Ứng xử thế nào khi con bị xâm hại?

(PLO) -Không chỉ là câu chuyện các bậc phụ huynh cần phải trang bị những điều gì để bảo vệ con em mình, từ tâm lý, kỹ năng đến các kiến thức pháp luật mà chuyện xử lý ra sao sau khi các vụ xâm hại trẻ nhỏ bị phát giác cũng quan trọng không kém. Làm sao đừng trẻ gánh thêm những thương tổn trong lòng, đừng sai lầm mà đòi hỏi "công lý đám đông".
Không phản ứng làm trẻ tổn thương thêm
Không phản ứng làm trẻ tổn thương thêm

Cha mẹ hãy bình tĩnh

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu cha mẹ thấy trẻ đang bình thường nhưng bỗng dưng thấy trẻ sợ sệt, sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người… thì có thể con mình đã bị xâm hại tình dục rồi đấy.

Phần lớn trẻ khi sau khi bị xâm hại tình dục đều không bình thường, trở nên mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh hết tất cả mọi người. Khi biết con bị xâm hại tình dục, cha mẹ không nên làm ầm lên, bởi như thế càng làm trẻ sợ, xấu hổ, dễ gây tổn thương hơn.

Điều cần làm là cố gắng gần gũi để khuyến khích trẻ cởi mở tâm trạng, tìm hiểu xem mức độ xâm hại tới đâu. Trường hợp nặng hãy đưa con đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế hoặc đến bác sĩ hướng dẫn các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ. Với các “yêu râu xanh” cha mẹ khéo léo tìm cách đưa ra pháp luật để tránh gây hại cho những trẻ em khác, chứ không nên im lặng vì kẻ xấu sẽ gây hại thêm cho các trẻ khác.

Tuy nhiên, với những đứa trẻ không nghĩ ngợi nhiều hoặc không thực sự muốn đối diện với sự việc thì phụ huynh không cần nhắc đi nhắc lại chuyện đã xảy ra với bé. Sau khi lắng nghe con, phụ huynh tạm thời không đề cập nữa mà để cho bé ổn định, để vết thương nguôi ngoai dần.

Với những trẻ có ý thức về sự việc xảy ra rồi tự trách bản thân mình (thường có một số trẻ nghĩ là tại mình không nghe lời ba mẹ bỏ đi chơi, tại vì người lạ rủ đi chơi mà vẫn chịu đi theo…), cha mẹ phải làm cho trẻ hiểu rằng trẻ không hề có lỗi gì cả.

Với những trẻ trách cứ người khác rằng không quan tâm trẻ, để trẻ phải chịu đựng những điều đã xảy ra… thì cũng cần có những trao đổi, chia sẻ nhẹ nhàng với các bé. Phụ huynh cần giúp trẻ nhìn sự việc một cách bình tĩnh hơn rằng đây là điều không ai muốn xảy ra, ba mẹ đều không muốn, con không muốn nhưng nó đã xảy ra trong cuộc đời của mình rồi nhưng không vấn đề gì cả, để trẻ khôi phục lại lòng tin tiếp tục sống bình an.

Giảng viên tâm lý học Nguyễn Thị Bích Hồng khuyến nghị: “Tôi nghĩ là chính bản thân phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý bởi nhiều người có thể không nhận thức được hậu quả khi ứng xử với con sau khi phát hiện ra sự việc. Và có thể vô tình gây ra những tổn thương sâu sắc hơn, khiến trẻ khó ổn định trở lại. Cho nên việc đầu tiên là bản thân phụ huynh nên đi tham vấn để nhận thức đúng tổn hại mà con đang phải chịu đựng.

Qua tham vấn, phụ huynh sẽ được chuyên gia khai thác sâu cho từng trường hợp, hỗ trợ trực tiếp cách ứng xử với con, nên nói gì và nên làm gì cho con bởi mỗi một đứa bé, mỗi độ tuổi lại có những tâm tính, suy nghĩ khác nhau. Dù lo lắng nhưng ba mẹ đừng làm con cảm thấy vấn đề quá nghiêm trọng vì điều đó dễ làm mất đi sự hồn nhiên của con em mình”.

"Công lý đám đông" có thể tạo ra bạo lực và tội ác

Nhà báo Đức Hiển lại đưa ra một góc nhìn rất đáng suy ngẫm. Theo đó, để chứng minh, kết luận 1 vụ ấu dâm cần phải có chứng cứ và bản án có hiệu lực tuyên buộc. Nhưng với những chuyện chưa rõ ràng, chạy theo tâm lý đám đông có thể tạo ra bạo lực và tội ác.

"Để làm rõ một vụ xâm hại tình dục, cần có những căn cứ pháp y (dấu vết tinh dịch, vết rách màng trinh, vết cào cấu chống cự, quỹ thời gian của nghi phạm, ...); để ấn định mức án cần có hàng loạt yếu tố khác (tuổi tác, tình trạng sức khoẻ của thủ phạm và nạn nhân; số lần xâm hại; số lượng nạn nhân...).

Thiếu đi một yếu tố hoặc mâu thuẫn giữa các chứng cứ buộc và gỡ tội là ngắc ngứ. Việc bêu riếu người được coi là nghi phạm hai vụ ấu dâm là sai. Thậm chí phải nói thẳng là phạm pháp. Người bị bêu riếu có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thậm chí yêu cầu khởi tố người bêu riếu" - ông Hiển phân tích.

Luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Thuật (Văn phòng luật Đông Nam Á) cũng thẳng thắn cho rằng, nên đặc biệt hạn chế đưa thông tin sự việc lên các kênh truyền thông, đặc biệt là trên môi trường internet vì tốc độ lan truyền khủng khiếp của thông tin trên môi trường này. Đây là việc làm lợi bất cập hại bởi nó sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến gia đình bị hại, gia đình nghi phạm, nghi phạm và chính bản thân trẻ bị hại.

Theo LS Thuật, khi có nghi vấn trẻ em bị xâm hại tình dục, việc đầu tiên mà gia đình của trẻ cần làm là xác định chính xác vấn đề, làm đơn tố cáo và gửi tới đúng nơi tiếp nhận, đúng trình tự, thủ tục.

Khi trẻ có biểu hiện bị xâm hại tình dục, gia đình cần thu thập lời khai của các nhân chứng; thu thập bằng chứng, vật chứng có thể là những đồ vật, tang vật như quần áo, giày dép… còn lưu giữ được những dấu vết của kẻ phạm tội hoặc có thể là hình ảnh từ camera quanh khu vực phạm tội.

Song song là tìm kiếm dấu vết sinh học vì khi bị ép thực hiện các hành vi quan hệ tình dục, xâm phạm thân thể trái ý muốn người bị hại thì người bị hại sẽ có ý thức phản kháng như cào cấu, đấm đá, gào thét…, có thể để lại thương tích trên người kẻ tình nghi hoặc trên người bị hại.

"Sau đó, gia đình bị hại cần nhanh chóng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan công an quận, huyện tại địa phương hoặc VKSND cùng cấp, để các đơn vị chức năng kịp thời ghi nhận, giám định, làm căn cứ điều tra, xử lý. Bởi lẽ, những vết tích có thể được xem là bằng chứng đó có thể mất đi theo thời gian và không còn đủ giá trị pháp lý.

Một khi cơ quan điều tra không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, gia đình bị hại có thể làm đơn khiếu nại gửi tới thủ trưởng cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Nếu không được, gia đình bị hại có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới cơ quan cấp tỉnh, thành phố" - LS Thuật hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục.

Đọc thêm