Khổ vì kính thuốc rởm

(PLO) - Theo quy định của Bộ Y tế, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc phải là người tốt nghiệp Trung cấp Y trở lên, có chứng chỉ hành nghề về dịch vụ kính thuốc và có thời gian thực hiện đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa mắt ít nhất là 45 tháng. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Người hành nghề dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ về thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp. Cửa hàng kính thuốc tư nhân được phép đo tật khúc xạ mắt, tư vấn về việc sử dụng kính; mài lắp kính thuốc theo đơn của bác sĩ và bảo hành kính thuốc. Quy định là vậy nhưng trong thực tế vẫn còn “vàng thau lẫn lộn”.

Trước thực trạng học sinh mắc tật khúc xạ ngày càng nhiều, nhu cầu đo thị lực, dùng kính thuốc tăng, nhiều cửa hàng kính thuốc đua nhau mọc lên đáp ứng yêu cầu tiện dụng, nhanh chóng của khách hàng. Đánh vào tâm lý đó, thị trường kính hiện nay mang đến cho người dùng đa dạng sự lựa chọn, không quá khó để sở hữu chiếc kính kiểu dáng đẹp với mức giá vừa phải.

Thực tế, rất nhiều loại kính thuốc được kiểm tra không có tem, nhãn, nguồn gốc cụ thể, thông tin về kính chủ yếu được thể hiện thông qua vỏ hộp tự chế của công ty, cửa hàng kính mắt. Nhiều loại kính có nguồn gốc Trung Quốc nhưng trên bao bì lại ghi xuất xứ từ Đức, Nhật Bản. Từ đó, việc sử dụng kính mắt không rõ nguồn gốc, chất lượng chưa đảm bảo khiến người dùng có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về mắt.

Tại các bệnh viện mắt hay bệnh viện có chuyên khoa mắt, các bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân là “nạn nhân” của các cửa hàng kính thuốc. Trong số đó, nhiều bệnh nhân bị cấp sai số kính, lắp kính không đồng trục, lệch tâm, phải đeo kính cận số cao hơn mức cần trong khoảng thời gian dài khiến người dùng mệt mỏi, thậm chí gặp phải những biến chứng ngoài ý muốn.

Kính thuốc có tác dụng chữa bệnh, ngăn không cho mắt tiến triển theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên, thực trạng chung là thị trường kính thuốc đang bị thả nổi, khó kiểm soát.

Vì vậy, để đảm bảo, người tiêu dùng nên đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa hoặc đến trực tiếp cơ sở y tế để nhận được kết quả chính xác. Tuyệt đối không tự ý mua kính thuốc mà phải thăm khám trước khi cắt kính để bảo vệ sức khỏe. 

Đọc thêm