Tân Bộ trưởng Nghĩa "thẳng tưng": “Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư”. Đặc biệt, ông gây xúc động bằng câu nói: “Tôi xin nhắc lại là chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá”.
Lời nói của Bộ trưởng Nghĩa còn cần thời gian để kiểm chứng. Hy vọng câu nói của ông sẽ trở thành tiền lệ tốt đẹp.
“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”, lời nói của người tiền nhiệm ông Nghĩa còn văng vẳng bên tai người dân.
Vâng, thưa, dân biết chứ. Dân hiểu rất rõ giá trị của những tuyến đường tốt mang lại cho họ những gì và cũng không ai có ý nghĩ rằng muốn đi đường đẹp lại không muốn bỏ tiền. Điều người dân mong muốn, đó là nó xứng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra. Có một thực tế đau lòng là lệ phí tăng nhưng chưa phải đồng nghĩa với đường đẹp và không ách tắc. Đặc biệt là không thể để tình trạng đầu tư BOT tràn lan và thu tiền “tùy hứng” kiểu biến đường công thành… đường ông.
Dư luận bức xúc có lý khi có quá nhiều trạm thu phí bất hợp lý. “Sao cứ phải BOT trên đường độc đạo như quốc lộ 2?”, nhiều chuyên gia đã lên tiếng. Bao giờ và ở đâu có “tư duy lùa” để tận thu như ở Việt Nam?
“Đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng mức thu phí tại Việt Nam tính trên một ki lô mét hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Như tại Trung Quốc, trung bình là 1 NDT (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km, còn Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km”, người ta đang lạnh lùng so sánh.
Ai sẽ trả lời câu hỏi: Tại sao suất đầu tư Việt Nam cao? Thu nhập của người dân các nước châu Âu khác gì Việt Nam không? Dễ hiểu vì sao dân bức xúc, doanh nghiệp kêu ca bởi “trăm dâu đổ đầu tằm”, giá vận tải sẽ vào hết giá sản phẩm hàng hóa thì lấy đâu ra sức để cạnh tranh?.
Dễ hiểu vì sao dân nức lòng và chờ đợi ngày câu tuyên ngôn của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được chứng minh trong thực tế!