Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vửa qua, cho ý kiến về vấn đề kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) bày tỏ hoàn toàn đồng tình với việc quy định cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo Luật bởi vấn đề này hiện đã và đang diễn ra. “Chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ việc này”, Đại biểu nhấn mạnh.
“Hiến kế” để quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần đảm bảo thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử. Cùng với đó, nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu |
Theo Đại biểu, khi Luật được thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn để triển khai thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại, tránh tình trạng nhiều người vi phạm pháp luật vì tư duy “không quản lý được thì cấm” khi Luật có hiệu lực.
Có thể thấy, ý kiến của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã thể hiện rõ việc quán triệt yêu cầu từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV đang diễn ra. Trong phát biểu Tổng Bí thư chỉ rõ, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi…; không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hình ảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV |
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Chia sẻ bên lề Quốc hội, Đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết ông rất ấn tượng với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm liên quan đến đổi mới công tác lập pháp; trong đó có vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”.
Đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
“Tôi đồng tình với quan điểm quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, còn những vấn đề mang tính chất chi tiết, thường xuyên biến đổi thì giao cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”, Đại biểu Mai Văn Hải cho biết.
Theo Đại biểu, đây là vấn đề rất cần thiết và quan trọng để tránh tình trạng luật có thời gian, tuổi thọ ngắn; đồng thời cũng góp phần nâng cao tính thượng tôn pháp luật, đưa các quy định đi vào thực tiễn tốt hơn.
Đảm bảo hệ thống pháp luật thành “điểm tựa” thúc đẩy phát triển đất nước
Khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thể chế liên quan đến văn hoá, xã hội nhưng Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thể hiện sự đồng tình với đánh giá trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về những tồn tại, hạn chế trong công tác lập pháp.
“Những phát biểu của Tổng Bí thư về công tác lập pháp rất đúng với thực trạng của hệ thống luật pháp thời gian qua. Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống luật pháp vẫn chưa ổn định, tuổi thọ của một số luật còn ngắn, phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, tư duy mà Tổng Bí thư đưa ra là rất đúng mực”, Đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân |
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan soạn thảo luật, lập pháp phải xem xét kỹ lưỡng; khi thảo luận thì cần tập trung vào tính khả thi, lâu dài của luật, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng đồng thời cũng có sự tiếp thu những tinh hoa của thế giới để đảm bảo cho hệ thống pháp luật của Việt Nam không trở thành “điểm nghẽn” mà là “điểm tựa” để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, quản trị quốc gia một cách hữu hiệu hơn.
Lấy ví dụ về những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng vừa qua như khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); đưa vào khai thác hơn 2.000 km đường bộ cao tốc..., Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là kết quả của cơ chế, thể chế thông thoáng cùng quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và trình độ khoa học, kỹ thuật trong nước, giúp chúng ta tự tin, tự chủ, tự lực thực hiện được.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết. Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, các cơ quan cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. “Đây là vấn đề rất quan trọng, giúp giải quyết được rất nhiều các thủ tục hành chính và quan trọng hơn đảm bảo là tiết kiệm, chống lãng phí. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ tạo nên thế chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong phạm vi luật pháp quy định, tạo đột phá phát triển”, Đại biểu cho hay.
Khẳng định tính đúng đắn của những chỉ đạo mà Tổng Bí thư đưa ra, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) nêu quan điểm: “Chúng ta không thể cấm những cái không quản được, mà phải khơi thông nguồn lực cho phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Những nhiệm vụ chính trị mà Tổng Bí thư đã giao cho Quốc hội ngắn gọn, dễ hiểu nhưng tôi nghĩ rằng để thực hiện được đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực của Quốc hội và bản thân từng đại biểu Quốc hội”.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn Nam Định |
Phân tích, Đại biểu cho biết, hiện nay, chúng ta vẫn có tư duy là đưa các quy định từ thông tư, nghị định thành luật nhưng việc đó đã dẫn đến nhưng khó khăn nhất định cho việc triển khai. Ví dụ, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua nhưng luật rất dài và các địa phương hiện vẫn lúng túng trong việc triển khai nhiều nội dung, điển hình là việc định giá đất. “Với quan điểm của Tổng Bí thư thì chúng ta xây dựng luật ngắn gọn hơn, chỉ quy định những nguyên tắc chung còn những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì để Chính phủ và các bộ, ngành quy định. Thực hiện như vậy sẽ đảm bảo các luật ngắn gọn, có sức sống lầu dài và giúp cho điều hành của Chính phủ được linh hoạt hơn, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong thể chế”, Đại biểu nói và bày tỏ tin tưởng rằng, tới đây, với sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ, những đạo luật, bộ luật từ nay về sau sẽ ngắn gọn, dễ hiểu hơn, cơ bản hơn và có sức sống lâu dài.