Khi Tòa làm thay cơ quan địa chính

Hai gia đình ở huyện Mai Sơn (Sơn La) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không  có mốc giới nên 1 trong 2 hộ đề nghị Tòa “xác định ranh giới đất”. Việc cả 2 cấp Tòa của Sơn La đi “cắm mốc giới” theo yêu cầu của đương sự trên đây có phải là “làm thay” công việc của cơ quan địa chính?

Hai gia đình ở huyện Mai Sơn (Sơn La) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không  có mốc giới nên 1 trong 2 hộ đề nghị Tòa “xác định ranh giới đất”. Việc cả 2 cấp Tòa của Sơn La đi “cắm mốc giới” theo yêu cầu của đương sự trên đây có phải là “làm thay” công việc của cơ quan địa chính?

Tòa xác định “không ai lấn đất của ai” nhưng ông Cẩm vẫn trở thành “người phải thi hành án”
Tòa xác định “không ai lấn đất của ai” nhưng ông Cẩm vẫn trở thành “người phải thi hành án”

“Tranh chấp” cái gì?

Theo đơn khởi kiện của vợ chồng ông Vũ Văn Soi (tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) thì gia đình ông và ông Đặng Hoàng Cẩm (hàng xóm, chung tường nhà) cùng được Nông trường Tô Hiệu thanh lý nhà và được UBND tỉnh Sơn La cấp GCNQSDĐ, trong đó bao gồm phần nhà và phần đất phía trước, phía sau nhà. Vào tháng 2/2010, khi gia đình ông Soi dỡ nhà để xây mới thì 2 gia đình đã không thống nhất được phương án xác định mốc giới phần đất phía trước (giáp Quốc lộ 6) nên có đơn đề nghị Tòa “xác định lại ranh giới quyền sử dụng đất ”. 

Điều này cũng có nghĩa ông Soi không khẳng định được ông Cẩm lấn đất của mình hay không, lấn bao nhiêu m2, ở vị trí nào? Đề nghị Tòa “xác định ranh giới” là quá chung chung, không đúng với thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng không hiểu sao, cả TAND huyện Mai Sơn và TAND tỉnh Sơn La đều thụ lý và xác định đây là vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” rồi lần lượt mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử vụ kiện.

Điều này dẫn đến phán quyết của 2 cấp tòa này có nội dung “không giống ai” bởi người ta đã không thể biết được yêu cầu của ông Soi đối với bị đơn là gì? Yêu cầu này được Tòa chấp nhận hay bị “bác”? Lạ lùng hơn, tuy cho rằng đây là vụ án “tranh chấp đất” nhưng Tòa lại yêu cầu đương sự phải nộp án phí theo vụ kiện “không có giá ngạch”. Có lẽ, Tòa không thể biết “mặt mũi” phần đất ông Soi kiện đòi như thế nào để mà xác định giá trị đất tranh chấp?

Tại bản án phúc thẩm, HĐXX cũng thừa nhận, “không có căn cứ để xác định ranh giới sử dụng đất giữa hai gia đình và không có căn cứ xác định ai lấn chiếm của ai”. Vậy, nếu đã “không ai lấn đất của ai” thì Tòa phán xét về tranh chấp gì?

Từ tranh chấp, lộ việc sửa chữa sổ đỏ?

Để giúp Tòa “xác định ranh giới”, ông Soi đã giao nộp 1 GCNQSDĐ mang tên vợ là Trần Thị Hiền trong đó có sơ đồ thể hiện thửa đất rộng 6,6m. Trước đó, khi Tòa cấp sơ thẩm tiến hành xem xét tại chỗ,  ông Soi cũng có ý kiến “đề nghị xác định đúng theo sơ đồ bản đồ của UND tỉnh Sơn La quyết định”. Ý kiến trên đồng nghĩa với việc ông Soi chấp nhận đất nhà mình rộng 6,6m nhưng nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, ông Soi lại phủ nhận và cho biết, sơ đồ trên Giấy CNQSDĐ là do ông “nhờ cán bộ địa chính vẽ thêm” chứ vào thời điểm được cấp thì không có sơ đồ. (Sở TN&MT tỉnh Sơn La cùng thừa nhận điều này).

Theo một số luật sư thì khi một văn bản (Giấy CNQSDĐ) của Nhà nước đã bị sửa chữa và nguyên đơn xuất trình một chứng cứ mà biết rõ là giả mạo mà Tòa án không chuyển cho Cơ quan điều tra để xác minh làm rõ dấu hiệu tội phạm là không đúng quy định tại Điều 91 BLTTDS, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

“Sửa bản án” hay là “bản án mới”?

Trên thực tế, cả hai hộ đều sử dụng thừa diện tích so với diện tích nêu trong Giấy CNQSDĐ (ông Soi thừa 25m2, ông Cẩm thừa 38m2). Trong khi 2 Giấy CNQSDĐ này đều không có sơ đồ hợp pháp thì lấy gì để đảm bảo là Tòa đã cắm mốc, chia đất cho hai nhà ở đúng phần đất mà hai hộ đã được cấp Giấy CNQSDĐ? Nếu sau này, cơ quan điạ chính xác định rằng, phần đất mà tòa “xác định ranh giới” là đất lưu không, đất hành lang giao thông hoặc đất chưa được hợp thức hóa thì chẳng hóa ra, Tòa đã làm thay chính quyền khi “phán” về 1 diện tích chưa có GCNQSDĐ?

Theo một số luật sư thì trong trường hợp này, cơ quan “xác định ranh giới” giữa 2 nhà phải là cơ quan đã thanh lý nhà và chính quyền địa phương- nơi đã làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ- chứ không phải Tòa án. Chỉ khi nào chính quyền đã xác định rõ ranh giới mà có sự lấn chiếm, lấn mốc giới của nhau thì Tòa án mới đứng ra phân xử.

Vậy nhưng Tòa cấp phúc thẩm vẫn đứng ra “xác định ranh giới”  trên cơ sở ranh giới “đã xác định theo sự thỏa thuận từ năm 1991”. Ông Soi từng gián tiếp thừa nhận (thông qua việc nhờ người vẽ sơ đồ) đất nhà mình rộng 6,6m thì nay lại được TAND tỉnh Sơn La “nới” rộng tới 6,77m

Trao đổi với phóng viên, ông Cẩm cho rằng: “Nhận định trên của Tòa phúc thẩm là không đúng vì chưa bao giờ 2 gia đình thỏa thuận về ranh giới sử dụng đất cả. Chính vì vậy nên 2 bên mới kéo nhau đến Tòa. Việc TAND tỉnh Sơn La xác định mốc giới trùng với bức tường mà gia đình ông Soi đã xây là không chính xác bởi nó được xây vào thời điểm đang tranh chấp, Tòa đã có quyết định yêu cầu ông Soi tạm dừng việc xây dựng”.

Chưa hết, chỉ 4 tháng sau khi có bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Sơn La đã ra Thông báo “sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm”. Theo đó, sửa chữa, bổ sung 6 dòng trong phần Quyết định của bản án phúc thẩm nhằm điều chỉnh lại cách đo, vị trí ranh giới đất giữa 2 nhà. Việc này cũng đang bị ông Cẩm tố là “không đúng quy định bởi đây thực chất là việc sửa bản án để điều chỉnh lại ranh giới đất giữa 2 nhà, làm thay đổi nội dung bản án chứ không đơn thuần là sửa lỗi sai về chính tả hoặc cộng, trừ, nhân, chia sai số liệu”.

Chính vì những lý do trên mà vụ án đang được ông Cẩm đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm. Trong 1 hướng khác, ông Vũ Văn Soi- nguyên đơn của vụ kiện, cán bộ phụ trách đất đai của Nông trường Tô Hiệu- đang bị người dân tố cáo về hành vi tẩy xóa, sửa chữa, vẽ thêm sơ đồ…ở một loạt Giấy CNQSDĐ khác, thu lợi bất chính từ những giấy tờ giả dối này. Chúng tôi sẽ tiếp thông tin về cả 2 vụ việc trên.

Khoa Lâm

Đọc thêm