thể tự do thể hiện mình, tự do làm theo mong muốn của mình, nhưng vẫn không vượt quá giới hạn của cha mẹ.

Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải bình tĩnh, thấu hiểu tâm lý, tình cảm của con, để có thể làm bạn với con. Cố gắng bao dung, tha thứ bỏ qua những điều dở hơi mà con đã làm. Chia sẻ với con, quan tâm và tâm sự với con nhiều hơn. Hãy kể cho con nghe tuổi teen của mình. Và điều quan trọng nhất là thể hiện tình yêu với con. 

Mẹ cũng đừng quên trò chuyện với cô con gái bé nhỏ của mình những chuyện “người lớn”. Từ việc vệ sinh vùng kín như thế nào, ứng phó với những kỳ  “nguyệt san” đáng ghét. Mẹ cũng đừng ngại ngần nói với con về chuyện tình dục, thậm chí cả những cách ứng phó với tình trạng không mong muốn về tình dục mà con có thể gặp phải khi không có bố mẹ ở bên.

Có một điều rất quan trọng, mẹ không thể quên là ở giai đoạn này con cần dưỡng chất đặc biệt để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thể chất, trí tuệ. Mẹ nên  lưu ý đến khẩu phần của con đừng để phải hối tiếc khi đến giai đoạn con đã dừng lớn mới ngỡ ngàng tiếc nuối.