Khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và dịch vụ nhà hàng: Dễ mà khó!

(PLO) - Là lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng rất lớn song theo thống kê, có hơn 80% nhà hàng, quán café mở ra hoạt động khó khăn hoặc thua lỗ trong 6 tháng đến 1 năm đầu tiên. Điều này cho thấy thị trường ẩm thực và dịch vụ nhà hàng (F&B) vô cùng khốc liệt, khó khăn…
Bà chủ chuỗi cửa hàng bánh mỳ Minh Nhật xác định xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.

Đam mê, chưa đủ…

Học ngoại thương, trở thành nhân viên ngân hàng, Hoàng Minh Nhật – CEO chuỗi cửa hàng bánh mì Minh Nhật, một gương mặt nổi tiếng trong chương trình Master Chef – Vua đầu bếp đã quyết định rẽ sang lĩnh vực ẩm thực.

Chia sẻ lý do rẽ ngang không bất ngờ này, Nhật cho biết không hẳn thành công từ cuộc thi Master Chef mà vì đam mê. “Công việc nào cũng vất vả và có khó khăn riêng nhưng Minh Nhật tin là có đam mê thì không gì có thể ngáng trở mình!”- bà chủ chuỗi cửa hàng bánh mỹ Minh Nhật chia sẻ. Còn lý do chọn bánh mỳ, Nhật cho biết, ẩm thực Việt rất dễ ăn, dễ chế biến, đa dạng và đặc biệt có ẩm thực đường phố rất đặc sắc nên cô đã quyết định chọn bánh mỳ để khởi nghiệp.

Lý giải nguyên nhân chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B, Phan Quốc Bảo - sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, đó là ước mơ, đam mê của bản thân. Cũng bởi ước mơ và đam mê, ngay từ năm thứ nhất, Bảo đã bắt đầu mở cửa hàng và nhận “trái đắng” qua 3 cửa hàng để rồi rút ra một bài học: Phải có định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu! “Trong quá trình hoạt động, do không có định hướng rõ ràng nên cửa hàng gặp nhiều khó khăn và không ít lần thua lỗ. Do đó, theo tôi dù khởi nghiệp trong lĩnh vực nào, cũng cần phải xác định rõ định hướng phát triển. Bản thân tôi xác định, khởi nghiệp không phải là lao động, làm việc đơn thuần mà là hết mình theo đuổi đam mê, sống với ước mơ đó là tận hưởng cuộc sống mỗi ngày…”- Bảo tâm sự.

Xác định món ăn đường phố để khởi nghiệp song để bắt đầu không hề dễ dàng. “Người Việt Nam thích đồ ăn ngon – bổ – rẻ và điều đó gây khó cho doanh nghiệp (DN) vì chạy theo xu hướng thì làm sẽ không có lãi...”- CEO Minh Nhật chia sẻ.

Cô cho biết, việc tìm kiếm nguồn thực phẩm tốt về chất lượng là một quá trình. Ban đầu DN phải chấp nhận giá thành cao, đẩy giá bán lên ở mức độ hợp lý nhưng bù lại có nhân viên tốt, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt thì lượng khách hàng ngày một nhiều hơn. Và khi đã đứng được trên thị trường sẽ có sự hỗ trợ của các start up khác để có nguồn thực phẩm ổn định hơn, giá cả sản phẩm tốt hơn và kinh doanh có lãi.

Nếu như Minh Nhật chọn cách đi bài bản ngay từ ban đầu, xác định xây dựng chuỗi cửa hàng với hơn 300 nhân viên được quy trình hóa để mỗi chiếc bánh mì đến mỗi nơi đều có chất lượng như nhau với giá cả hợp lý nhất… thì Phan Quốc Bảo bắt đầu theo cách của “con nhà nghèo”. Bảo cho biết, với xuất phát điểm là một sinh viên với nguồn vốn hạn hẹp anh xác định là phải tồn tại trước tiên và việc kiếm tiền phải đặt lên hàng đầu, song song với đó là việc đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Khi có những kết quả nhất định rồi mới đẩy mạnh xây dựng quy chuẩn DN. Bởi phải đảm bảo DN đó ổn định và có điều kiện nhất định mới có nguồn lực để phát triển lên. Đặc biệt, trong quá trình phát triển phải chú trọng giữ được “cái gốc” của DN mình…”- Bảo chia sẻ. 

Đưa công nghệ vào ẩm thực

Để quản lý chuỗi nhà hàng với trên 300 nhân viên, CEO Minh Nhật  sử dụng các phần mềm quản lý để biết được chi tiết về doanh thu, đơn hàng, giao hàng… Còn Quốc Bảo đã tận dụng tối đa các công cụ truyền thông miễn phí trên các mạng xã hội, trang cộng đồng, online… Bảo cho biết, qua một quá trình trải nghiệm sử dụng, anh nhận thấy đây là môi trường lớn và tiềm năng để có thể giúp phát triển thương hiệu của mình. Do đó đã đầu tư thêm chi phí vào quảng cáo trên các phương tiện mới này…

“Sử dụng công nghệ trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng quan trọng, với nhà hàng, quán ăn lại đặc biệt cần thiết và quan trọng hơn. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp các DN khởi nghiệp hạn chế được sự thiếu hụt về mặt quản lý cả về con người và tài chính…”- ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP Misa xác nhận.

Ông Hoàng cho biết, hiện trong lĩnh vực ẩm thực có nhiều người làm ứng dụng công nghệ, giúp cho nhà hàng, quán ăn sử dụng công nghệ bằng thiết bị để quản lý (như điện thoại di động). Bên cạnh đó còn là quản lý thông tin đến – đi của khách hàng chứ không chỉ quảng cáo trên báo như bình thường.

Ông ví dụ, sản phẩm phần mềm quản lý của Misa ngoài quản lý thông thường còn sử dụng App để tìm kiếm các món ăn (có hình ảnh, đánh giá của người đã sử dụng) để cung cấp cho khách hàng. Những thông tin này rất xác thực và có đánh giá của người dùng tạo nên độ thông tin tin cậy cho khách hàng. Bên cạnh đó, phần mềm còn lưu giữ được những thông tin của khách hàng và ngay khi khách hàng đến những lần sau chủ nhà hàng đã biết khách thích ăn món nào. Chính điều này đã tạo tâm lý phấn khởi và khách hàng cảm nhận được sự quan tâm từ phía nhà hàng.

“Tôi cho rằng F&B là lĩnh vực rất tốt để khởi nghiệp và khi có thêm các công cụ hỗ trợ thì sẽ rất tốt. Nếu các bạn biết tận dụng sẽ thành công và thậm chí sự thành công đó sẽ vượt xa được những nhà hàng có từ lâu đời…”- Phó Chủ tịch HĐQT Cty Misa khuyên.

Để hỗ trợ khởi nghiệp, hiện DN này đang áp dụng gói dịch vụ công nghệ nhà hàng với giá rất rẻ. Ví dụ phần mềm quản lý nhà hàng chỉ có 3.000 đồng/ngày. Chi phí cho 1 năm chỉ mất hơn 1 triệu đồng. “Trong chương trình hỗ trợ start up lần này, Misa đang có chương trình tặng voucher khuyến mại cho khởi nghiệp trị giá 1 triệu đồng. Có nghĩa là nếu các bạn sử dụng gói 2,6 triệu đồng được giảm 1 triệu đồng nữa. Tôi nghĩ là ai cũng có thể đầu tư được, đặc biệt là với DN khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực…”- ông Hoàng chia sẻ.

“Tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn và cơ hội để thành công trong khởi nghiệp F&B rất dễ dàng. Và cũng chỉ trong lĩnh vực này thì các bạn rất dễ dàng có thể hình dung mình thành công hay không…”- Giám đốc Cty TNHH Refber Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Kiên khích lệ. 

Đọc thêm