Vụ gắn biển xanh cho xe tư: Sai phạm động trời về tài chính trước khi luân chuyển

(PLO) - Câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gắn biển số xanh cho xe tư nhân (như số báo trước PLVN đã phản ánh) không chỉ dừng lại ở sai phạm về sử dụng ô tô. Dư luận còn đặt ra nhiều nghi vấn về việc doanh nghiệp do ông Thanh trước đây quản lý dù thất thoát cả ngàn tỉ, nhưng vị này vẫn “vượt thoát” và liên tiếp luân chuyển nhiều chức vụ.
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) khi được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) khi được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang

Theo báo cáo thường niên 2013 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Xuân Thanh được miễn nhiệm ngày 19/5 sau gần 5 năm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Tổng Công ty này.

Trước đó, theo thông tin báo chí, vào năm 2009, ông Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN). PVC là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ăn nên làm ra. Tuy nhiên, sau đó PVC bắt đầu xuống dốc, lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ trầm trọng, gây khó khăn cho tập đoàn.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013, lợi nhuận Công ty mẹ - PVC năm 2012 lỗ 1.368 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 của Công ty mẹ PVC tiếp tục lỗ thêm 1.927,16 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, Công ty mẹ PVC đã lỗ trên 3.262 tỷ đồng.

Trước thực trạng thua lỗ của PVC, ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ:

“Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của PVC. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 9/2013 ông Thanh đã bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm chức vụ khác. Trong vòng 3 năm sau khi rời PVC, ông Thanh được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều chức vụ quan trọng khác nhau.

Ngày 30/9/2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký quyết định bổ nhiệm ông Thanh làm Phó chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Bảy ngày sau đó, tại trụ sở Bộ Công Thương, ông Thanh nhận quyết định bổ nhiệm từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Ngày 11/3/2014, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương được điều động sang giữ chức vụ khác. Cùng thời điểm, ông Thanh được điều động tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng.

Ngày 24/2/2015, tại Lễ chào cờ đầu năm (sau Tết Nguyên đán) của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Thanh giữ chức Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.

Ngày 13/5/2015, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa VIII tổ chức Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) để quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với ông Trịnh Xuân Thanh, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng (Bộ Công Thương). Như vậy, trước khi được luân chuyển, bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Thanh đảm nhiệm thêm một cương vị nữa là Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Nhìn nhận về quá trình chuyển công tác liên tục trong 3 năm của ông Thanh, trả lời báo chí, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất mà các cơ quan chức năng cần làm rõ trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo ông Hương, cán bộ ở cấp vụ trưởng thuộc một bộ, ngành ở Trung ương được cấp có thẩm quyền lựa chọn để luân chuyển giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh thường được xem là cán bộ nằm trong quy hoạch phát triển, phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí. “Không đơn giản mà được luân chuyển như vậy”, ông Hương nói.

Cùng quan điểm với ông Hương, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá: “Chúng ta đều biết những cán bộ được luân chuyển tức là thuộc diện quy hoạch để còn lên nữa. Cán bộ lẽ ra phải gương mẫu mà làm như vậy quả là tấm gương xấu, làm ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng của Nhà nước.

Đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chỉ đạo tới 9 ban ngành vào cuộc làm rõ chuyện này, đủ đủ hiểu vấn đề không chỉ dừng lại ở chiếc Lexus của tư nhân mang biển số xanh.

Bởi trước khi về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch, ông Thanh đã “có vấn đề” ngay từ khi làm Chủ tịch HĐQT Công ty PLC. Dưới thời ông này công ty đã bị thua lỗ thất thoát số tiền khổng lồ.

Với hậu quả như thế mà ông Thanh vẫn bình yên, thậm chí được đưa lên Bộ, chuyển công tác mấy lần nhưng lần nào cũng ở vị trí cao cấp hơn. Đợt luân chuyển về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch một thời gian, có thể là bệ phóng để ông Thanh sẽ còn lên cao hơn nữa!

Tại sao một cán bộ gây ra hậu quả như vậy không những không bị xử lý mà còn được cất nhắc nhanh và an toàn như vậy? Nếu không lộ ra từ chiếc Lexus mang biển số xanh thì con đường hoạn lộ của ông Thanh vẫn phơi phới…”.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng: “Quy định, quy trình và luật pháp của chúng ta khá đầy đủ chứ không thiếu. Vấn đề ở đây là con người, cụ thể là cán bộ. Nếu cán bộ không được lựa chọn đúng người có tài, có năng lực và có đức thì rất nguy hiểm. Cán bộ hiện nay không ít người thái độ còn rất quan cách, quan liêu và không nghiêm túc. Họ sẵn sàng đạp lên các quy định, luật pháp miễn sao họ có lợi. Bộ phận này đã làm giảm lòng tin của nhân dân ghê gớm. Chính tại Hội nghị công tác dân vận vừa rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thẳng thắn nêu lên thực trạng và phê bình gay gắt”. 

Luật sư Hậu nhắc lại: “Quy định của chúng ta có sẵn và đầy đủ. Việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ. Nhưng vấn đề con người không tốt nên “con voi vẫn chui qua lỗ kim” là vậy.

Theo tôi đây là dịp để Đảng và Nhà nước ta chứng minh với toàn dân rằng công cuộc phòng chống tham nhũng dù khó khăn, phức tạp đến đâu cũng phải làm mạnh mẽ, tới cùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức cũng tuyên bố: “Xây dựng Chính phủ không tham nhũng, trong sạch”. Đây cũng là dịp xử lý, thức hiện quyết tâm và mục tiêu đó”. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến: 

“Những người như ông Thanh có lẽ tốt nhất nên rút khỏi bộ máy quản lý vì đã như thế, không còn uy tín để tiếp tục làm việc. Cả danh hiệu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ông ấy vừa được người dân tín nhiệm bầu cũng như chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì với hành xử của ông ấy như vậy có còn đủ uy tín để đảm nhiệm không, có đủ uy tín để nói trước dân không? Đấy chính là vấn đề cần đặt ra.

Nếu ông ấy đã được bầu vào ĐBQH thì cần phải xem lại tư cách ĐB của ông ta. Ủy ban thẩm tra tư cách ĐB của QH cần tiến hành làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một ĐB như thế nào để xem ông ấy đã đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chưa.

Đây là những cái cần phải làm rõ và xử lý nghiêm! Câu chuyện này không còn là chuyện của cá nhân ông ấy mà là một tấm gương cho những cán bộ có chức, có quyền khác”.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, lý giải chuyện vì sao đích thân Tổng Bí thư phải chỉ đạo giải quyết việc này?: “Tôi cho rằng vì Tổng Bí thư nhìn thấy đây là một trường hợp lạm dụng công - tư.  Cụ thể,  người vi phạm đã lạm dụng vị trí công vụ của mình để có được một chiếc xe mang biển xanh, để lấp liếm nhân danh nghĩa công cho tài sản tư. Không những thế, đó là một tài sản giá trị lớn, khi tài sản bị khoác danh công vụ có thể gây ra sự bất bình cho người dân, tại sao xe công vụ lại dùng loại sang, đắt tiền như vậy?

Ngoài ra, như thông tin báo chí đã đưa ra, bản thân ông Thanh đã từng làm ở một doanh nghiệp nhà nước - nơi đã xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan tới vấn đề tài chính. Bản thân ông Thanh đã từng bị cựu thủ tướng yêu cầu điều tra xem xét trách nhiệm. Không hiểu sao đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Và giờ ông Thanh lại được điều chuyển như một cán bộ nguồn, thậm chí có thể trở thành một lãnh đạo cao cấp sau này. Rõ ràng, có những dấu hiệu cho thấy nhiều điều không minh bạch nên Tổng Bí thư phải yêu cầu kiểm tra tổng thể, chứ không riêng chuyện xe biển xanh hay biển trắng. Đó cũng là lý do 9 cơ quan phải vào cuộc”.

Chiều 13/6, Báo VietNamNet cho biết, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có báo cáo Trung ương về việc ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi ô tô tư nhân mang biển số xanh. 

Theo nội dung báo cáo: Khi ông Thanh được thuyên chuyển về Hậu Giang công tác, Văn phòng UBND tỉnh không còn xe để bố trí cho ông đi công tác cơ sở, Chính phủ thì quy định không cho mua xe công. 

Lúc này, ông Thanh có đề xuất để ông mượn 1 chiếc ô tô vào đi làm tạm. Thường trực Tỉnh ủy xét thấy để tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thuận tiện trong đi lại làm việc cũng có thể chấp nhận được. Còn việc cấp tạm biển số xanh 95A - 0669, tỉnh đã kiểm tra và nghiêm túc rút kinh nghiệm việc làm trên là chưa đúng quy định. 

Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho rằng: Ông Thanh “có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn giữ gìn phẩm chất, tư cách người đảng viên, có ý thức trách nhiệm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, có ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật”. 

Về mặt hạn chế của ông Thanh, báo cáo cho rằng đó là “còn nể nang trong việc xử lý và thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề này ông Thanh đã được góp ý và sửa chữa tốt”.

Đọc thêm