Biết trước kết luận thanh tra, kiểm tra?
Ngày 5/11, một số cơ quan báo chí đến trụ sở Sở Y tế Hà Nội (đường Ông Ích Khiêm, Q. Ba Đình) liên hệ lấy thông tin về những sai phạm của Công ty CP Dược Sơn Lâm sau khi có đoàn thanh tra đến đơn vị này làm việc vào ngày 27/10. Sau nhiều lần liên hệ, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo cho cấp dưới là ông Nguyễn Văn Yên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.
Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Hiện chưa có kết luận sai phạm cũng như xử phạt về Công ty CP Dược Sơn Lâm”.
Điều này đã trái ngược hoàn toàn với những phát ngôn của ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm vào chiều ngày 4/11. Nói về chuyện Sở Y tế Hà Nội thanh kiểm tra đột xuất đơn vị mình quản lý vào ngày 27/10, ông Cách khẳng định Công ty CP Dược Sơn Lâm không vi phạm trong tiêu chuẩn kho bãi, bảo quản, chế biến dược liệu.
Lời khẳng định của ông Cách này khiến cho dư luận đặt ra nghi vấn về việc tại sao doanh nghiệp bị thanh tra lại tự tin khẳng định trước những dấu hiệu sai phạm của đơn vị mình?
Được biết, Công ty CP Dược Sơn Lâm có tới 3 kho bãi, trong khi chỉ có 1 kho bãi có giấy phép nhưng lại không đủ tiêu chuẩn GSP do Bộ Y tế ban hành, 2 kho bãi còn lại không được cơ quan quản lý thừa nhận vẫn ngang nhiên tồn tại.
Giấy tờ vận hành các kho của Công ty CP Dược Sơn Lâm cũng không đầy đủ, thể hiện rõ quá trình xuất – nhập hàng hóa, hóa đơn đầu vào và đầu ra chênh lệch.
Trước những dấu hiệu đó, nhưng ông Cách vẫn tự tin tuyên bố: “Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ cơ quan chức năng xác nhận đủ tiêu chuẩn kho bãi, bảo quản. Chỉ có sai phạm ở treo biển công ty không có đầy đủ thông tin đơn vị quản lý, vi phạm này đã bị xử phạt hành chính”.
Điều gì đã khiến ông Cách tự tin như thế trong khi những sai phạm (theo quy định phải rút giấy phép, chứng nhận) của đơn vị quá rõ ràng. Không những thế, việc chưa công bố kết luận thanh tra kiểm tra của Sở Y tế và phát ngôn kết quả thanh tra của doanh nghiệp trước khi có kết luận được công bố đặt ra nhiều nghi vấn mập mờ trong quản lý.
Nếu kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội đưa ra đúng như ông Cách tuyên bố trước đó thì đây là dấu hiệu bất thường cần làm rõ để ổn định thị trường dược liệu.
Hải quan chỉ ra sự thật
Cũng liên quan đến Công ty CP Dược Sơn Lâm, ngày 30/10/2015, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gửi các cơ quan báo chí về vấn đề ông Phạm Văn Cách “tố” hải quan cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn và công ty Tuấn Minh có vấn đề trong nhập khẩu dược liệu.
Công văn do ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn ký, nêu rõ nội dung, lô hàng 65 tấn dược liệu thuốc bắc của Công ty Dược Sơn Lâm làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Chi Ma vào ngày 25/9/2015 được bà Vũ Thị Dược – Phó Giám đốc, đại diện cho Công ty CP Dược Sơn Lâm theo giấy giới thiệu do ông Phạm Văn Cách ký là người trực tiếp đến Chi cụ Hải quan cửa khẩu Chi Ma làm thủ tục hải quan, xuất trình hồ sơ để kiểm tra chi tiết theo quy định.
Quán trình tiến hành làm việc từ khi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa cho đến khi giám sát thực hiện tài xuất toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đều có sự chứng kiến và làm việc của đại diện doanh nghiệp là bà Vũ Thị Dược và ông Phạm Văn Cách. Các hồ sơ liên quan đến thủ tục nhập khẩu lô hàng đề do bà Vũ Thị Dược, ông Phạm Văn Cách ký, đóng dấu của Công ty CP Dược Sơn Lâm. Không có đại diện của Công ty TNHH Tuấn Minh tham gia thực hiện công việc của Công ty CP Dược Sơn Lâm.
Trong công văn còn khẳng định: “Công ty TNHH Tuấn Minh là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi tại cửa khẩu Chi Ma, công ty không tham gia vào việc làm thủ tục hải quan cho bất cứ doanh nghiệp kinh doanh XNK dược liệu nào như ý kiến của ông Cách”.
Trước đó, trao đổi với báo chí vào ngày 13/10, ông Phạm Văn Cách nói rằng mọi doanh nghiệp muốn thông quan hàng hóa dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn đều phải nhờ công ty Tuấn Minh làm thủ tục. Ông Cách chia sẻ, chính bản thân mình cũng không hiểu rõ về công ty Tuấn Minh, doanh nghiệp này có mối “quan hệ” với Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma hay không mà mọi thủ tục thông quan của các doanh nghiệp qua đây đều phải nhờ Tuấn Minh đứng ra làm. “Đó là luật bất thành văn ở cửa khẩu Chi Ma, nếu doanh nghiệp nào không nhờ Tuấn Minh làm thủ tục thông quan thì sẽ bị gây khó khăn, hồ sơ lô hàng đầy đủ cũng phải để đấy chờ xét…” – ông Cách nói.
Bản thân ông Cách cũng thừa nhận, công ty Tuấn Minh được coi như “người dại diện” của Công ty Dược Sơn Lâm ở cửa khẩu hải quan Chi Ma nhưng lại không có một văn bản ký kết, ủy quyền nào. Mặc dù vậy, từ trước đến nay phía công ty Tuấn Minh vẫn làm thủ tục thông quan hàng hóa cho công ty Dược Sơn Lâm thành công. Ông Cách khẳng định, người của công ty Tuấn Minh làm thủ tục thông quan 65 tấn dược liệu chứ không phải người của Công ty Dược Sơn Lâm làm. “Chúng tôi không sai thì chẳng sợ gì cả, chính hải quan mới có vấn đề….” - ông Cách nói thêm./.