Khổ đời vì... một chữ cái

Ngày ra thành phố học, vì tự ti với cái tên nghe rất “nhà quê” của mình nên cô gái Bùi Thị Lài đã tự ý cải tên trong sổ học bạ để sau đó chuốc lấy vô vàn rắc rối. Làm sao chứng minh cô Thị Lài ngày xưa đích thị là Hương Nhài ngày nay mà không phải là một người nào khác?.

Ngày ra thành phố học, vì tự ti với cái tên nghe rất “nhà quê” của mình nên cô gái Bùi Thị Lài đã tự ý cải tên trong sổ học bạ để sau đó chuốc lấy vô vàn rắc rối. Làm sao chứng minh cô Thị Lài ngày xưa đích thị là Hương Nhài ngày nay mà không phải là một người nào khác?

Người dân làm thủ tục hộ tịch tại thành phố Hồ Chí Minh
Người dân làm thủ tục hộ tịch tại thành phố Hồ Chí Minh

“Sai một li, đi một dặm”

Sinh ra ở một xã vùng cao thuộc tỉnh Hòa Bình, khi thi đỗ vào một trường THPT ở thành phố, Bùi Thị Lài rời vùng quê heo hút ra chốn thị thành học tập. Ngày đầu nhập học, Lài đã rất buồn khi mà nhiều bạn cùng lớp cứ nhắc đi nhắc lại tên em một cách “đầy ngạc nhiên”. Thế rồi khi làm hồ sơ học bạ, nữ sinh đã tự ý đổi tên mình từ Thị Lài sang Hương Nhài cho “mỹ miều”.

Tưởng cái tên Thị Lài dần trôi vào quên lãng nhưng đến mùa hè năm đó, khi tất cả hồ sơ học bạ được đem ra rà soát, đối chiếu để chuẩn bị làm thủ tục thi Đại học, Lài mới “ngã ngửa người” vì hồ sơ của em không được chấp nhận. Bởi lẽ, trong giấy khai sinh tên em là Bùi Thị Lài, còn trong hồ sơ học bạ những năm cuối cấp ba lại mang tên Bùi Hương Nhài.

“Chạy” đến tư pháp thì tư pháp nói không thể sửa giấy đăng ký khai sinh, đến ngành giáo dục thì được trả lời phải chờ rất lâu sau khi đáp ứng nhiều loại giấy tờ mới có thể sửa học bạ. Năm đó, Lài đành ngậm ngùi chờ đến kỳ thi năm sau.

Cũng rắc rối không kém là trường hợp của  ông M.H.T (ngụ huyện Từ Liêm, Hà Nội). Công tác trong lực lượng vũ trang lâu năm, khi cơ quan có đợt kiểm tra hồ sơ cán bộ, ông T mới phát hiện ra hồ sơ của mình nhiều bất nhất, đặc biệt là ngày tháng năm sinh: Bản sao Giấy khai sinh lưu trong hồ sơ ghi sinh ngày 13/4, nhưng Bằng tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3 lại đề ngày 12/4, Sổ hộ khẩu gia đình và các giấy tờ vào ngành cũng lại đề tên ngày sinh khác.

Tìm thấy Giấy khai sinh bản chính thể hiện ngày sinh là 12/4, để thống nhất nên cơ quan yêu cầu ông rà lại các dữ liệu rồi đi điều chỉnh. Đi gõ cửa các ngành để yêu cầu chỉnh sửa các giấy tờ liên quan (Bằng tốt nghiệp, Học bạ, Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu…) nhưng do có quá nhiều ngày sinh và mỗi loại giấy tờ lại thể hiện một ngày tháng khác nhau, nên ông T. rất vất vả khi phải xin “chỉnh” từng loại một với những thủ tục mất nhiều thời gian, công sức.

Khổ đời vì vài nét chữ

Thời gian qua, theo thống kê của Bộ Tư pháp, các yêu cầu về cải chính hộ tịch tại các cơ quan tư pháp địa phương tăng vọt. Chẳng hạn giai đoạn 2007 - 2010 khối lượng các công việc về hành chính tư pháp được tăng lên khá lớn so với giai đoạn 2001-2006, trong đó đặc biệt là các yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch (tăng hơn 100 ngàn trường hợp). Một số địa phương có số liệu về thay đổi, cải chính trong giai đoạn 2007 - 2010 tăng hơn nhiều so với các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang…

Một trong những nguyên nhân các yêu cầu thay đổi, cải chính, thay đổi hộ tịch tăng vọt hiện nay, theo một Giám đốc Sở Tư pháp là do sự đòi hỏi ngày càng cao, phải chính xác đến mức tuyệt đối của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Thực tế cho thấy, rất nhiều người chỉ vì sai một nét chữ, một con số đã mất đi những cơ hội trong học tập, công tác. Đó là chưa kể có những trường hợp không thể thay đổi, cải chính do không còn những chứng cứ, giấy tờ để chứng minh cho yêu cầu xin cải chính là hợp pháp, việc xin thay đổi là hoàn toàn bế tắc.

Một nguyên nhân khác là nhận thức của người dân với pháp luật về hộ tịch nhiều nơi còn  hạn chế. Vì vậy mới có chuyện tự ý đổi họ, tên hoặc thêm thắt chữ đệm, ngày tháng năm sinh… như trường hợp của Bùi Thị Lài nói trên. Ngoài ra, nhiều trường hợp để xảy ra sai sót là do tình trạng tùy tiện trong việc cấp bản chính, bản sao giấy tờ hộ tịch không căn cứ vào sổ hộ tịch vẫn còn ở một số địa phương.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Hùng Tráng, người từng có nhiều kinh nghiệm trong công tác cải chính hộ tịch khuyến cáo: “Giấy khai sinh bản chính của mỗi cá nhân là căn cứ gốc buộc các giấy tờ khác (chứng minh thư, hộ khẩu, học bạ...) phải tuân theo. Do đó cần phải tuân thủ một cách tuyệt đối các dữ liệu trong giấy khai sinh (họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, quê quán, dân tộc...), nếu không hậu quả sẽ là “sai một ly, đi một dặm””.

Cũng theo ông Tráng, cần lưu ý cán bộ tư pháp, hộ tịch khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cũng như cấp bản chính, bản sao phải tuyệt đối trung thành với sổ đăng ký gốc để tránh tình trạng sổ một đằng, giấy cấp một nẻo.

* Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

(trích Điều 38 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)

* UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi;

UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.

(Điều 37 Nghị định 158/CP  về đăng ký và quản lý hộ tịch)

Bình An

Đọc thêm