Khởi nghiệp không chỉ “là bài ca của những giấc mơ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khởi nghiệp là mong muốn của rất nhiều người Việt, thể hiện khát vọng được làm chủ, cất lên tiếng nói riêng của bản thân. Tuy nhiên, để tìm được chỗ đứng trong thời đại cạnh tranh đầy khốc liệt, thì một giấc mơ lớn chưa bao là giờ đủ…
Ảnh minh họa. (nguồn: executivecentre.com)
Ảnh minh họa. (nguồn: executivecentre.com)

Bản giao hưởng của thời đại

Với tỷ lệ người trẻ có học vấn cao, tiếp cận với công nghệ số, tư tưởng mới từ sớm như Việt Nam, nhiều người nuôi khát vọng thực hiện những dự án khởi nghiệp (startup). Như Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group Phạm Thanh Hưng từng chia sẻ tại một sự kiện ở Hà Nội: “Không ở đâu Cách mạng công nghiệp 4.0 và khởi nghiệp được nhắc đến nhiều như ở Việt Nam”.

Theo báo cáo nghiên cứu của British Council về thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020, hơn một phần ba số người được phỏng vấn (37%) có dự định kinh doanh riêng. Họ suy nghĩ khởi nghiệp cho họ có quyền tự do thực hiện các ý tưởng, thể hiện tiếng nói của riêng bản thân, điều mà khi đi làm thuê cho các công ty, doanh nghiệp khó có được. Có đến 59% số người đang đi học được phỏng vấn hứng thú với việc khởi nghiệp. Con số này giảm đi ở những người đi làm, khi chỉ còn lại 37% ước mơ sẽ kinh doanh riêng.

Theo công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Bộ KH&ĐT công bố, tổng số vốn đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam trong năm 2021 đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng bốn lần so với năm 2020. Đặc biệt, giờ đây, các nước Đông Nam Á đang hứa hẹn bắt đầu xuất hiện những kỳ tích tăng trưởng. Hiện tại, các công ty khởi nghiệp từ giai đoạn mười năm về trước đã có đủ độ chín để phát triển. Số lượng người dùng internet ở Đông Nam Á tăng lên 75% vào năm 2021, trong đó 8/10 người được xếp vào nhóm tiêu dùng, có nghĩa số người mua sắm trực tuyến tăng mạnh hơn so với trước. Nếu không bởi đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá năm 2020 là một “thời kỳ vàng” của các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi được đánh giá là một trong ba quốc gia tạo nên “tam giác vàng khởi nghiệp” tại khu vực ASEAN, song hành cùng với Singapore và Indonesia.

Các dự án khởi nghiệp xuất phát vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng có thể dễ dàng thấy ba lý do cơ bản. Lý do đầu tiên, muốn làm giàu, tạo được sự nghiệp cho riêng bản thân, thường các công ty này sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, chứng khoán, giáo dục… Thứ hai, vì đam mê, có những ý tưởng mới, đột phá, mong muốn đem đến giá trị tốt đẹp cho xã hội, có thể thấy ở các dự án đình đám một thời như Soya Garden, WeFit,… Cuối cùng, nhiều người chọn khởi nghiệp để thoát khỏi sự gò bó khi làm thuê cho các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù vì lý do nào, khi bắt đầu điều hành một dự án, những nhà điều hành gặp vô vàn cơ hội và thách thức không thể tránh được.

Cú va chạm giữa giấc mơ và thực tế

Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh, có rất nhiều công ty khởi nghiệp phá sản, chỉ vì những tính toán sai lầm hoặc mang niềm tin ngây thơ vào ý tưởng của bản thân. Theo ghi nhận của bộ phận hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% startup tồn tại không quá hai năm; chỉ có 3% đạt thành công thực tế. Đằng sau mỗi ý tưởng khởi nghiệp là cả một bộ máy vận hành với mô hình kinh doanh, quản lý, đào tạo nhân sự và một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Soya Garden – một trong những dự án khởi nghiệp về đồ uống lành mạnh đến từ đậu tương (sữa đậu nành) chính thức đóng cửa hơn 40 cơ sở vào vào năm 2020. Đây từng một dự án tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam, được đánh giá có ý tưởng độc đáo, mang đến giá trị tốt đẹp cho khách hàng. Vào thực tế, mô hình kinh doanh của Soya Garden chưa được tối ưu hóa, khi lựa chọn mặt bằng ở những vị trí đắc địa, giá thuê đắt. Đồng thời, sản phẩm có giá quá cao và không phù hợp với thói quen uống trà, cafe của người Việt. Đến năm 2019, Soya Garden đã lỗ 62 tỷ đồng.

Không chỉ những dự án khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm và non trẻ mà ngay cả những dự án thuộc hàng “kỳ lân” (những dự án khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ đô la) từng “làm mưa, làm gió” một thời tại thị trường Fitness (thể dục, thể thao) Việt Nam, được điều hành bởi CEO Khôi Nguyễn - một người đã có kinh nghiệm, cũng nhận “trái đắng” do lựa chọn mô hình kinh doanh sai lầm.

Với mô hình sử dụng các “tài nguyên dư thừa” của những đơn vị cung cấp luyện tập (đối tác của doanh nghiệp này), dự án thu tiền của khách hàng theo các các gói được cố định trong một khoảng thời gian, từ đó giúp họ có sự thuận tiện, linh hoạt khi đến các phòng tập. Điều này tưởng chừng sẽ mang lại lợi nhuận cho dự án nếu như người dùng lười tập, vì doanh nghiệp này vừa có thể tối ưu chi phí vận hành cho các đối tác, vừa tăng thêm thu nhập cho dự án.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh có những “lỗ hổng”, giúp người dùng lách luật, nhiều người cùng dùng thẻ doanh nghiệp này trong 1 tháng, thậm chí có tài khoản dùng đến hơn 100 lần tập/một tháng mà không mất thêm chi phí, trong khi doanh nghiệp này phải trả đủ cho các đối tác. Điều này dẫn việc lỗ đến cả chục tỷ đồng trước khi dự án này phá sản.

Mặc dù vậy, các dự án khởi nghiệp thất bại là việc bình thường. Trước một thực tế khắc nghiệt hơn nhiều so với lý thuyết, ngay cả với những người đã thành công như CEO Lê Đăng Khoa cũng từng thất bại với dự án khởi nghiệp in ấn bao bì sản phẩm, tem nhãn cho phân bón. Tuy có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng không có đội ngũ vận hành hiện thực hóa ý tưởng, tự mình xoay xở, cuối cùng anh đã phải dừng lại sau 5 tháng hoạt động, tiêu tốn hết 3 tỷ đồng vào những năm 2007.

Đi lên từ những bài học xương máu

Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group – Phạm Thanh Hưng từng định nghĩa: “Khởi nghiệp là tạo ra những cái mới, chưa ai từng làm”. Đây là con đường của những kẻ tiên phong liều lĩnh. Tuy nhiên, liều lĩnh chứ không phải làm liều.

Khi thực hiện dự án khởi nghiệp, một ý tưởng hay đột phá, sáng tạo trong sản phẩm, đặc biệt trong mô hình kinh doanh để cạnh tranh được với những doanh nghiệp có thâm niên là điều kiện tiên quyết, nhưng chưa đủ. Người quản lý cần có kinh nghiệm tích lũy về nhiều mặt như quản trị kinh doanh, thị trường,…

Ví dụ Google sử dụng mô hình kinh doanh Nền Tảng Đa Phương – một mô hình được nhiều chuyên gia đánh giá là “bất bại”. Hay như tạp chí Metro đã sử dụng mô hình kinh doanh Miễn phí Dựa Trên Quảng Cáo là dạng đặc biệt của mô hình Nền Tảng Đa Phương để phù hợp với hướng phát triển, được đánh giá là vừa sử dụng những ưu thế của mô hình truyền thống, vừa tạo hướng đi riêng.

Tất cả các dự án khởi nghiệp thành công thường được rút kinh nghiệm, sửa đổi sau những lần mắc sai lầm. Bảy năm sau thất bại đầu tiên, với startup Công ty sản xuất bao bì, năm 2014 CEO Lê Đăng Khoa quyết định khởi nghiệp lần 2 với việc đầu tư vào khu du lịch sinh thái Tre Việt (Khu sinh thái du lịch The Bamboo). Số tiền 2 triệu USD cho lần khởi nghiệp này được hỗ trợ từ người thân, cũng như dựa trên quỹ đất sẵn có của gia đình.

Vào năm 2014, đây là một địa điểm rất mới mẻ với người trẻ Việt Nam, khi nhu cầu thị trường đòi hỏi sự đột phá, độc đáo. Khu du lịch kết hợp truyền thống và hiện đại đã thể hiện được tầm nhìn, cũng như sự trưởng thành sau thất bại của CEO Lê Đăng Khoa. Hiện tại, nơi đây trở thành một địa điểm đông khách, thu hút nhiều người tới.

CEO Khôi Nguyễn của dự án khởi nghiệp WeFit sau thất bại năm 2020, nhận thấy sự chững lại của ngành Fitness do dịch COVID-19, cùng xu thế đầu tư vào giáo dục ngày càng mạnh ở Việt Nam. Đặc biệt thói quen học online sau khoảng thời gian dài giãn cách, anh đã trở lại với dự án khởi nghiệp về giáo dục mang tên Kiến Guru.

Vốn có thế mạnh về công nghệ, giáo dục và sức khỏe, lần này, anh trở thành Giám đốc của Công ty Cổ phần Giáo dục Lớp Học Nhỏ (Kiến Guru) chuyên làm về chương trình học cho học sinh Việt Nam từ lớp 1 – 12. Theo giới thiệu, hiện tại Kiến Guru cung cấp hơn 9.000 video bài giảng sinh động, ngân hàng với hơn 200.000 câu hỏi luyện tập, đề thi. Kiến Guru được đánh giá là một “ngôi sao mới” trong làng khởi nghiệp, khi thu hút được 1 triệu học sinh Việt Nam sử dụng chỉ trong chưa đầy bốn tháng sau khi ra mắt.

Theo CB Insights - một trong những hãng nghiên cứu dữ liệu uy tín thế giới công bố vào năm 2021, sau khi tổng hợp từ 111 bài thống kê từ năm 2018, thất bại của các dự án khởi nghiệp xuất phát từ rất nhiều lý do. Trong đó, lý do không có nhu cầu thị trường chiếm 35%, không thể cạnh tranh chiếm 20%, mô hình kinh doanh có vấn đề chiếm 19%, sản phẩm chưa chất lượng chiếm 8%... và còn nhiều lý do khác.

Đọc thêm