Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (THA) là một trong những biện pháp cưỡng chế để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên trên thực tế, biện pháp này không được sử dụng thường xuyên ngay cả khi người phải THA chỉ có tài sản duy nhất là nguồn tiền lương, lương hưu hay trợ cấp hàng tháng.
|
Hình minh họa. Nguồn Internet |
Lương hưu trừ đến bao giờ?
Sau khi ly hôn với bà vợ người thành phố, ông N.V.S (ở Phủ Lý, Hà Nam) trở thành kẻ “vô gia cư” vì sau ly hôn, tài sản của nhà vợ, ông phải trả lại cho họ. Phần được chia là công sức đóng góp vào khối tài sản chung chỉ được ngót 100 triệu, thêm phần của 2 đứa con cũng là công chức tỉnh lẻ cho, ông phải vay thêm hơn 80 triệu đồng để mua một căn hộ dành cho người nghèo ở ven đô.
3 năm sau, số tiền vay chưa trả hết thì ông S. bị một trận ốm. Ông S. xin khất chủ nợ cho ông nợ thêm vài năm nữa nhưng người này nhất định không nghe. Thương thảo không được cuối cùng bà này kiện ông ra Tòa án. Kết cục đương nhiên theo án tuyên ông phải trả cho bà nọ số tiền còn lại là hơn 20 triệu đồng.
Có lẽ xét thấy đây là số tiền không lớn nên cơ quan THA quận không nỡ bán ngôi nhà ông đang ở (mà cũng không thể bán khi tài sản này mang tên đứa con trai đầu của ông) nên sau quá trình xác minh, THA quyết định trừ vào khoản lương hưu của ông S và được ông chấp thuận.
Tuy nhiên, khi đến UBND phường nơi ông cư trú thì cán bộ THA bị UB phường làm khó với lý do… chưa có tiền lệ việc trừ lương hưu. Hơn nữa ông thuộc thành phần gia đình có công với cách mạng, là người già yếu nên phường đề nghị THA không trừ lương của ông S.
Năm lần bảy lượt thuyết phục, gần nửa năm sau phường mới ưng thuận cho THA được trừ số tiền của ông S. Tuy nhiên, vì số tiền lương của ông quá ít, nên tính ra số tiền ông nợ phải mất đến … hơn 3 năm mới thi hành xong.
Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Trường hợp của ông S. xem ra còn có vẻ “thuận lợi” vì rốt cục UB phường cũng hợp tác với THA. Tuy nhiên nhiều trường hợp khác, cơ quan giữ tiền của người lao động (ví dụ chủ sở dụng lao động, bảo hiểm xã hội…) kiên quyết từ chối cơ quan THA vì lý do bảo vệ cho người lao động của mình, hoặc đơn giản chỉ vì ... chưa có tiền lệ như trường hợp UBND phường nói trên. Đó là chưa kể nhiều người khi đang THA thì chuyển chỗ ở, chuyển nơi công tác… khiến THA lại mất thời gian thông báo đến nơi mới và các thủ tục lại…bắt đầu từ đầu.
Mặc dù Luật THADS quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện theo quy định về việc trừ vào thu nhập của người phải THA, tuy nhiên nhiều cơ quan THA cho biết, ngoài khó khăn vì nhiều cơ quan không chấp hành như trên thì một nguyên nhân khác khiến việc này khó thực hiện là vì pháp luật chưa có những hướng dẫn cụ thể về hồ sơ khấu trừ hay chi phí …
Để khắc phục tình trạng nói trên, nhiều địa phương đã có những sáng kiến để gắn kết trách nhiệm của các ngành trong THA. Ví dụ Hà Tĩnh đưa bảo hiểm xã hội, ngân hàng, kho bạc... vào là thành viên ban chỉ đạo THA, một số địa phương ban hành quy chế phối hợp, tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo THA…
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tự bản thân các ngành phải ý thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác THADS đã được pháp luật quy định. Đối với những trường hợp cố tình cản trở quá trình THA thì dù là cá nhân hay tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, thậm chí có thể bị truy tố theo quy định của Bộ luật hình sự.
Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. (khoản 3, Điều 78 Luật THADS) |
Việt Hòa