Tin tức từ hiện trường vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng cho hay tới 8h30’ sáng nay (19/12), lực lượng cứu hộ đã khoan thành công lỗ từ cửa xả sau hầm thủy điện. Điều này giúp cho việc rút nước ra khỏi hầm thủy điện bị sập khá dễ dàng.
Hiện nay, lưu lượng thoát nước đo được chảy từ hầm ra là 1,5m3/giờ. Các công nhân bị mắc kẹt phía trong đang phối hợp với lực lượng cứu hộ bên ngoài tiến hành tháo nước.
Báo Dân Việt đưa tin, hiện một đường điện 3 pha đã được lắp, đưa vào trong để hỗ trợ chiếu sáng cho các nạn nhân.
Trong khi đó, báo Tuổi trẻ cho hay, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng công binh xác nhận, đêm qua mũi khoan từ đỉnh đồi xuống đụng phải đá lớn nên buộc phải tạm dừng. Đến sáng nay sự cố này đã được khắc phục và tiếp tục khoan. Mũi khoan này đã đi được 40 mét và còn khoảng 28 mét nữa mới tới vị trí các nạn nhân bị kẹt.
Thời tiết tại hiện trường từ sáng sớm nay nắng đã hửng, khiến công tác cứu hộ được tiến hành thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với mũi khoan chính từ đỉnh đồi, có một mũi khoan dự phòng tiến hành khoan song song hiện đã đi được 30m.
Dự tính, 2 mũi khoan này khi khoan thành công sẽ đưa nước uống, chăn ấm, thức ăn… xuống tiếp tế cho các nạn nhân.
|
Tất cả đang dồn sức cứu 12 công nhân bị mắc kẹt phía trong, đến nay đã sang ngày thứ 4. Ảnh: Dân Việt. |
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, tại điểm khoan thứ hai từ trên đỉnh xuống, Ban chỉ huy cứu hộ cho biết chuẩn bị đưa thêm một máy khoan công suất lớn nữa vào hoạt động, nâng số lượng máy khoan tại khu vực trên đỉnh núi lên 2 máy.
Máy khoan này được doanh nghiệp tư nhân Tất Đạt, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai điều động lên thủy điện ĐạDâng - Đachomo phục vụ công tác cứu hộ. Được biết máy khoan này có thể khoan sâu 300m (gấp đôi máy khoan hiện tại) và đường đường ống khoan 20-30cm.
Hiện tại, doanh nghiệp Tất Đạt đang điều động máy khoan từ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) di chuyển lên hiện trường.
Trong công tác đào hầm ngầm của lực lượng công binh, thông tin từ Ban chỉ huy Cứu nạn cho biết, đến 8h30’, ngách hầm bên trái đang được đào rất thuận lợi, đã đạt 11m (tổng chiều dài ngách hầm phải đào khoảng 30m).. Trong khi ngách bên phải (đào trước) chậm hơn, hiện chỉ đạt hơn 12m.
Phía chỉ huy công binh cho hay, khó khăn lớn nhất khi đào ngách hầm bên trái là việc chống đỡ sạt trượt từ đỉnh đồi. Điều kiện địa chất không thuận lợi nên không thể đưa phương tiện cơ giới vào khoan hầm, chỉ có thể đào thủ công nên tốc độ không cao.
Đến thời điểm này, mọi hướng cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. GHôm nay đã là ngày thứ 4 cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
PLVN tiếp tục cập nhật./.