Đây được xem như “trái tim” của sân bay Long Thành giai đoạn 1 vì giá trị lớn và tính phức tạp về mặt kỹ thuật nhất hiện nay. Trước đó, ngày 24/8, ACV đã xác nhận nhà thầu cho công trình này là Liên doanh Vietur.
Với hình cảnh cách điệu bông hoa sen làm ý tưởng và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh. Điểm đặc biệt của công trình là tại khu vực làm thủ tục hàng không được bố trí các ô lấy ánh sáng trung tâm. Ngoài ra, từ tầng 3 xuống tầng 1 cũng được thiết kế bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan khu vực kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên các ô kính tạo cảm giác mát mẻ và hòa mình vào thiên nhiên.
Phối cảnh nhà khách sân bay Long Thành |
Với thiết kế 1 triệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn hơn 376 ngàn m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.
Theo đó, đơn vị được trúng thầu là Liên danh Vietur gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty cổ phần Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP; Công ty cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP với giá trúng thầu hơn 27.813 tỉ đồng và hơn 338 triệu USD (hơn 8.100 tỷ đồng).Thời gian thực hiện hợp đồng là 39 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Ngoài công trình nhà ga hành khách ra thì trong ngày mai ACV cũng sẽ khởi công các hạng mục của gói thầu số 4.6 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay sân bay Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu có giá trị hơn 7,3 ngàn tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3.