Khoán xe công

(PLO) - Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017 với nhiều thông tin về khoán xe công… 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo tính toán, tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 2,4 tỷ đồng, trong khi tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là hơn 4,2 tỷ đồng. Như vậy, khi thực hiện khoán xe ôtô phục vụ công tác chung thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ, tổng số chi phí tiết kiệm được hơn 1,7 tỷ đồng, trung bình một xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Chính phủ đánh giá, việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công, giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe. Số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, tăng hiệu suất sử dụng xe ôtô công, tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Dấu hiệu tích cực là việc khoán xe công đang lan tỏa, gây hiệu ứng tốt. Ví dụ, TP Hà Nội đã áp dụng khoán xe tại 8 đơn vị với tổng số 52 người thực hiện khoán kinh phí, trong đó sở - ngành có 20 người và quận - huyện 32 người. Theo tính toán dựa trên số kinh phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước số tiền tiết kiệm được gần 1,8 tỉ đồng (trung bình mỗi xe tiết kiệm được gần 7 triệu đồng so với khi chưa khoán).

Ở TP HCM mới triển khai áp dụng theo nguyên tắc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lựa chọn thực hiện khoán theo một trong hai phương thức, gồm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung cho từng chức danh theo đơn giá khoán cố định theo kilômet hoặc theo đơn giá khoán cố định hằng tháng/xe. Tính toán với 5 đơn vị bắt đầu thực hiện thí điểm, TP HCM cho biết mỗi tháng sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng.

Hiện nay, cả nước có hơn 39.400 xe công, chiếm tới 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước. Tất nhiên bên cạnh “khoán” xe công thì xe công mua mới vẫn tăng. Theo báo cáo của Chính phủ mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là hơn 1 nghìn tỷ đồng (trong đó: xe phục vụ chức danh; xe phục vụ công tác chung; xe chuyên dùng). 

Hiện nay việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng với việc đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc. Ví dụ như ở cấp tỉnh tiêu chuẩn được đưa đón từ nơi làm việc đến cơ quan là thường vụ; cấp Trung ương là Thứ trưởng trở lên; với lực lượng vũ trang là Thiếu tướng trở lên. 

Để tiết kiệm xăng xe một cách căn cơ, bền vững, rõ ràng bên cạnh “khoán” phải được thực hiện đồng thời việc tinh gọn biên chế, triển khai quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử và về lâu dài là xây dựng cho được “văn hóa phục vụ” ngay trong chính cán bộ được hưởng chế độ “đưa/đón”.

Đọc thêm