Khó thoái vốn khiến nhà đầu tư lẩn tránh Startup Việt

(PLO) - Theo thống kê, năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các startup tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 1,5 tỷ USD, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ dưới 100 triệu USD. Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư (NĐT) ngoại ngại đầu tư cho các startup Việt bởi rất khó để thoái vốn sau một thời gian đầu tư.
Tham gia buổi talkup các chuyên gia cho rằng không có nhiều sự lựa chọn thoái vốn cho các NĐT nước ngoài ở Việt Nam

“Mắc kẹt” do thủ tục và giấy phép con…

Tại buổi talkup “Toàn cảnh gọi vốn Đông Nam Á và câu chuyện Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc Điều hành tại Việt Nam và Thái Lan của CyberAgent khu vực Đông Nam Á cho biết, năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các startup tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 1,5 tỷ USD, song ở Việt Nam, con số này chỉ là dưới 100 triệu USD, 80% số tiền còn lại đổ vào Indonesia và Singapore.

Cũng theo ông Dũng, ở Việt Nam hiện tại đã có những công ty gọi vốn được hàng chục triệu USD nhưng hàng trăm triệu USD thì chưa có và các công ty này hầu hết tập trung ở Indonesia. Nguồn vốn startup sẽ chảy từ thị trường lớn sang thị trường nhỏ. Từ Mỹ, sang Nhật, tới Trung Quốc, Ấn Độ rồi mới tới Đông Nam Á. Ở Đông Nam Á, Indonesia là thị trường lớn nhất, GDP của họ gấp 4,5 lần Việt Nam, tiếp theo tới Thái Lan, quốc gia có GDP gấp 2 lần Việt Nam.

Lý giải điều này, ông Dũng cho rằng, thị trường startup ở một số quốc gia như Indonesia, Maylaysia, Thái Lan có chính sách gọi vốn tốt hơn Việt Nam. Việt Nam có bất lợi là rủi do lớn, nhiều thủ tục đầu tư, giấy phép con; thời gian giải ngân cho một thương vụ đầu tư mất rất nhiều thời gian…

“Ở Singapore, chỉ 1 tuần là giải quyết xong các thủ tục và giải ngân được vốn đầu tư. Ở Thái Lan là 1 tháng, nhưng ở Việt Nam, thông thường phải mất từ 8 tháng tới 1 năm”- ông Dũng bày tỏ.

Cụ thể, để có một bộ hồ sơ được chấp thuận giải ngân vốn, NĐT phải cung cấp đầy đủ thông tin về NĐT gồm hộ chiếu của người đại diện pháp luật, giấy đăng kí kinh doanh, điều lệ công ty…Tất cả đều phải được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, công chứng. Thời gian cũng mất tới 1 tuần, rồi lại mất thêm vài tháng nữa để xin chữ kí của tất cả các bên liên quan. “Đó là với 1 NĐT chứ nếu có 3 NĐT ở 3 nước khác nhau, có lẽ phải chờ tới cả năm. Giấy phép con thì nhiều, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị xóa 2.000 giấy phép con nhưng vẫn còn mấy nghìn giấy phép con nữa…”- ông Dũng phát biểu.

Ví dụ được ông Dũng đưa ra là trong lĩnh vực thương mại điện tử, nếu có NĐT nước ngoài tham gia, phải xin giấy phép, ý kiến của Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Công Thương. Hay trường hợp của Grab, Uber cũng phải xin thêm ý kiến của Bộ GTVT…

E ngại bởi khó thoái vốn

“Nếu coi Startup là một sản phẩm, sau khi đầu tư khoảng 3 năm, 5 năm hay 10 năm họ sẽ bán ra để kiếm lời. Nếu không bán được coi như thất bại. Song ở Việt Nam hiện nay không có lối thoát để NĐT thoái vốn, càng đầu tư lớn, NĐT càng gặp nhiều rủi ro. Vậy nên, thay vì đầu tư vào Việt Nam họ sẽ đầu tư vào Indonesia, Malaysia và Singapore, bởi khả năng thu hồi tiền và lãi cao hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hoài Nam – Đồng sáng lập Up Co-working Space cho biết: “Ở Việt Nam, không có nhiều sự lựa chọn thoái vốn cho các NĐT bởi hệ thống M&A ở Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi đó, lựa chọn IPO (công ty có thể huy động tiền bằng cách phát hành nợ hoặc cổ phẩn. nếu đây là lần đầu tiên DN huy động vốn từ công chúng bằng cách phát hành rộng rãi các cổ phiếu thì được gọi là IPO) cũng cực kì khó khăn. Bản thân những DN lớn, lâu đời và có nhiều thành công như VPBank cũng vừa mới IPO. Hiện tại, ngay cả những công ty startup công nghệ thành công nhất của Việt Nam cũng chưa dám thực hiện IPO. Lựa chọn chủ yếu là bán lại cho nước ngoài hoặc các NĐT khác.

Ngoài ra, vấn đề thuế không rõ ràng. Nhiều NĐT pháp nhân, đặc biệt NĐT nước ngoài băn khoăn, thuế NĐT phải đóng là thuế gì? Thuế chuyển nhượng vốn (20%) hay thuế mua bán chứng khoán (0,1%)?

Nguyên nhân nữa khiến Startup Việt khó huy động vốn là do thiếu sự cọ sát, bị động trong việc tiếp xúc NĐT…  Điều này khiến các Startup dường như “chết yểu” trong khâu gọi nguồn vốn đầu tư.

“NĐT luôn luôn tìm ra ý tưởng và sự khác biệt trong các startup, họ quan tâm tới phong trào và tính thị trường vốn có. Bởi vậy, để kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, các startup không nên đầu tư theo xu thế, hãy quan tâm tới nhu cầu thực tế của khách hàng, sản phẩm phải phù hợp với thị trường đang nhắm tới…”- ông Dũng đưa ra lời khuyên. 

Đọc thêm