Khi phụ nữ tự cứu mình, cứu người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi người có một cuộc đời để sống và một con đường để đi, cuộc đời của người phụ nữ cũng vậy. Có những người tìm được hạnh phúc của mình trên con đường “trải đầy hoa”, nhưng cũng có những người phụ nữ phải đương đầu với đầy thử thách, gian truân của cuộc đời để giúp mình và những người phụ nữ khác chạm tay tới hạnh phúc.
Nhiều bà mẹ đã tự cứu mình khỏi trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa: Internet)
Nhiều bà mẹ đã tự cứu mình khỏi trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa: Internet)

Hành trình tự cứu lấy mình

Nhìn lại hình ảnh mình trong gương sau thời gian thoát khỏi trầm cảm sau sinh, chị M.Anh (31 tuổi, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm, bởi trước mặt chị là hình ảnh một người phụ nữ tươi vui, tràn đầy sức sống với khóe miệng luôn nở nụ cười và hạnh phúc lấp lánh trong đáy mắt. Thế nhưng, nếu gặp chị vào 4 - 5 tháng trước, có lẽ không ai có thể nhận ra người phụ nữ với đôi mắt thâm quầng, cái nhìn vô định trên khuôn mặt ủ rũ, suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Để lấy lại được thể trạng như hiện tại, chị M.Anh đã phải vượt qua những tháng ngày khó khăn khi chăm nuôi con lần đầu.

“Bản thân sinh mổ nên sau sinh cơ thể của tôi rất mệt mỏi, toàn thân đau nhức, tâm, sinh lý cũng thay đổi. Cộng với việc không chăm được con, con khóc cả ngày khiến tôi ám ảnh đến nỗi sợ hãi mỗi khi nghe thấy tiếng khóc. Dù rất thương con nhưng những lúc con khóc là tôi không kiểm soát được bản thân mà trở nên cáu gắt, bực bội. Cũng bởi vì thương nhưng không biết làm thế nào để con không khóc nên tôi bất lực và tự trách mình vô cùng. Đỉnh điểm của stress là khi tôi bị mất sữa sớm, gia đình hai bên liên tục khiển trách do tôi ăn uống không điều độ, không giữ gìn nên để con khát sữa mẹ, thế nhưng mọi người không biết tôi như vậy là do tâm lý không ổn định”, chị M.Anh hồi tưởng lại khoảng thời gian khó khăn.

Đã rất nhiều lần những suy nghĩ dại dột xuất hiện, hết viễn cảnh này đến viễn cảnh khác như một thước phim kinh dị cứ tua đi tua lại trong đầu chị M.Anh. 30 năm cuộc đời, đã từng gặp phải nhiều chuyện nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy bất lực như lúc đó. “Những suy nghĩ đeo bám lấy tôi dù tôi không hề muốn, tôi không hiểu tại sao, nó không giống tôi chút nào, sao tôi lại trở nên thế này chứ?” là một trong số rất nhiều câu hỏi chị đặt ra cho bản thân mình.

May mắn thay, trong đầu của chị vẫn luôn le lói những suy nghĩ tích cực làm “phao cứu sinh” vào những lúc suy sụp nhất. Chị hiểu được là con cần mình như thế nào, gia đình cần mình như thế nào và quan trọng nhất là phải sống, phải sống thì mới thay đổi được mọi thứ, phải sống thì chuyện gì rồi cũng giải quyết được… Thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành động, cuối cùng chị đã tự cứu lấy mình khỏi trầm cảm sau sinh.

Thời gian trôi qua, chị M.Anh dần lấy lại được định hướng của cuộc sống. Chị lên các trang mạng xã hội kết bạn, tham gia các nhóm để cùng các mẹ bỉm khác chia sẻ, kết nối và giúp đỡ lẫn nhau. Chị nhận thấy rằng có rất nhiều bà mẹ cũng đã từng giống như mình, để bản thân chìm vào trong những suy nghĩ tiêu cực một thời gian dài mà không biết lối ra, tự hành hạ bản thân đến sức cùng lực kiệt.

Nhưng cũng chính những người phụ nữ đó đã tự vực dậy chính mình, họ bấu víu vào bất kể niềm hy vọng le lói hay chiếc “phao cứu sinh” nào để được trở lại là mình của trước kia, để được hạnh phúc vẹn toàn với gia đình nhỏ. Là người đã trải qua chính khoảng thời gian khó khăn đó, hơn ai hết chị hiểu các bà mẹ chăm con lần đầu cần gì. Từ đó chị M.Anh đã lập ra một nhóm gồm các chị em trong cùng khu chung cư nhằm giúp đỡ và hướng dẫn những người phụ nữ lần đầu làm mẹ cách chăm sóc con và cả sức khoẻ tâm hồn của mình.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai và hành trình giúp phụ nữ người Mông vươn lên.(Ảnh:U.N)

Nghệ nhân Vàng Thị Mai và hành trình giúp phụ nữ người Mông vươn lên.(Ảnh:U.N)

Giúp hàng trăm phụ nữ vươn lên

Không chỉ tự cứu lấy mình, những người phụ nữ mang trong mình bản lĩnh và sức sống mãnh liệt còn góp phần vào công cuộc cứu người. Tại thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, người phụ nữ được mệnh danh là “quý bà vải lanh” dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Người đó chính là nghệ nhân Vàng Thị Mai (SN 1962, Hà Giang), người phụ nữ Mông đưa vải lanh thổ cẩm ra thế giới và giúp hàng trăm phụ nữ ở Hà Giang có thể tự mình nuôi sống bản thân.

Vải lanh vốn có vai trò quan trọng trong văn hóa và tâm linh của người Mông nhưng vào 25 năm trước bà Mai giật mình khi thấy phụ nữ Mông biết và còn giữ nghề dệt lanh ít quá. Đau đáu trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, bà đi khắp nơi học những “ngón nghề” dệt lanh, nhuộm vải, vẽ sáp ong… Sau khi được truyền nghề bà quyết tâm phục hồi nghề lanh và nung nấu quyết tâm thay đổi cuộc đời. Bà không ngờ rằng, không chỉ thay đổi cuộc đời mình bà còn thay đổi số phận nhiều người phụ nữ khác và cả làng nghề dệt lanh truyền thống ở huyện Quản Bạ, Hà Giang.

Sau vài năm vận động, Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh Hợp Tiến ra đời (nay là HTX lanh Lùng Tám), với kinh nghiệm gần 20 năm làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lùng Tám, nghệ nhân Vàng Thị Mai được tin tưởng làm Chủ tịch HTX Dệt lanh Lùng Tám. Từ đây hành trình giúp phụ nữ dân tộc Mông vươn lên chính thức bắt đầu. Quy trình dệt lanh vốn rất công phu phải trải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công mới hình thành nên tấm vải. Nhưng bà Mai và phụ nữ Lùng Tám lại rất giỏi chuyên môn, tuy nhiên theo quan niệm của người Mông, việc của phụ nữ là nương rẫy, heo gà và phục vụ chồng, còn làm những việc khác là điều gì đó rất ghê gớm và rất khó chấp nhận, vậy nên rất ít phụ nữ đi theo hướng dệt vải lanh.

Thấy phụ nữ Mông không chỉ vất vả việc nương rẫy mà còn phải chịu cảnh nhiều ông chồng người Mông đi uống rượu về không làm việc nhà mà bắt vợ vừa đi làm nương về phải làm hết. Với mong muốn giúp phụ nữ Mông thoát khỏi sự vất vả đó, bà Mai tới nhà của những chị em nghèo, cơ cực, những người phụ nữ yếu thế, thường bị chồng đánh đập rủ chị em đến HTX làm việc. Đồng thời phân tích cho họ hiểu về việc phải làm chủ kinh tế để bớt khổ, bớt bị chồng đánh.

Các chị em nghe và đi làm theo, thời gian đầu không ít chị em đến xưởng học việc bị chồng đến tận nơi lôi về. Một ông chồng say rượu còn đánh vợ té sấp mặt, đập đầu vào đá vì tội dám đến xưởng làm… Thấy vậy, bà Mai đứng lên yêu cầu chính quyền cho HTX có 1 công an, hoặc phó chủ tịch xã làm “trưởng ban kiểm soát” cho phụ nữ. Từ đó, bà Mai và các chị em không còn sợ cảnh bị chồng đánh mà chuyên tâm làm việc. Dần dà đi làm tại HTX, những phụ nữ nghèo có thu nhập, họ tự tin hơn, các ông chồng thấy vợ kiếm được tiền về sửa sang cho gia đình cũng thay tính đổi nết, từ đó các bà vợ đỡ khổ.

Từ hồi HTX thành lập, bà Mai mới thuyết phục được 30 chị em tham gia. Nhưng đến nay đã có 130 thành viên, 9 tổ sản xuất, thu nhập của hầu hết các thành viên đều đạt 6 triệu đồng/tháng. HTX của bà Mai cũng có những cụ già 70, 80 tuổi đến gõ cửa xin việc làm. Tùy sức khỏe, bà lại sắp xếp cho họ công việc phù hợp để tranh thủ thời gian rỗi rãi. Có những người già, 70 tuổi, vẫn kiếm được 3,5 triệu đồng mỗi tháng từ dệt lanh.

Không chỉ nhận phụ nữ yêu nghề, xưởng của bà Mai còn tạo cơ hội cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ở Lùng Tám có gia đình có đến 7 đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, chen nhau ngủ trên một chiếc giường. Bà Mai bàn với chính quyền địa phương đưa 7 đứa trẻ về HTX để dạy nghề. Vào ngày nghỉ học trên trường, các em lại đến xưởng vừa học nghề vừa làm. Mỗi em có 1 quyển sổ riêng để ghi chép, làm được bao nhiêu sản phẩm cuối ngày sẽ được thanh toán đầy đủ.

Năm 2017, Forbes Việt Nam chọn nghệ nhân Vàng Thị Mai vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam vì vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm dệt lanh thổ cẩm có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, bà còn góp phần cải thiện đời sống của phụ nữ, giúp phụ nữ có công ăn việc làm, thay đổi tư duy truyền thống trọng nam, khinh nữ của người Mông khi người phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế gia đình.

Cuộc đời của mỗi người phụ nữ với mỗi câu chuyện đều mang đến những ý nghĩa khác nhau. Nhưng suy cho cùng dù hạnh phúc hay bất hạnh, dù giàu có hay khó khăn, người phụ nữ đều nên biết cách bảo vệ mình trước mọi chuyện. Phụ nữ có bản lĩnh tự cứu lấy mình cũng sẽ là người có khả năng sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ những người phụ nữ khác.

Đọc thêm