Khi truyền thống đối mặt với cuộc chiến “chuyển đổi số”

(PLVN) - Ngành du lịch thế giới đang chứng kiến một cuộc suy thoái của các mô hình kinh doanh du lịch truyền thống. Trong bối cảnh đó, Thomas Cook không phải công ty du lịch đầu tiên sụp đổ trước cuộc chiến chuyển đổi số ngày càng quyết liệt hơn; nhưng lại là một báo hiệu gây sốc đối với các doanh nghiệp du lịch trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả những doanh nghiệp ở Việt Nam. 
Đế chế du lịch Thomas Cook tuyên bố phá sản gây sốc toàn ngành du lịch thế giới. (Nguồn Getty Images).
Đế chế du lịch Thomas Cook tuyên bố phá sản gây sốc toàn ngành du lịch thế giới. (Nguồn Getty Images).

Sự sụp đổ của “đế chế” du lịch

Vào đêm 23 tháng 9 vừa qua, ngành du lịch toàn thế giới đã bị sốc khi thương hiệu Thomas Cook (Anh) phá sản. Cho đến lúc này, Thomas Cook vẫn sở hữu hơn 600 văn phòng, trụ sở được đặt trên các tuyến phố thương mại, tại các thành phố lớn ở Anh và 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu. Cùng với đó, là tất các các công ty du lịch, công ty hàng không, máy bay, khách sạn, resort, du thuyền … thuộc tập đoàn tại 16 nước trên thế giới đều phải ngừng hoạt động. 

Với tuyên bố trên, Thomas Cook đã chấm dứt đế chế của mình sau 178 năm tồn tại, được mệnh danh là công ty du lịch lâu đời nhất trên hành tinh, đã từng có tầm ảnh hưởng tới cục diện du lịch toàn cầu. Nguyên nhân theo các chuyên gia, không chỉ do vận hành một bộ máy cồng kềnh, mà quan trọng hơn là việc Thomas Cook đã thất bại trong việc bắt kịp xu hướng du lịch trực tuyến trên toàn cầu. 

Mặt khác, sau tuyên bố phá sản của đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Thomas Cook, tập đoàn TUI của Đức đã nỗ lực thích nghi để tồn tại, hiện trở thành công ty lữ hành đặt tour truyền thống lớn mạnh nhất châu Âu. Năm 2015, TUI mới bắt đầu chính thức tiếp cận số hóa, sau 2 năm đã đưa ra một chiến lược chuyển đổi số toàn diện với tên gọi “TUI 2022”, tập trung đánh chiếm là các thị trường châu Á và Nam Mỹ.

Gần 700 văn phòng đại lý du lịch ở Anh “sập tiệm” vì chuyển dịch du lịch trực tuyến năm 2018. (Nguồn - TraveldailyMedia)
 Gần 700 văn phòng đại lý du lịch ở Anh “sập tiệm” vì chuyển dịch du lịch trực tuyến năm 2018. (Nguồn - TraveldailyMedia)

Hàng loạt nền tảng phân phối tour trực tuyến đã được TUI phát triển cho các đại lý tại nước ngoài. Từ đó, cắt giảm được chi phí vận hành chuỗi cửa hàng đại diện. Ban lãnh đạo TUI coi đây là cuộc chiến sống còn với doanh nghiệp này.

Tuy nhiên với khoản nợ ròng của TUI tính đến tháng 6 năm nay vẫn tiếp tục tăng lên tới gần 2 tỷ Euro; nếu quy mô và tốc độ chuyển đổi số của TUI không cân xứng với hạ tầng hiện nay thì có thể TUI vẫn sẽ “dẫm lên vết xe đổ” của Thomas Cook.

Đáng nói, không chỉ mỗi hai “đế chế” du lịch này đang phải “vật lộn” với cuộc chiến chuyển đổi số để tồn tại. Một khảo sát năm 2018 ở Anh cho thấy: khi du lịch thế giới chuyển dịch theo xu hướng số hoá, gần 700 văn phòng đại lý du lịch truyền thống ở Anh đã phải đóng cửa chỉ trong vòng một năm. Nguyên nhân chính đến từ sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ trực tuyến.

Cũng theo những nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn RSM Group cho thấy: chỉ có khoảng 19% khách du lịch đặt kỳ nghỉ của họ thông qua các đại lý du lịch truyền thống. Thậm chí, đa số người trẻ còn chưa bao giờ bước vào bất cứ một đại lý du lịch thực tế nào để đặt tour du lịch. Tất cả quá trình này đều được thực hiện qua Internet. 

Mới nhất, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại du lịch Vương quốc Anh, cứ 7 công dân EU được hỏi thì duy nhất 1 người sẽ tự mình đến các văn phòng du lịch đặt tour theo kiểu truyền thống. So với mức 19% vào năm 2018 (tức cứ 1 trên 5 người) thì số liệu này đã cho thấy xu hướng giảm dần của du khách truyền thống. Hơn nữa, du khách truyền thống hiện nay ở châu Âu có độ tuổi khoảng trên 65 tuổi và thường chi trả khá ít tiền cho du lịch. 

Dù vậy, các công ty du lịch truyền thống vẫn còn sức thu hút đối với nhóm khách hàng trưởng thành hơn, doanh nghiệp hoặc đối với dòng khách hạng sang có mức chi trả cao, có nhiều yêu cầu cụ thể hơn đối với chuyến đi của họ.

Du lịch trực tuyến đang là “đấu trường” cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam.
 Du lịch trực tuyến đang là “đấu trường” cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam.

Cụ thể hơn, khách hàng trưởng thành và khách du lịch công ty vốn không có thời gian để tự lên hành trình cho mình; còn khách du lịch hạng sang quan tâm nhiều hơn đến tính cá nhân hoá của dịch vụ so với số tiền họ chi trả. Hiện, thị trường đặt tour trọn gói vẫn rất tiềm năng tại châu Âu, có giá trị lên tới 55 tỷ Euro. Nhưng cuộc cạnh tranh để “giành giật” những nhóm khách hàng “sộp” này không hề dễ dàng.

Cuộc chiến tranh giành những cú “click chuột”

Một “chiếc bánh” to hơn hiện nay chính là thị trường du lịch trực tuyến khi có thể cung cấp cho khách du lịch sự tiện lợi và mức giá hợp lý, hai tiêu chí hàng đầu cho thị trường du lịch đại trà hiện nay. Trong nhiều năm qua, thói quen du lịch của du khách trên thế giới đã có nhiều thay đổi, bao gồm cả du khách Việt Nam.

Thay vì đến các công ty du lịch để đặt vé máy bay hoặc mua các gói kỳ nghỉ như trước, khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ, thích tìm kiếm những tour du lịch độc lạ hoặc tự lên lịch trình cho chuyến đi của mình.  

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên Internet tại Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng hơn 30 lần. Mỗi tháng, có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch bao gồm các tour du lịch trong và ngoài nước, đặt phòng khách sạn và các loại hình du lịch khác.

Thống kê cũng cho thấy 71% khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam thông qua tìm hiểu trên Internet vào năm 2017, trong đó 64% chọn đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của các đại lý du lịch truyền thống. Để theo kịp nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đang “vật lộn” để thay đổi cách họ vận hành bằng cách áp dụng công nghệ trong tiếp thị để giữ chân khách hàng. 

Có một thực tế “phũ phàng” là các công ty, startup hiện nay kinh doanh du lịch online chưa chắc đã có lợi thế hơn những doanh nghiệp truyền thồng. Chỉ nói riêng thị trường Việt Nam, cứ 10 startup về du lịch thì có 9 startup “chết yểu” trong 5 năm đầu.

Airbnb đang chiếm lĩnh thị trường homestay ở Việt Nam.

Airbnb đang chiếm lĩnh thị trường homestay ở Việt Nam.

Nguyên nhân thất bại chủ yếu là do các startup này chỉ tập trung mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, nhưng không có chiến lược giữ chân họ. Từ đó cho thấy, cuộc chiến “chuyển đổi số” giờ không chỉ là thực tế mà các công ty du lịch truyền thống phải đối mặt; mà bản thân các mô hình du lịch trực tuyến trong cùng phân khúc thị trường cũng cạnh tranh quyết liệt với nhau. 

Mặt khác, các thương hiệu toàn cầu vẫn đang độc quyền thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam, thị phần lên tới 80%. Đơn cử, phân khúc khách sạn tập trung vào các nhà cung cấp quốc tế như Booking.com, Agoda, Traveloka và Expedia, trong khi phân khúc homestay đang bị chi phối bởi Airbnb. Hay kể tới RedDoorz, một nền tảng quản lý và đặt phòng khách sạn đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, đã và đang trở thành một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất tại Việt Nam.

Thương hiệu này đã hợp tác với khoảng 125 khách sạn tại năm thành phố lớn trên cả nước chỉ sau một năm hoạt động. Nhờ những lợi thế công nghệ, cùng với tiềm lực tài chính và thương hiệu nổi tiếng quốc tế, các công ty nước ngoài có thể nhanh chóng nắm bắt xu hướng và cập nhật những thay đổi trên thị trường Việt Nam. 

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng phải “giành giật” từng lượt “click chuột” của khách hàng để chiếm lại thị trường. Hiện, Việt Nam có hơn 10 công ty du lịch trực tuyến áp dụng các công nghệ tiên tiến vào nền tảng kinh doanh như Ivivu, Chudu24, Luxstay, Gotadi, Mytour.vn, Vntrip.vn...

Đáng nói, năm 2018, nền tảng đặt phòng trực tuyến Vntrip.vn đã trở thành hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam, với mức định giá 45 triệu đô la bởi IHAG Holding - một tập đoàn đầu tư toàn cầu của Thụy Sĩ. Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam cũng đã bắt đầu có sự hợp tác giữa những “chàng startup tí hon” và những “người khổng lồ” ngoài ngành.

Đơn cử, sự kết hợp của một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam - Viettel và Tripi.vn nhằm phát triển ứng dụng Sunshine Homes để đặt dịch vụ đưa đón, du thuyền, spa…; Cen Group đầu tư vào mạng xã hội du lịch Astra… 

Tuy vậy, nhìn nhận thực tế, các nền tảng này mới bắt đầu tiếp cận thị trường trong vài năm gần đây, chủ yếu phục vụ khách du lịch trong nước với số lượng giao dịch chưa cao. Trong khi đó, thị trường khách quốc tế gần như chưa bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với một mảnh đất màu mỡ đang bị bỏ ngỏ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2019 ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 28,8% so với tháng 9/2018. Tính chung 9 tháng năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,8 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. 

Có thể thấy, xu hướng chuyển dịch số trong nước vẫn còn chậm. Các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến. Bên cạnh đó, việc thiếu các chính sách định hướng, các quy định cụ thể đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch nước ngoài lợi dụng “lỗ hổng pháp lý” để trốn thuế, lách luật, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Đồng thời, việc thiếu các chế độ ưu đãi, hỗ trợ khung khiến cho các start-up Việt Nam dễ dàng “chết yểu” trước khi có thể “đứng vững vàng” trên đấu trường cạnh tranh khốc liệt mang tên “du lịch số”.