Không chỉ là một “chứng nhân lịch sử”, nối đôi bờ sông Hồng, nối liền cuộc sống bình dị, hoang sơ của người dân bãi giữa với sự náo nhiệt chốn phồn hoa đô thị, cầu Long Biên từ khi nào đã trở thành một trong những lựa chọn của các cặp đôi làm bối cảnh cho album ảnh cưới của mình với hy vọng tình yêu của họ cũng đẹp và bền vững như cây cầu này.
Với cấu trúc cổ kính nhuốm màu thời gian cùng tuyến đường sắt chạy qua được các tay máy tận dụng triệt để, mang đến cho các cặp đôi những bức ảnh vô cùng thú vị và độc đáo. Mỗi thời điểm trong ngày đều đem đến cho cây cầu này một vẻ đẹp khác nhau. Sáng sớm, cây cầu thấp thoáng giữa bối cảnh bãi giữa trong màn sương thì lúc chiều buông, cây cầu lại có nét trầm mặc cổ kính... Có lẽ vì thế mà hầu như các cặp đôi có nhu cầu chụp ảnh dã ngoại đều muốn có vài chục tấm thực hiện trên cầu Long Biên.
Bởi đặc thù cây cầu nhỏ lại có làn đường sắt, làn đường bộ nên khi thực hiện bộ ảnh, các cặp đôi cũng như cả ê-kíp chụp hình đều phải tập trung chú ý nếu thực hiện những tấm hình trên đường ray, “váy thời trang hay áo dài gọn gàng còn đỡ, chứ chụp với váy cưới trong khu vực đường ray là vất vả nhất, bởi cô dâu phải trèo qua thanh chắn để vào đường tàu. Sơ ý một chút có thể bị mắc váy, rách đồ đã khổ, ngã ở đó sẽ rất nguy hiểm.” - chị Nguyễn Hồng, chủ tiệm áo cưới và cung cấp dịch vụ cưới hỏi trọn gói cũng đánh dấu cây cầu này là một trong những địa điểm trong tour dịch vụ của mình chia sẻ.
Liên hệ với Ban Quản lý, bảo vệ đường sắt, bác Phan Lương Lâm, 51 tuổi, Tổ trưởng Tổ bảo vệ tài sản trên cầu Long Biên, trực thuộc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cho biết, hiện tượng chụp ảnh trên cầu Long Biên xuất hiện từ lâu và có vẻ ngày càng tấp nập. Chỉ cần thời tiết khô ráo là các bạn lại kéo nhau lên cầu chụp ảnh. Nhất là những ngày trời có nắng, lượng người lên cầu tạo dáng ghi hình “quản không xuể”.
Thời điểm mùa cưới như thời gian này, xuất hiện thêm nhiều cặp đôi thực hiện ảnh cưới và cũng là thời gian Tổ bảo vệ phải làm việc bận bịu hơn. Ngoài việc phải tuần tàu định kỳ, kiểm tra an toàn đường ray, phát hiện những dấu hiệu kỹ thuật không đảm bảo thì nay Tổ còn phải nhắc nhở cũng như xua đuổi những “người mẫu” hay tay máy ra khỏi khu vực cấm.
Với quãng thời gian hơn chục năm gắn bó với công tác bảo vệ đường tàu, bác Lâm chia sẻ: “Việc chụp ảnh ở khu vực cầu khó mà cấm được, nhưng cần phải có ý thức. Vì cầu xuống cấp, tàu chạy chậm hơn, tiếng động nhỏ hơn nên càng phải chú ý khi tàu tới. Trèo qua rào chắn để chụp ảnh trong khu đường ray là xâm phạm khu vực cấm, là vi phạm an toàn giao thông đường sắt và không đảm bảo an toàn thì không nên.”
Bác Phan Lương Lâm, Tổ trưởng Tổ bảo vệ tài sản trên cầu Long Biên |
Anh cũng chứng kiến nhiều trường hợp ê-kíp miệt mài quá, không chú ý, khi tàu tới mới nháo nhào dắt nhau tránh tàu. Đã có những trường hợp luống cuống mắc cả váy cưới hay vạt áo dài vào cu-lông đường ray, “thế nhưng chỉ ai “dính” mới chột chứ còn lại người ta vẫn chả sợ đâu” .
Chụp ảnh với di tích cầu Long Biên là một ý tưởng thú vị nhưng không vì thế mà đánh đồng tất cả các khu vực trên cầu. Khi thực hiện bộ ảnh, các cặp đôi cùng ê-kíp chụp hình cũng nên thực hiện các kiểu ảnh đơn giản, không sử dụng quá nhiều đạo cụ để tránh gây ảnh hưởng giao thông và gây nguy hiểm cho bản thân. Chụp tại chân cầu hay làn đường bộ dù không cấm cũng cần chú ý, tránh gây ùn tắc hay cản trở giao thông. Chưa nói đến việc vượt rào chắn vào khu vực đường ray - khu vực cấm lại càng cần lưu ý.
Được biết, Khoản 11 Điều 12 về Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt có nêu rõ cấm: “ Đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt đang tuần đường hoặc đang sửa chữa, bảo trì đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt.”
Đề xuất về việc gắn biển cấm, biển cảnh báo hay những hình thức xử phạt răn đe lại cần phải có động thái của cơ quan quản lý, nhưng “xét cho cùng vẫn là ở ý thức, chứ điều này thì ai chẳng biết” - bác Lâm cho biết thêm.