Người Cục trưởng với trăn trở “xây dựng hình ảnh cán bộ thi hành án mẫu mực”

(PLO) - Là địa phương có lượng án đứng thứ 2 cả nước, trong đó có nhiều vụ đặc biệt lớn, khó khăn, phức tạp nhưng nhiều năm trở lại đây, Hà Nội luôn hoàn thành vượt các chỉ tiêu ngành giao phó. Đó là kết quả của hội tụ nhiều yếu tố, song không thể không nói đến vai trò của người “thuyền trưởng” - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Lê Quang Tiến.
Người Cục trưởng với trăn trở “xây dựng hình ảnh cán bộ thi hành án mẫu mực”
Cán bộ còn tư tưởng “lăn tăn” thì không thể toàn tâm toàn ý
Những người biết Cục trưởng Lê Quang Tiến nhiều năm, trong đó có cả người viết bài này, đều chung một nhận xét, ẩn sau con người có vẻ điềm đạm, trầm tĩnh đó là sự kiên định, quyết liệt và cả hơi hà khắc trong công việc. 
Cấp dưới của ông nhận xét về ông ngoài phần nể trọng, yêu mến thì còn có cả sự e dè. E dè ở đây không hẳn vì cấp dưới với cấp trên mà đơn giản là nếu như không hoàn thành nhiệm vụ thì bất kể là ai, ông cũng truy nguyên nhân, với cái đích cuối cùng là tìm ra bằng được giải pháp khắc phục. 
Ban đầu, khi bị “bêu gương”, nhiều người khó chịu, hậm hực song lâu dần thì họ hiểu ra rằng, ông Tiến làm những việc đó không ngoài mục đích để mỗi người phải nỗ lực nhiều hơn, có trách nhiệm hơn trong công việc. “Nhân vô thập toàn”, không phải vì hôm nay có lỗi hay không hoàn thành công việc mà buông xuôi, quan trọng là mỗi ngày trôi qua phải hướng lên phía trước với niềm ước mơ và nhiệt huyết với nghề.
Chính nhiệt huyết của người Cục trưởng với trên 20 năm gắn bó với công tác thi hành án dân sự (THADS) đã truyền lửa cho anh em. Nhớ nhất là cái thời Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, khối lượng công việc tăng 3, 4 lần cộng với việc phải ổn định tổ chức cho hàng trăm con người. Mỗi người là một sở trường, năng lực và cả cá tính, tâm tư nguyện vọng khác nhau. Bài toán về cán bộ khi ấy đã làm ông Tiến nhiều đêm mất ngủ. “Thuận lợi là về cơ bản anh em ủng hộ nên đến nay bộ máy tổ chức cán bộ của Cục đã được kiện toàn, củng cố”- ông Tiến nói. 
Khi sáp nhập, nhiều Chi cục thiếu hụt cả về đội ngũ lãnh đạo chủ chốt đến Chấp hành viên (CHV) thì nay tổng biên chế ở Cục và 30 Chi cục quận, huyện, thị xã đã là 524 người. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cả hai cấp cơ bản được kiện toàn, riêng cơ sở đã có 29 Chi cục trưởng (chỉ có 1 đơn vị Phó giao quyền phụ trách), 48 Phó Chi cục trưởng.
Ngoài quyết liệt trong công việc, ông Tiến cũng là người gần gũi, tận tụy với anh em trong cuộc sống đời thường. Với trên 500 con người, không thể nói là quan tâm được một cách “tròn trịa” nhưng ông Tiến đã nỗ lực đến hết khả năng, trách nhiệm và tấm chân tình của mình. 
“Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau với những vui buồn trong cuộc sống, mình gần gũi cũng là để quy tụ, kết nối anh em, qua đó anh em thấy gắn bó hơn trong công việc và trong đời sống”. Ông Tiến quan niệm rõ ràng anh em có ủng hộ trước hết là nhận thức phải thông thì mới toàn tâm, toàn ý trong công việc.
Đi đôi với việc động viên, chia sẻ, tạo động lực cho anh em hoàn thành nhiệm vụ, ông Tiến cũng đặc biệt giáo dục tính kỷ luật kỷ cương trong toàn ngành. Thi hành án là lĩnh vực phức tạp dễ phát sinh tiêu cực, nếu không làm nghiêm sẽ dẫn đến dễ mất cán bộ. 
Những việc này, việc khác xảy ra trong ngành THADS Hà Nội khiến ông Tiến nghiệm ra một điều rằng, phải thường xuyên kiểm tra giám sát, thấy biểu hiện chuệch choạc là phải uốn nắn, vi phạm ở mức độ nhẹ thì nhắc nhở, nhắc nhở không được thì phải có biện pháp mạnh xử lý. Chính vì thế, nhiều năm qua công tác kiểm tra giám sát đã được Cục THADS Hà Nội đặc biệt chú trọng. 
Quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ, CHV theo ông Tiến là bản lĩnh nghề nghiệp. “Hầu như vụ việc nào, đặc biệt là những vụ án phức tạp cần cưỡng chế, bản thân tôi và anh em đều chịu rất nhiều áp lực. Nếu CHV không nắm vững trình tự pháp luật, lại non về bản lĩnh nghề nghiệp chắc chắn sẽ run tay hoặc sa ngã”. 
Với quan điểm phải nâng cao năng lực công tác, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ CHV, ông Tiến còn chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho anh em đi học, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị…
Những năm gần đây, lượng án ở Hà Nội tăng đột biến, đặc biệt là án liên quan đến tín dụng ngân hàng với giá trị lớn – một trong những loại án rất khó thi hành nhưng chủ yếu phát sinh ở một số huyện ngoại thành. Công việc đòi hỏi không thể dậm chân tại chỗ, vậy nên ông Tiến quyết định điều động cán bộ từ nơi án ít đến nơi án nhiều căn cứ trên tổng số biên chế được giao. Tuy nhiên, chỉ đơn giản điều cán bộ từ nội thành ra ngoại thành hay ngược lại đã là cả vấn đề nan giải. 
“Muốn điều động, biệt phái thành công, Cục phải xây dựng kế hoạch thật chi tiết cụ thể, quán triệt đến tất cả các đơn vị. Trước khi thực hiện phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, phải làm cho anh em hiểu là chủ trương xuất phát từ yêu cầu công việc. Phải làm cán bộ hiểu để thấy rõ trách nhiệm của mình, khi tư tưởng thông suốt, anh em sẽ yên tâm cống hiến”, ông Tiến chia sẻ. Chính việc thực hiện chủ trương này được tính toán kỹ càng, bài bản mà trong rất nhiều năm qua, công tác luân chuyển, biệt phái ở Hà Nội đã cho những kết quả rõ nét. 
Mong hành lang pháp lý thuận lợi
Cùng với công tác cán bộ, hàng loạt giải pháp chuyên môn cũng được ông Tiến chỉ đạo thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ việc rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án (THA). Vì thế chỉ tiêu được giao cụ thể đến từng Chi cục trưởng, CHV, qua đó bắt buộc CHV phải đề ra các giải pháp chủ động, quyết liệt, kịp thời áp dụng các biện pháp THA. 
Trong những vụ án lớn, phức tạp, ông Tiến trực tiếp lắng nghe anh em tìm cách thi hành, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể có liên quan. Ông Tiến cũng quán triệt đến anh em phương châm lấy động viên, giáo dục, thuyết phục THA là chính nhưng cũng cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại nhiều năm đã được tổ chức cưỡng chế đạt kết quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Dưới sự quản lý, chỉ đạo của Cục trưởng Lê Quang Tiến, trong 20 năm qua, năm nào THADS Hà Nội cũng đạt và vượt chỉ tiêu do Tổng cục THADS giao, đơn vị được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Tư pháp. Riêng cá nhân Cục trưởng Tiến đã từng nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND... 
Nói về những kết quả của THADS Thủ đô, ông Tiến khiêm tốn: “Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, của Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo THA, sự phối hợp của các sở, ban ngành, địa phương và sự nỗ lực không nhỏ của cán bộ CHV trong toàn ngành”. Theo ông Tiến, thành tích của cá nhân ông cũng là thành tích của tập thể vì “một tập thể không vững mạnh thì cá nhân lãnh đạo không thể mạnh”.
Nhiều năm gắn bó với công tác THADS, ông Tiến vẫn luôn trăn trở “công tác này dù được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp quan tâm song còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tính chất công việc phức tạp, đội ngũ CHV, cán bộ THA phải chịu nhiều áp lực nên cần sự quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế tạo hành lanh pháp lý thuận lợi; có nhiều chính sách đãi ngộ để động viên, khuyến khích cán bộ, CHV yên tâm công tác”. 
Đặc biệt, ông Tiến luôn đau đáu làm sao xây dựng được hình ảnh người cán bộ THA mẫu mực như Bác Hồ nói vừa hồng vừa chuyên trong đời sống xã hội. “Việc này không ai có thể làm thay anh,  mà xây dựng hình ảnh chính bản thân anh phải làm. Cơ quan chỉ hỗ trợ tạo môi trường tốt cho anh làm việc”. 
Ông Tiến cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, UBND, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn, vì theo ông, nếu chỉ một mình THADS thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, khó đưa “Thủ đô đi đầu trong cả nước về công tác THADS”. 

Đọc thêm