Khoác áo tu để làm… chuyện đời

(PLO) - Câu chuyện hai thầy tu “nổi đình nổi đám” nhờ tham gia cuộc thi truyền hình thực tế về ca hát đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong công chúng.
Khoác áo tu để làm… chuyện đời

Trước khi xuất hiện và song ca trên chương trình game show “Tuyệt đỉnh song ca” kiếm “triệu view”, hai sư thầy đến từ Long An đã nổi tiếng trên mạng xã hội với các bài hát bolero mùi mẫn. Việc hai nhà sư xuất hiện trên truyền hình và gây ra nhiều phản ứng trái chiều cho dư luận, khi người thì tán thưởng vì thấy thú vị, người thì cho rằng việc làm của hai sư thầy đã không đúng với giới luật người tu hành, khi vi phạm điều thứ 9, 10 trong giới luật, từ bỏ việc ca múa hát. Đáng ngạc nhiên hơn khi việc hai sư thầy đi thi còn có sự ủng hộ của nhà sư trụ trì. Sau đó, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã lên tiếng phản ứng, cho biết hai nhà sư này không thuộc quản lý của Giáo hội mà xuất phát từ một ngôi chùa tự phát trên địa bàn tỉnh.

Chuyện các vị mặc áo tu tham gia nhiều chương trình giải trí không phải lần đầu. Những năm trước đây, năm nào truyền hình thực tế cũng có xuất hiện màu áo nâu sồng trên sân khấu, khi thì sư thầy đi tham gia “Thách thức danh hài”, khi thì sư cô, chú tiểu tham gia thi thố giọng ca. Có năm, trong một chương trình thi người đẹp, người ta còn thấy một chú tiểu đi theo sửa soạn trang phục, trang điểm cho một thí sinh dự thi…

Không chỉ trong lĩnh vực giải trí, chuyện các vị mặc áo tu xuất hiện trong các hoạt động thế tục đang ngày nhiều, không chỉ trong lĩnh vực giải trí. Có người mặc áo tu đi bán nhang, đi kêu gọi vận động ủng hộ tiền bạc, có người khoác áo tu đứng ra tổ chức các sự kiện quyên góp không rõ ràng... Trong số ấy, thật có giả có, nhiều sự lẫn lộn, thiếu rạch ròi, thậm chí lợi dụng lòng thành kính của người dân với các nhà sư gây hoang mang và bất bình trong dân chúng.

Cũng là chuyện khoác áo tu làm chuyện đời, có sư thầy ở Hà Nội, vừa tu hành vừa cày ruộng nuôi những mảnh đời bất hạnh. Một Đại đức ở tỉnh Long An nổi tiếng với biệt danh được người dân đặt cho “kĩ sư áo nâu” nhờ năng nổ, vận động được sự đóng góp của các nhà hảo tâm xây dựng rất nhiều cầu, đường giúp dân nghèo. Có những nhà sư khác dấn thân vào chuyện đời, như xoa dịu những nỗi đau tinh thần, có nhà sư vừa tu hành, vừa làm cha, làm mẹ, làm bảo mẫu cho những trẻ em bất hạnh, tật nguyền, mồ côi…

Cũng là khoác áo tu dấn thân vào đời sống, nhưng các hành động khác nhau tạo nên những hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Thiết nghĩ, người tu không nhất thiết phải xa rời cuộc sống, hoàn toàn tách biệt với thế tục. Nhưng điều quan trọng là những hành động “dấn thân” mang ý nghĩa như thế nào, đơn thuần giải trí, vui chơi, làm nổi, thậm chí phục vụ cho mục đích của một nhóm người cụ thể hay hoạt động vì cộng đồng, giúp người, giúp đời?

Để hạn chế những hành vi gây hoang mang, tranh cãi, để tăng thêm những chuyện hành thiện hữu ích của những vị tu, đem lại cái nhìn thiện cảm cho người dân, có lẽ cần có sự quản lý nghiêm hơn nữa của Giáo hội Phật giáo. Và, người dân cũng nên có một thái độ dứt khoát, biết từ chối, tránh xa các cá nhân, các chương trình lợi dụng sự có mặt của người mặc áo tu để câu view, trục lợi.