Khôi hài chuyện người chết đi...đóng thuế

Qui trình cấp sổ đỏ cho bà Nhẫn có nhiều khuất tất khi tất cả những thủ tục liên quan đến pháp lý đều do ông Thành kê khai vào năm 2007, mặc dù ông Thành đã chết từ năm 1990. Nực cười nhất là chuyện ngày 22/5/2007 “ông Thành” đã... đến Kho bạc Nhà nước huyện Thốt Nốt đóng thuế trước bạ để rồi ngày 23/5/2007 UBND huyện Thốt Nốt ký giấy công nhận chủ quyền nhà đất cho vợ mình ở dương gian là bà Nhẫn?

Cụ ông Nguyễn Văn Năm (SN 1929, ngụ xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) hiện đang gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương. Đáng lưu ý, những người bị cụ Năm tố cáo lại chính là một số người cháu nội của cụ, trong đó có cả cháu đích tôn. Vì đâu mà 4 năm nay một cụ già 83 tuổi lại đội đơn đi làm cái việc lạ đời ấy? 

Ông Nguyễn Văn Năm với những lá đơn khiếu nại tố cáo.
Ông Nguyễn Văn Năm với những lá đơn khiếu nại tố cáo.
Người chết đóng thuế
Câu chuyện bắt đầu từ người con cả của cụ Năm là ông Nguyễn Văn Thành. Từ nhỏ đến lớn, ông Thành sống với cha mẹ cùng các em tại căn nhà do cụ Năm tạo dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 1985, cụ Năm mua một miếng đất tại thị trấn Thốt Nốt để cho vợ chồng ông Thành cùng các cháu ra ở riêng. 
Năm 1990, chính quyền kê khai đất đai thì ông Thành có kê khai nhà đất cùng với cụ Năm. Ngày 29/9/1990, ông Thành chết. Năm 2007, khi lập thủ tục chia thừa kế cho các con, lúc này cụ Năm mới phát hiện ra căn nhà của mình ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho con dâu mình (vợ ông Thành) là bà Thái Thị Nhẫn. 
Qui trình cấp sổ đỏ cho bà Nhẫn có nhiều khuất tất khi tất cả những thủ tục liên quan đến pháp lý đều do ông Thành kê khai vào năm 2007, mặc dù ông Thành đã chết từ năm 1990. Nực cười nhất là chuyện ngày 22/5/2007 “ông Thành” đã... đến Kho bạc Nhà nước huyện Thốt Nốt đóng thuế trước bạ để rồi ngày 23/5/2007 UBND huyện Thốt Nốt ký giấy công nhận chủ quyền nhà đất cho vợ mình ở dương gian là bà Nhẫn?
Bi hài chuyện tiếp diễn
Chuyện người chết sống lại đóng thuế cho người trần dương gian cũng chưa khôi hài bằng chuyện chính quyền đo đạc để hoàn tất hồ sơ thủ tục cấp sổ đỏ cho bà Nhẫn. Ngày 21/5/2007, chính quyền xã mới tiến hành đo đạc thực trạng ngôi nhà nhưng trước đó, từ ngày 18/5/2007, Phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thốt Nốt đã có hồ sơ kỹ thuật ngôi nhà để cho cán bộ kiểm tra ký, trình lãnh đạo duyệt? Không biết cán bộ kiểm tra này căn cứ vào đâu mà vẽ ra hồ sơ kỹ thuật trong khi xã chưa đo đạc? Việc chính quyền xã có đo đạc thực tế hay chỉ đo đạc ước lệ trên giấy rồi nộp về huyện là một câu hỏi đáng ngờ. 
Ngày 10/7/2012 chúng tôi đến UBND xã Trung An để xác minh sự việc. Phóng viên PLVN “rất vinh dự” được Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã, Trưởng ban Tư pháp và cán bộ địa chính tiếp đón rất nồng hậu. Câu hỏi chúng tôi đặt ra: Theo quy định pháp luật, quy trình cấp sổ đỏ mới cho người dân thì chính quyền cơ sở phải đo vẽ và có ký giáp ranh tứ cận. Các vị lãnh đạo xã trả lời chắc như đinh đóng cột: Chúng tôi đã đo vẽ và có 4 người tứ cận ký giáp ranh, hồ sơ hiện nay huyện Cờ Đỏ (tách ra từ huyện Thốt Nốt) đang lưu trữ. 
Tuy nhiên, xác minh hồ sơ gốc (bản chính) tại huyện Cờ Đỏ thì chúng tôi thấy phần các chủ sử dụng tiếp giáp trong hồ sơ được để trống, nghĩa là không ai ký giáp ranh tứ cận, nghĩa là các vị lãnh đạo xã Trung An nói láo... như cuội!
Một chuyên viên Văn phòng huyện Cờ Đỏ (xin giấu tên) tiết lộ: “Khi chuẩn bị tách huyện Thốt Nốt làm hai, chính quyền huyện Thốt Nốt lúc bấy giờ cấp nhiều sổ đỏ rất ẩu mà hậu quả hiện nay chúng tôi phải giải quyết vì người dân thưa kiện liên tục”. Câu nói của vị chuyên viên này xem ra có cơ sở bởi minh chứng sau: Ngày 21/5/2007 chính quyền xã đo vẽ thực địa, ngày 22/5/2007 ông Thành “đội mồ sống dậy” đóng thuế ở trần gian, ngày 23/5/2007 UBND huyện Thốt Nốt ký cấp sổ đỏ cho bà Nhẫn. Một qui trình cấp sổ đỏ siêu tốc đáng được ghi vào kỷ lục Việt Nam!
Ngày 10/7/2012, chúng tôi làm có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thốt Nốt. Anh Nguyễn Văn Cầu Lý - cán bộ đo đạc - cháu nội cụ Năm tiếp chúng tôi và anh tỏ vẻ hoàn toàn không biết hồ sơ cấp sổ đỏ cho mẹ mình là do ai làm. 
Đơn tố cáo của cụ Năm về đứa cháu nội xem ra không có chứng cứ nhưng vụ việc thì quá nhiều khuất tất khiến cụ Năm bức xúc đội đơn thưa kiện 4 năm nay vẩn chưa được giải quyết là có thật. Dư luận đang đặt vấn đề, những hồ sơ sai phạm như vậy bây giờ thẩm quyền sửa sai thuộc huyện Cờ Đỏ. Nhưng huyện Cờ Đỏ không làm sai nên chính họ không muốn “ôm rơm nặng bụng”. Phải chăng đó là lý do khiến người dân khiếu kiện mãi mà chưa được giải quyết? Những khuất tất trên xin giành cho UBND các cấp của Tp.Cần Thơ xem xét giải quyết để cụ ông 83 tuổi này được “giải thoát” khỏi một “cuộc chiến pháp lý” phức tạp trong những năm tháng cuối đời.
Ngọc Long

Đọc thêm