Rắc rối xử lý tài sản không phổ biến
Theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, thì tài sản đó sẽ bị kê biên , xử lý để thi hành án. Trong thực tiễn tổ chức thi hành án dân sự( THADS), việc kê biên, xử lý tài sản là động sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất: Khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Theo Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định:“những tài sản không phải là bất động sản là động sản”. Như vậy, những tài sản là động sản rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng. Để xác định một cách chính xác chủ sở hữu của động sản không phải dễ dàng, đặc biệt là đối với các tài sản không có đăng ký quyền sở hữu.
Theo quy định hiện hành, những tài sản sau bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu tài sản: nhóm các tài sản là phương tiện giao thông đường thủy (tàu biển, các phương tiện thủy nội địa, tàu cá, xà lan các loại…); nhóm tài sản là phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô, các loại xe chuyên dùng thi công đường bộ…); các loại tài sản là phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa chở hàng, toa chở khách…); tàu bay; các tài sản là vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ; các tài sản là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…
Để có thể kê biên, xử lý được tài sản, Chấp hành viên phải xác minh rõ loại tài sản (tên gọi, màu sắc, kích thước); mục đích sử dụng (tiêu dùng hay phục vụ sản xuất, kinh doanh); tình trạng tài sản (số lượng, chất lượng), tài sản đó đang ở đâu, ai đang quản lý, thời gian đã sử dụng.... Đối với các loại tài sản không phổ biến trên thị trường như: dụng cụ y tế, thiết bị điện, các loại dây chuyền sản xuất… thì thành phần xác minh kiểm tra hiện trạng tài sản lại phải có cơ quan chuyên ngành tham gia. Dẫn đến chi phí xác minh đối với động sản thường rất tốn kém, trong khi đó giá trị của động sản bị xử lý có thể không lớn.
Khó truy tìm tài sản là động sản
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp các động sản như: ô tô, máy móc, thiết bị, tàu thuyền, xà lan… Đối với tài sản là động sản, khi nhận thế chấp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thực hiện giữ tài sản mà chỉ giữ giấy tờ pháp lý nên nhiều trường hợp khách hàng vay, bên có tài sản đã di chuyển tài sản đi đâu không rõ địa chỉ. Trong quá trình xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS không thể truy tìm được tài sản thế chấp để tiến hành kê biên, xử lý để thi hành án. Mặt khác, động sản là tài sản rất dễ bị tẩu tán, nên quá trình xác minh, kê biên, xử lý tài sản cũng có thể phát sinh nhiều tình huống khác nhau.
Theo Điều 68 Luật THADS, chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Luật THADS không quy định rõ biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ áp dụng với tài sản là động sản hay bất động sản. Trong thực tế, chấp hành viên thường áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ với động sản .
Mặc dù Điều 68 Luật THADS quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án. Tuy nhiên Luật THADS lại chưa có cơ chế bảo đảm việc chấp hành viên thực hiện quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có quy định hướng dẫn về trình tự thực hiện trong các trường hợp này. Cụ thể như: Trường hợp cần huy động lực lượng công an tham gia hỗ trợ khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì trình tự thủ tục thực hiện ra sao? Chi phí thực hiện sẽ được trích từ nguồn nào? Có cần lập kế hoạch trước (tương tự như kế hoạch cưỡng chế thi hành án) không?... Do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.