Khoảng trống mọi lĩnh vực

(PLO) - Đúng là chúng ta đang có nhiều khoảng trống. Khoảng trống trên mọi lĩnh vực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý khi chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh (xem Báo Pháp Luật Việt Nam số ra ngày 26/4/2016).

“Vụ án quán phở” ở quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy yêu cầu bức thiết hiện nay là phải lấp đầy khoảng trống đó, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của mọi công dân, doanh nhân, doanh nghiệp.

Những cải cách mạnh mẽ của 2 luật (Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư) đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới ghi nhận trên các chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn 3 vướng mắc chính phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015).

Một là, vướng mắc do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.

Thứ hai, vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư. 

Thứ ba, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, câu chuyện “tính nhất quán, tính đồng bộ” – một trong các yêu cầu của hệ thống pháp luật (HTPL) lại được nhắc đến.

Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 đánh giá: “HTPL nước ta vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện. Tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản chưa cao... Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu”.

Trong số những nguyên nhân chính của những yếu kém nêu trên Nghị quyết nhấn mạnh đến sự thiếu vắng tầm nhìn chiến lược.

Chúng ta thiếu những nhà lập pháp có tầm nhìn chiến lược do vậy để đạt được yêu cầu “nhất quán, đồng bộ”, văn bản QPPL ban hành có sức sống dài không phải là câu chuyện một sớm một chiều. 

Do vậy, mấu chốt phải có “đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp”, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Có thế mới hy vọng lấp đầy khoảng trống pháp lý!

Đọc thêm