Người Hà Nội muốn giữ cầu Long Biên nguyên trạng

(PLO) - Sau khi Bộ GTVT đưa ra ba phương án "cứu" cầu Long Biên, nhiều người dân quanh khu vực cầu Long Biên đã không đồng ý với cả ba phương án đó. Họ mong muốn giữ cầu Long Biên nguyên trạng...
Người Hà Nội muốn giữ cầu Long Biên nguyên trạng

Cầu Long Biên là chứng tích lịch sử

Cầu Long Biên  là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng từ năm 1898 -1902, cầu đã trải qua 2 cuộc chiến tranh lớn của Đất nước. Từ đó đến nay cầu đã là biểu tượng của người dân Hà Nội, biểu tượng của mỗi con dân Việt Nam. Nhất là đối với những người từng xây dựng cầu và đi lại trên cầu thì đó còn là kỷ niệm, hồi ức và nỗi nhớ.

Nói về cầu Long Biên, cô Đinh Thị Đông (68 tuổi), người đã từng tham gia sửa chữa cầu Long Biên, mắt đăm chiêu nhớ về quá khứ. Cô kể lại, ngày xưa cô là công nhân của công ty  Cầu Thăng Long, tham gia sửa cầu Long Biên năm 1976. Cô Đông nói: "Công việc của tôi là bê vác, trộn bê tông đổ các trụ ở trên cầu,... hồi đó vất vả lắm, nhưng lúc đó còn nhiều sức. Giờ yếu rồi, không bê vác được gì nữa".

Sau khi nghỉ hưu cô đã về bán nước ở ngày đầu chân cầu Long Biên, phía phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Vì thế mà với cô cây cầu Long Biên như là người bạn "tri kỷ" của mình, để mỗi hàng ngày cầu là đường dẫn khách đến với cô, rồi cũng tiễn khách đi... 

Cô Đinh Thị Đông chia sẻ ý kiến của mình về 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên mà Bộ GTVT đưa ra.
Cô Đinh Thị Đông chia sẻ ý kiến của mình về 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên mà Bộ GTVT đưa ra. 

Nói về 3 phương án đưa ra của Bộ GTVT về việc bảo tồn cầu Long Biên, cô đã lắc đầu và không chấp nhận cả ba phương án đưa ra. Cô giải thích: "Tôi không đồng ý với ba phương án trên, vì tôi mong muốn được giữ lại cầu Long Biên nguyên trạng như vốn có của nó. Vì nó là công sức của người xưa đổ ra để xây dựng, sửa chữa nó. Bên cạnh đó nó là chứng tích lịch sử để cho con cháu từ đời này qua đời khác nhìn vào mà biết ơn".

Cùng đồng quan điểm với cô Đông, ông Trịnh Hữu Thái, phường Ngọc Lâm (63 tuổi), từng là bộ đội kháng chiến chống Mỹ. Ông mong muốn giữ nguyên trạng của cầu Long Biên, vì theo ông khi cả ba phương án đều "động chạm" đến di sản của Đất nước, như thế sẽ làm ảnh hưởng đến hình dáng, cấu trúc của di tích lịch sử.

"Tôi nghĩ nên để nguyên trạng cầu, cho dù thực hiện phương án nào thì cầu đều bị ảnh hưởng, không còn nguyên trạng như lúc ban đầu. Cầu Long Biên là di sản quý giá của dân tộc, cầu gắn với cuộc sống của những con người chúng tôi hàng ngày. Giữ lại để sau này còn có cái để giáo dục con cháu, còn đưa con cháu đến để nhìn vào chứng tích, kể lại cho chúng nó nghe về những câu chuyện của cha ông" ông Thái nói.

Chị Trần Thu Huyền, mấy năm nay đều bán ngô trên cầu Long Biên cũng mong muốn giữ nguyên cầu để người dân đi lại, đến tham quan hàng ngày. Chị nói: "Tôi có nghe thông tin về ba phương án bảo tồn cầu Long Biên trên tivi, tôi cũng chưa hình dung được rõ ràng về ba phương án đó. Nhưng tôi mong muốn giữ nguyên cầu Long Biên như lúc này, nếu sợ cầu hỏng thì không cho tàu chạy qua nữa. Vì đây là chứng tích lịch sử, người trẻ vẫn thường xuyên rủ nhau lên đây chụp ảnh, thư giãn, tham quan".

Nhiều người khác cũng cho rằng nên giữ cầu lại nguyên trạng để giới thiệu với bạn bè Thế giới về Việt Nam. Vì cầu Long Biên được người Pháp thiết kế và xây dựng giống với tháp Eiffel, đó là một điều may mắn của người Việt Nam. Bên cạnh đó, kể về lịch sử của cây cầu cho họ nghe. 

Xây cầu mới cách xa cầu Long Biên khoảng 800m

Người dân quanh khu vực cầu Long Biên đưa ra đề xuất nên xây dựng một cái cầu mới bên cạnh cầu Long Biên, cách cầu khoảng 800m. Để cầu Long Biên chỉ dành đi bộ, đi xe đạp để tham quan, thể dục, cấm xe máy và tàu hỏa đi lại trên cầu để bảo tồn cầu Long Biên.

Cô Lê Thị Thủy, 57 tuổi, sống tại đầu cầu Long Biên, phường Ngọc Lâm hơn 31 năm, nói: "Hàng ngày tôi vẫn đi thể dục ở cầu Long Biên, cô vẫn nói với con cô rằng, cây cầu này có hơn 100 tuổi rồi. Cây cầu trải qua hai cuộc chiến tranh lớn của dân tộc, chống chịu mưa bom để hôm nay vẫn sừng sững. Chạm vào bất kỳ phần nào của cầu, cũng làm chạm vào lịch sử của dân tộc. Vì thế cô muốn giữ nguyên cầu và xây một cây cầu mới bên cạnh".

Cô Lê Thị Thủy hơn 31 năm sống gắn bó với cầu Long Biên.
 Cô Lê Thị Thủy hơn 31 năm sống gắn bó với cầu Long Biên.

Hàng ngày chú Bùi Văn Nghĩa, ở phố Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm vẫn đi lại trên cầu Long Biên, nói: "Tôi vẫn đi lại trên cầu Long Biên suốt, thời gian trước tôi có làm cho một công ty bên kia cầu, nên ngày nào tôi cũng phải đi qua cầu này suốt 10 năm. Tôi thấy cầu đẹp, nó là một nét riêng của Hà Nội, khi đọc 3 phương án tôi đều không đồng ý. Tôi mong muốn giữ nguyên cầu như lúc này".

Chú Nghĩa đưa ra phương án riêng của mình: "Nếu có tiền thì Bộ nên xây dựng một cầu mới cho tàu chạy và các phương tiện như xe máy, ô tô đi bên cạnh cầu Long Biên, cách xa cầu Long Biên ra khoảng 800m. Để mọi người đi trên cầu mới có thể ngắm nhìn được cầu Long Biên cũ".

Hiện tại cầu Long Biên ngoài mang ý nghĩa lịch sử, kiến trúc công trình độc đáo, thì còn mang vẻ đẹp cổ kính, đáng để bảo tồn. 

Nếu phải chọn nên chọn phương án 1

Nếu trong trường hợp phải chọn 1 trong 3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra thì hầu hết người dân quanh khu vực cầu đều chọn phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.

Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Cầu sẽ được gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ 2 bên cầu phục vụ cho nhu cầu du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ những nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.

Cầu đường sắt vượt sông Hồng mới khi đó sẽ bao gồm cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ô tô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ.

Vì theo ý kiến người dân thì phương án 1 là phương án ít làm ảnh hưởng đến cầu Long Biên nhất trong ba phương án đưa ra. Cô Lê Thị Thủy nói: "Nếu phải chọn thì tôi chọn phương án 1, vì phương án 2, dỡ cầu Long Biên là không thể chấp nhận, lẽ nào lịch sử đất nước đang thể hiện ở cây cầu lại phá hủy đi thì tôi không đồng ý. Phương án 3 so với phương án 1, thì tôi nghiêng về phương án 1 vì xét về tiềm năng kinh tế, bảo tồn, kiến trúc thì nó có nhiều ưu điểm hơn".

Cô Đinh Thị Đông cũng nghiêng về phương án 1 nếu bắt cô phải lựa chọn. "Nếu bắt buộc phải sửa chữa, nâng cấp, xây dựng để bảo tồn. Thì dùng phương án 1 là ít ảnh hưởng đến cầu nhất, nhưng tôi vẫn mong muốn không phải dùng đến 1 trong 3 phương án đó" cô Đông nói.
 

3 phương án và 9.000 tỷ đồng của Bộ GTVT đưa ra trong dự án bảo tồn cầu Long Biên:
Phương án 1:  Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.
Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Cầu sẽ được gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ 2 bên cầu phục vụ cho nhu cầu du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ những nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.
Cầu đường sắt vượt sông Hồng mới khi đó sẽ bao gồm cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ô tô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ
Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.
Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà).
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
9 nhịp cầu còn nguyên bản từ phía Hà Nội sẽ được bảo tồn mang tính nguyên bản. Các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn.
Theo Bộ GTVT, cả 3 phương án này đều chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân với chi phí giải phóng mặt bằng từ 867 tỷ - 989 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là 7.982 tỷ đồng, 9.094 tỷ đồng và 9.389 tỷ đồng.

Đọc thêm