Do nhu cầu thực tiễn của phát triển xã hội, ngày càng phát sinh nhiều mối quan hệ (công dân với công dân; công dân với các cơ quan, tổ chức; các cơ quan, tổ chức với nhau). Những mối quan hệ này sẽ phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn, những ý kiến trái chiều ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi bên. Vì vậy, vai trò ngành Luật thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, các sinh viên ngành Luật khi ra trường được trang bị lượng kiến thức cơ bản nhưng lại chưa đủ sâu, kĩ năng, thái độ ứng dụng vào thực tế chưa tốt. Chính vì vậy, việc đào tạo sinh viên ngành Luật tiếp cận năng lực (CDIO) là rất đúng đắn và cần thiết.
Trường Đại học Vinh là trường duy nhất của Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội CDIO quốc tế vào năm 2018. Theo đó, Khoa Luật – Đại học Vinh là một trong những đơn vị tiên phong của ngành xã hội tiếp nhận và áp dụng chương trình đào tạo CDIO. Phương pháp CDIO như một khung chuẩn phát triển chương trình đào tạo; đáp ứng nhu cầu của xã hội, chuẩn mực chất lượng quốc tế và hội nhập quốc tế.
CDIO nổi bật lên các đặc điểm: tính nhu cầu khách quan của xã hội, sự thống nhất với các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế và tính liên kết với xã hội. Ngoài các kiến thức cơ bản được học tại trường, sinh viên còn được tiếp nhận các kiến thức, yêu cầu thực tế, kinh nghiệm hành nghề, cách các doanh nghiệp sử dụng lao động từ các doanh nghiệp, cơ quan...
Với hình thức học “Diễn viên giả, kiến thức thật” giúp cho sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời giúp cho người học trang bị thêm kỹ năng pháp luật (Ảnh: Một phiên toà giả định do sinh viên Khoa Luật thực hiện). |
Tất cả những yêu cầu trên đều được đáp ứng khi người học được đào tạo theo chương trình có chuẩn đầu ra tiếp cận theo phương pháp CDIO. Người học sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rộng mở, nhanh chóng thích ứng với yêu cầu công việc, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều xáo trộn như hiện nay.
Sự khác biệt lớn nhất giữa đào tạo ngành Luật truyền thống và CDIO chính là hai yêu cầu mới, gắn với thực tiễn nhiều hơn: Đó là học tập và ứng dụng thực tế. Khung chương trình học với cấu trúc bao gồm 2 phần: Phần cứng là những kiến thức cơ bản về chuyên ngành và phần mềm là các kiến thức, kỹ năng được cập nhật liên tục theo xu thế biến động của xã hội và các nhà tuyển dụng.
CDIO là chương trình đào tạo dựa vào năng lực, đánh giá theo năng lực của người học; Chương trình luôn cập nhật công nghệ mới nhất, đào tạo theo công việc cụ thể; Người học được học trên những dự án thật; Học sinh được học trên lớp và thực tiễn; Nhà trường tổ chức mô hình “Phiên tòa giả định” tại Phòng xử án mô phỏng theo đúng quy chuẩn.
Khoa Luật Đại học Vinh còn có hoạt động hỗ trợ, quản lý sinh viên như: Trợ lý Quản lý sinh viên; Cố vấn học tập; Liên chi đoàn; Chi bộ sinh viên nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống cho sinh viên. Vừa qua, nhằm nâng cao việc thực hành nghề cho sinh viên, khoa đã thành lập Trung tâm Tư vấn Pháp luật nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội và tạo ra môi trường thực hành các kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Tại đây, người học được đóng vai từ Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên tòa, Luật sư đến bị cáo và người làm chứng trong không gian của toà án. Bên cạnh đó, sinh viên còn được đầu tư trang phục, cung cấp hồ sơ các vụ án được phép cung cấp.
Với hình thức học “Diễn viên giả, kiến thức thật” giúp cho sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời giúp cho người học trang bị thêm kỹ năng pháp luật (đọc, nghiên cứu, phân tích hồ sơ, tài liệu, thủ tục, trình tự tố tụng, tranh tụng, điều khiển phiên tòa…).
Ngoài việc trau dồi về mặt kiến thức cơ bản sinh viên ngành Luật còn được hưởng ứng và tham gia các sân chơi lành mạnh như: Hội thi rèn nghề là sân chơi trau dồi các kĩ năng cho sinh viên, chương trình Chủ nhật xanh, tình nguyện dạy học cho trẻ em làng SOS hàng tuần, ... Các chương trình này tạo ra một sân chơi bổ ích, trau dồi kiến thức, tạo tính năng động, chủ động cho sinh viên.
TS Đinh Ngọc Thắng - Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Vinh) chia sẻ “Bản chất của CDIO là một thang đo về năng lực của người học. Sau khi ra trường sẽ đáp ứng được vị trí việc làm phù hợp với năng lực, phù hợp với thị trường lao động”.
Với xu thế đào tạo hiện nay của ngành Luật nói chung, Khoa Luật Đại học Vinh nói riêng đều hướng sinh viên đến phát triển năng lực cá nhân và trau dồi kỹ năng toàn diện. Chính vì vậy mà cơ hội và thách thức cho ngành Luật hiện nay là rất lớn. Do vậy, trong công tác dạy và học cần phải nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.