Vựa lúa lớn nhất nước đang bị đe dọa
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vựa lúa lớn nhất nước khi đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, chịu trách nhiệm cho 90% xuất khẩu lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu khi Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới.
Không chỉ quan trọng với nông nghiệp, ĐBSCL cũng là một vùng giàu đa dạng sinh học toàn cầu, là môi trường sống cho hàng trăm loài động, thực vật. Tuy nhiên, vùng đất “9 rồng” đang đối mặt với nhiều thách thức như: Phát triển không bền vững, tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong nửa thập kỷ qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đồng bằng đã bị chuyển đổi, trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên.
Các biện pháp canh tác thâm canh, như sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm, phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước. Sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại khác đã khiến các các loài cá và sinh vật bản địa cũng dần biến mất. Bên cạnh đó, khu vực đồng bằng cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ BĐKH đã làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn.
Các nhà khoa học cảnh báo, ĐBSCL có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển không bền vững có thể khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu…
Thuận thiên cho vùng đất “9 rồng”
Để phát triển bền vững (PTBV) ĐBSCL, ngay từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về PTBV ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết “thuận thiên”). Nhiều Chương trình/Đề án quan trọng cũng đã được Chính phủ phê duyệt như: “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Đề án PTBV 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”…
Tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, thông điệp “Mọi hành động ứng phó với BĐKH phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để PTBV” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26 đã được nhấn mạnh như là “kim chỉ nam” hành động cho các cấp chính quyền, người dân.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái…”.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc: Cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; Giảm thiểu và thích ứng với BĐKH thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; Đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.
“Bài toán” nguồn lực
Tại Hội nghị, người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về: Cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; Tư vấn kỹ thuật, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp triển khai hiệu quả các Chương trình/Đề án…
Đặc biệt, Bộ trưởng kêu gọi các đối tác quốc tế cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, trong đó lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công...
“Bộ NN&PTNT cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức, đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ…” - người đứng đầu ngành Nông nghiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) thông tin, cách tiếp cận của Bộ NN&PTNT khi làm việc với các tổ chức quốc tế là đưa ra các tầm nhìn, nguyên tắc khi hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp thuận thiên. Dựa trên những nguyên tắc đó, sẽ tạo sân chơi chung cho tất cả các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế hoạt động tại ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó thúc đẩy các dự án nông nghiệp thuận thiên được triển khai một cách tốt nhất.
“Mỗi dự án đều có cơ chế vận hành độc lập riêng, hướng đến một mục tiêu chung là chia sẻ với các dự án khác và các địa phương, doanh nghiệp. Vụ Hợp tác quốc tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giúp các đối tác chuẩn bị dự án và triển khai trên thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất…” - ông Tuấn khẳng định.
Thông qua Hội nghị, các đối tác quốc tế như: EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực giúp Việt Nam thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
“Chúng ta phải khơi thông dòng chảy tài chính, WWF mong muốn là sẽ trở thành một phần trong chặng đường đó. Từ đó khai thác được sức mạnh của thiên nhiên, con người, mang lại những lợi ích tốt nhất cho người dân Việt Nam…” - ông Christopher Howe - Giám đốc Cảnh quan ĐBSCL, WWF-Viet Nam bày tỏ.