Khoai tây TQ “khoác áo” Đà Lạt: Tiểu thương lách luật, chính quyền nương tay?

(PLO) - Mặc dù Tổ Công tác liên ngành của TP Đà Lạt đã kiểm tra, giám sát việc cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản để giả mạo khoai tây Đà Lạt nhưng tình trạng “thay áo” cho khoai vẫn diễn ra vô tư bên ngoài chợ…
Khoai tây Trung quốc được làm giả khoai tây Đà Lạt
Khoai tây Trung quốc được làm giả khoai tây Đà Lạt
Lãi khủng
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 5/11, không khí mua bán mặt hàng khoai tây tại chợ Đà Lạt khá yên ắng, không có xe container nào đưa khoai tây Trung Quốc (KTTQ) vào chợ. Việc nhuộm đất đỏ cho KTTQ tại đây cũng chấm dứt. Trong số 24 quầy kinh doanh mặt hàng khoai tây tại chợ, nhiều quầy đang đóng cửa, chỉ còn 4 quầy đang thực hiện sơ chế số KTTQ còn tồn kho để phân loại, đóng bao trước khi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh. 
Một số tiểu thương cho biết, ngày 29/10 Phòng Kinh tế TP Đà Lạt có văn bản gửi tiểu thương kinh doanh mặt hàng khoai tây trong chợ vận động ký cam kết không nhập khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc để làm giả khoai tây Đà Lạt (KTĐL), 24/24 hộ kinh doanh KTĐL đã ký cam kết không đưa khoai tây ngoại nhập vào chợ; tránh tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản Đà Lạt.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết trước khi lệnh cấm này có hiệu lực (1/11),  hàng trăm tấn KTTQ đã được các chủ vựa cho xe chuyển về các phường, xã sản xuất nông nghiệp trong TP Đà Lạt để nhuộm đất đỏ, giả KTĐL rồi xuất đi các tỉnh bán như thường, không ai kiểm soát và xử lý. 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng ban Quản lý chợ Đà Lạt nhận định, lệnh cấm chỉ có thể thực hiện đối với tiểu thương nhập hàng vào chợ nông sản; trường hợp tiểu thương nhập khoai về rồi lưu trữ ở các kho bên ngoài thì đơn vị này không thể quản lý được. Ông Nguyễn Thế Hiền - Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, khi KTĐL hút hàng thì tiểu thương lại nhập khoai từ Trung Quốc về sơ chế rồi bán. 
Việc này đã diễn ra nhiều năm, khi nhập KTTQ, các tiểu thương đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, họ cũng không vi phạm nên không thể cấm. Hầu hết KTTQ được nhập về đều do một đơn vị cung cấp thông qua Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hoặc Lào Cai. Giá KTTQ ghi trên hoá đơn chỉ từ 1.800 - 3.520 đồng/kg. Các vựa nhập khoai về phân loại, sau đó rửa đất đen rồi nhuộm đất đỏ Đà Lạt để “thay áo” cho KTTQ. Lúc này giá bán buôn được đẩy lên 13.000 - 15.000đ/kg, khi đến tay người tiêu dùng có thể lên tới 20.000 - 30.000đ/kg. 
Giơ cao…
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, trong vòng 3 tháng qua đã có 1.063 tấn KTTQ được nhập về chợ nông sản Đà Lạt, qua kiểm tra đã  xác định 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và đã đề xuất tiêu hủy 26 tấn.
Chánh Văn phòng UBND TP Đà Lạt Hoàng Lợi cho rằng, với nền kinh tế thị trường thì không thể cấm tiểu thương nhập KTTQ về bán, chỉ khi nào có hành vi gian lận thương mại thì mới xử lý vi phạm. Cũng theo ông Lợi, hành vi bôi đất đỏ để “hô biến” KTTQ thành KTĐL và bán với giá cao có thể xem là hành vi gian lận thương mại.
Được biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã ký văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra xử lý hành vi gian lận thương mại đối với loại nông sản KTTQ giả KTĐL. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ của KTTQ nhập vào tỉnh Lâm Đồng. 
Xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ Đà Lạt vào KTTQ trước khi đưa đi tiêu thụ của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Đà Lạt và các địa phương lân cận để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định; Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương nhận dạng KTTQ với KTĐL, gửi thông báo tới các chợ đầu mối nông sản trong nước nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn sản phẩm để tiêu dùng. 
Cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng cách phân biệt các mặt hàng nông sản, trong đó có KTTQ với KTĐL là: KTĐL củ tròn, mắt củ cạn, vỏ mỏng, dễ bị trầy xước. KTTQ kích cỡ đều, củ to và dài, mắt củ sâu, vỏ trơn bóng, ít bị trầy xước.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là cho đến nay chưa có tiểu thương nào nhập KTTQ về làm giả KTĐL rồi đưa đi các tỉnh tiêu thụ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Điểm a Khoản 2 Điều 28 Mục 4 Nghị định số 71/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh...”. 
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của Lâm Đồng và Đà Lạt cần tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn nữa theo quy định của pháp luật thì mới mong hạn chế được tình trạng KTTQ “đội lốt” KTĐL để lừa người tiêu dùng, gian lận thương mại như hiện nay.

Đọc thêm