“Ngăn nắp hơn, hạnh phúc hơn”
Sau một ngày làm việc 8 tiếng trên công ty, B.Linh (25 tuổi, Hà Nội) trở về nhà với trạng thái mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, khác với đa số mọi người chọn cách nghỉ ngơi, thư giãn, cô lại lao đầu vào dọn dẹp nhà cửa ngay tắp lự. Chỉ trong vòng 1 tiếng từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ đâu đâu cũng trở nên gọn gàng, sạch bong. Đến cả 2 chú chó cô nuôi cũng được vệ sinh, cho ăn uống và tắm rửa sạch sẽ. Chỉ sau khi hoàn thành hết công việc dọn dẹp cô mới dành thời gian cho bản thân mình.
“Việc dọn dẹp ngay sau khi về nhà đã trở thành một thói quen hàng ngày của tôi. Dù mệt mỏi đến đâu tôi vẫn cố chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa và ngay khi hoàn thành tôi cảm thấy rất thoải mái, nhất là về tinh thần. Những hoạt động này giúp tôi ổn định tâm trạng, giống như tôi đang chăm sóc cuộc sống của mình. Nhìn thấy nhà cửa ngăn nắp hơn, tôi cũng thấy hạnh phúc hơn”, B.Linh chia sẻ.
Nghe có vẻ kì lạ nhưng rất nhiều người cảm thấy cuộc sống thêm thư thái, nhẹ nhàng sau khi bắt tay dọn dẹp, sắp xếp, kiểm soát môi trường xung quanh. Ngay trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm thấy các nhóm với tên gọi “Yêu bếp”, “Nghiện nhà”, “Nghiện sạch”…, tất cả đều có nội dung liên quan đến niềm yêu thích chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống. Như trong nhóm “Nghiện sạch” với hơn 300.000 thành viên, các bài đăng trong đây đều chia sẻ những bí quyết, những mẹo vặt giúp nhà cửa trông tinh tươm hơn hay đơn giản nói về niềm yêu thích dọn dẹp của mình.
“Chào các anh chị em ở nghiện sạch nhé. Vô tình lướt Facebook thấy tên hội là tôi ấn vào tham gia ngay. Vì thật sự, tôi là một con người rất thích sạch. Trước khi đi đâu mình cũng đều dọn nhà sạch sẽ rồi mới đi, hoặc sau khi đi làm về việc đầu tiên của mình là quét dọn nhà cửa. Chỉ cần nhà sạch, mình ăn gì đơn sơ cũng thấy ngon, chỉ cần nhà sạch, thì mình lại thấy tâm hồn thoải mái. Nhà Thủy chỉ vọn vẹn 60m2, nên luôn cố gắng dọn dẹp và để đồ sao cho nhìn gọn gàng nhất có thể. Yêu nhà, nghiện sạch là những gì Thủy đam mê từ trước, hiện tại và cả tương lai”, lời chia sẻ từ tài khoản T.Thủy được đăng tải trên nhóm “Nghiện sạch”.
Xu hướng hình thành các nhóm liên quan đến dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa vốn mới chỉ xuất hiện từ năm 2020 khi dịch COVID-19 diễn ra. Trong thời điểm cách ly xã hội, việc phải đối diện với những mất mát, chia ly hay cảm thấy ngột ngạt trước 4 bức tường ngay trong ngôi nhà của mình,… đã khiến nhiều người bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Để “cứu vớt” tâm trạng, một trong những hoạt động yêu thích nhất của nhiều người có lẽ chính là vào các hội nhóm. Được đắm chìm giữa các bài đăng khoe nhà cửa gọn gàng hay loạt bài chia sẻ công thức nấu ăn để học theo đã khiến việc ở nhà không còn quá khó khăn.
Điều đó cho thấy rằng việc quan tâm đến dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa không đơn giản chỉ để đáp ứng nhu cầu về mặt thẩm mỹ, mà còn để đáp ứng nhu cầu cho đời sống nội tâm. Việc giữ gìn lối sống ngăn nắp được coi là một thói quen lành mạnh và có lợi cho sức khỏe tinh thần.
Mối liên hệ giữa không gian và tâm trí
Không phải ngẫu nhiên khi dọn dẹp lại có thể giúp tinh thần trở nên sảng khoái và dễ chịu, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa không gian và tâm trí. “Môi trường bên ngoài luôn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc bên trong và ngược lại”, là lời khẳng định của Tiến sĩ Tâm lý học Danielle Roeske. Do đó, khi tâm trí bị quá tải, không gian sống cũng trở nên lộn xộn theo. Ngược lại, một không gian bừa bộn có thể khiến một người rơi vào tình trạng lo lắng, khó tập trung và căng thẳng.
Đồng quan điểm trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton phát hiện ra rằng sự lộn xộn thực sự có thể khiến việc tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, họ phát hiện ra rằng vỏ não thị giác có thể bị lấn át bởi các đối tượng không liên quan đến nhiệm vụ, khiến việc phân bổ sự chú ý và hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả trở nên khó khăn hơn. Điều đó giải thích rằng khi làm việc hoặc sống trong một môi trường sạch sẽ, con người sẽ cảm thấy cuộc sống thoải mái và dễ chịu hơn.
Vào năm 2020, một nghiên cứu tiến hành tại Hàn Quốc đã chỉ ra mối liên hệ giữa triệu chứng trầm cảm của người dân với những ngôi nhà có điều kiện sống không đạt chuẩn. Một nghiên cứu khác năm 2021 tại Trung Quốc cho thấy người dân cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống trong những ngôi nhà ngăn nắp.
Có thể thấy, việc ở trong một không gian bừa bộn khiến cho tâm trí cũng trở nên bừa bộn theo, đồ đạc lộn xộn làm não bộ của bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều thứ dang dở cần giải quyết nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Đây là lúc cần bắt tay dọn dẹp, sắp xếp, kiểm soát môi trường xung quanh để cuộc sống thêm thư thái, nhẹ nhàng.
Do vậy, việc chứng kiến một người cảm thấy hạnh phúc trong và sau khi dọn dẹp là một điều hết sức bình thường. Bởi thực tế hình ảnh đơn giản về một ngôi nhà sạch sẽ và ngăn nắp có thể giúp một số người thư giãn và giảm căng thẳng ngay cả sau một ngày làm việc mệt mỏi. Việc dọn dẹp thực sự mang đến cho sức khoẻ tinh thần một số tác động tích cực. Khi dọn dẹp, cơ thể sẽ giải phóng endorphin (chất giúp giảm đau, tăng cường tinh thần) giúp bạn cảm thấy thư giãn và hạnh phúc, giảm bớt căng thẳng và lo âu. Đồng thời giúp kiểm soát suy nghĩ tiêu cực và thu hút tâm trí vào một hoạt động lặp đi lặp lại. Việc dọn dẹp cũng đã được phát hiện để cải thiện tâm trạng của một người cũng như mang lại cảm giác hoàn thành và hài lòng.
Trong cuốn sách “The Life-Changing Magic of Tidying Up” (tạm dịch: Phép thuật thay đổi cuộc sống của việc thu dọn ngăn nắp) có giải thích rằng việc giữ nhà cửa sạch sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và sức khỏe. Đây là cuốn sách được viết bởi “phù thủy dọn nhà” Marie Kondo - một chuyên gia dọn dẹp, nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật. Cùng với “Spark Joy” (tạm dịch: Bật lên hạnh phúc), đây là hai quyển sách vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới chứng minh cho việc dọn dẹp nhà cửa cũng là dọn dẹp cho tâm hồn.
“Phù thủy dọn nhà” Marie Kondo chia sẻ niềm vui với việc dọn dẹp. (Ảnh: Marie Kondo) |
Trong tác phẩm của mình, Marie Kondo giới thiệu phương pháp KonMari kỳ diệu giúp khách hàng dọn sạch nhà một lần và mãi mãi. Đây là phương pháp được thiết kế dựa trên cảm xúc và niềm vui. Theo đó, 6 nguyên tắc dọn đồ theo phương pháp KonMari là: cam kết với mục tiêu dọn đồ; hình dung một phong cách sống lý tưởng bạn muốn xây dựng; bắt đầu vứt bỏ đồ đạc, trước khi bỏ đi hãy cảm ơn từng đồ dùng; dọn dẹp theo danh mục; làm theo đúng trình tự và tự hỏi xem đồ vật nào ánh lên niềm vui mỗi khi chạm vào. Ngoài ra, có hai bước cần lưu ý nhất trong phương pháp này đó là loại bỏ và phân loại.
Thông qua các tác phẩm của mình, Marie Kondo đã lan tỏa một thông điệp cực kỳ tích cực và ý nghĩa, rằng: dọn dẹp không chỉ khiến nhà cửa sạch sẽ mà còn khiến cho ta hạnh phúc. Trong chương trình thực tế của cô về dọn dẹp, ở cuối mỗi tập phim các gia chủ đều tìm ra lối thoát trong cuộc sống, ngọn nguồn đều bắt đầu từ việc dọn dẹp. Người góa phụ tìm được cách làm dịu cơn đau tinh thần trong khi dọn quần áo của người chồng đã mất. Một cặp vợ chồng trẻ đang gặp áp lực gia đình vì mới sinh con cũng tìm ra cách gắn kết lại mối quan hệ bằng cách cùng nhau dọn dẹp. Dường như điều cô đem đến cho độc giả không đơn thuần là “bán” phương pháp dọn dẹp, cô đang bán ước mong về cuộc sống ngăn nắp và hạnh phúc hơn.
Người Nhật Bản có một câu ngạn ngữ: “Một căn phòng bừa bộn cũng như thể một tâm trí rối ren”, môi trường sống không chỉ là sự hiện diện vật lý mà còn phản ánh mức độ bình ổn của tâm trí mỗi người. Giờ đây, việc dọn dẹp không chỉ như một nhiệm vụ phải làm mà còn là một liệu pháp tinh thần giúp giảm bớt muộn phiền “trĩu nặng” trong tâm trí.