Khi trẻ em phải “cõng” kỳ vọng của gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc, hội họa đi học bác sĩ”, ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tác động tiêu cực khi một số bậc cha mẹ quá kì vọng vào con cái.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Những câu chuyện đau lòng

Câu chuyện bà mẹ bắt con quỳ ngay tại trường vì trượt lớp 10 ở Hà Nội vừa xảy ra vào đầu tháng 7. Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội xác nhận sự việc diễn ra tại trường vào ngày 1/7. Sáng hôm đó, một người mẹ dắt con gái đến xin vào học tại trường.

Em này thi vào lớp 10 được tổng điểm 36,5, trượt tất cả các nguyện vọng trường công lập. Phụ huynh của em đã đóng phí giữ chỗ ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo quy định của trường, thí sinh đóng phí giữ chỗ trước sẽ được cộng thêm 2 điểm. Dù vậy, em này cũng chưa đạt điểm chuẩn của trường năm nay là 39 điểm, hơn nữa nhà trường đã tuyển sinh đủ số lượng vào ngày trước đó 30/6.

Sau khi nhà trường từ chối, người mẹ mắng chửi con to tiếng và bắt con quỳ ngay tại khuôn viên trường. Thấy nữ sinh quỳ xuống khóc lóc xin mẹ, các thầy cô và một số người đến khuyên ngăn nhưng phụ huynh này mặc kệ, không cho ai can thiệp mình dạy con.

Mới đây nhất, ngày 10/7 tại huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra án mạng con trai 18 tuổi vừa thi THPT đã sát hại mẹ rồi tự tử, nguyên nhân ban đầu nghi vấn do áp lực học hành.

Sau những câu chuyện trên, vấn đề kỳ vọng, áp lực của cha mẹ đối với việc học tập của con lại được bàn đến. Khá bất bình với cách ứng xử của phụ huynh bắt con gái quỳ nơi đông người, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng không nên trừng phạt con bởi những nỗi lo của chính mình.

“Việc trừng phạt ấy có làm thay đổi, cải thiện, giải quyết được nỗi lo của phụ huynh hay không? Việc chửi mắng, việc chì chiết, việc đánh, bắt con quỳ giữa sân trường với bao ánh mắt dò xét có thay đổi được sự thực đang diễn ra?” - PGS.TS Trần Thành Nam đặt một loạt câu hỏi.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi học đường, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, sau sự việc này mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ có hố ngăn cách bởi con sẽ cảm thấy mất mặt khi bị mẹ bắt quỳ giữa chốn đông người. “Điều này sẽ khiến sau này bố mẹ khó tác động được với con. Bản thân đứa trẻ sẽ nghĩ mình là người thất bại, người con không xứng đáng. Đứa trẻ sẽ cảm thấy lo sợ trước những kỳ thi trong tương lai...”, theo PGS.TS Trần Thành Nam.

Làm gì để trẻ em được lắng nghe, lên tiếng

Kỳ vọng vào con, đặt hết niềm hy vọng vào con, đó là suy nghĩ thường thấy của các bậc cha mẹ. Không ít trường hợp cha mẹ kỳ vọng quá cao trong khi không nắm rõ thực lực của con, dẫn đến tình trạng buộc con cái phải “đi nhón chân cao quá” vượt sức mình. Vấn đề này đã được đề cập trong tọa đàm trực tuyến “Ước mơ của con – Kỳ vọng của cha mẹ” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children) do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức mới đây.

Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD thực hiện vào tháng 4/2021 tại 7 tỉnh, thành phố cho thấy, rất nhiều học sinh chia sẻ các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia vào các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí. Lý giải thực tế này cũng như tâm lý kỳ vọng của cha mẹ, PGS.TS Lê Văn Hảo - chuyên gia tâm lý cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của việc này đến từ hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua nhiều thời đại, nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ”.

Gợi ý phương pháp để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung, ông Hảo nhấn mạnh: “Cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực với con. Cần hiểu rằng giáo dục tích cực không phải là để con làm gì tùy thích mà là việc cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp, các giới hạn trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ”.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho rằng việc cha mẹ đặt kì vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: “Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ mà lại có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu”. Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc, hội họa đi học bác sĩ. Khả năng con mình chỉ có vậy nhưng lại yêu cầu con phải học trường chuyên, lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng không cảm thấy thoải mái, chỉ là đối phó”.

Ông Quý cho biết các cơ quan nhà nước đang có chính sách, chương trình để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ quyền và sự tham gia của trẻ em. “Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em được lên tiếng về những ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các cán bộ gia đình ở các cấp địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình bao gồm các nội hàm Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương” – ông Quý chia sẻ.

Đọc thêm