Khốn đốn doanh nghiệp bị cơ quan chức năng "hành"

Trước nguy cơ phải mua lại mảnh đất của chính mình và nộp tiền phạt gần 3 tỷ đồng, một doanh nghiệp có gần 300 công nhân đang đối mặt với việc bị cưỡng chế và người lao động mất việc làm.

Trước nguy cơ phải mua lại mảnh đất của chính mình và nộp tiền phạt gần 3 tỷ đồng, một doanh nghiệp có gần 300 công nhân đang đối mặt với việc bị cưỡng chế và người lao động mất việc làm.

DN Thuận Huệ tại Lộc An (Long Đất)
DN Thuận Huệ tại Lộc An (Long Đất)

Cơ quan chức năng “quay”

Năm 2003, Doanh nghiệp tư nhân Biển đông được UBND tỉnh BR-VT cấp GCNQSDĐ cho 16.475 m2 tại Lộc An, xã Long Đất, tỉnh BR-VT để lập Nhà máy đông lạnh chế biển thủy sản (MNCBTS) theo diện thuê đất nộp tiền một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm. Năm 2004, DN Biển Đông xin được chuyển chủ đầu tư dự án NMCBTS cho DN Thuận Huệ và được UBND BR-VT chấp thuận.

DN Thuận Huệ đã hoàn thành việc chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng QSDĐ theo đúng trình tự pháp luật, đã nộp thuế chuyển quyền, trước bạ sang tên. Ngày 30/12/2004, DN Thuận Huệ được cấp GCNQSDĐ với nguồn gốc đất: nộp tiền thuê đất một lần, thời hạn sử dụng 48 năm.  Từ đây, DN Thuận Huệ  tiếp tục đầu tư xây dựng NMCBTS và nhà máy này ngay sau đó đã đi vào sản xuất, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt từ 5-7 triệu USD.

Tuy nhiên, tháng 6/2006, DN Thuận Huệ bỗng nhận được thông báo của Chi cục Thuế huyện Đất Đỏ yêu cầu nộp tiền sử dụng đất một lần nữa số tiền 1,568 tỷ đồng, thuế trước bạ và tiền phạt chậm nộp 2 năm là 1,245 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là DN này phải trả tiền thêm một lần nữa cộng với tiền phạt cho chính mảnh đất mình đã nộp tiền và được cấp GCNQSD.

Không chỉ có vậy, DN Thuận Huệ còn nhận được thông báo nộp lại GCNQSDĐ từ Sở TN&MT BR-VT do giám đốc Đặng Như Hiển ký với lý do “để thực hiện tốt chức năng tham mưu trong công tác quản lý thì DN Thuận Huệ phải nộp lại GCNQSD đất để được cấp lại giấy mới với nguồn gốc đất là trả tiền thuê đất hàng năm”. VVà việc cấp GCNQSD đất trước đây cho DN Thuận Huệ với nguồn gốc đất thuê trả tiền một lần, thời hạn còn 48 năm được Sở này cho là  “nhầm lẫn”.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 1/2006, theo đề nghị của Chi cục Thuế huyện Đất Đỏ, Cục Thuế tỉnh BR-VT đã ra quyết định hoàn trả cho DN Biển Đông 30,7 triệu đồng để tạo cơ sở pháp lý rằng: Biển Đông đã nhận lại tiền sử dụng đất nên không có quyền chuyển nhượng. Đồng nghĩa là việc DN Thuận Huệ sang nhượng 16.475 m2 đất của DN Biển Đông là sai, là chưa trả tiền sử dụng đất.

Có thể thấy, xảy ra rất nhiều mâu thuẫn khó hiểu trong trong việc quản lý, thực hiện của Sở TN&MN, Cục Thuế tỉnh BR-VT và Chi cục Thuế huyện đất đỏ. Cụ thể:

Thứ nhất, việc sang nhượng QSDĐ giữa DN Biển Đông và DN Thuận Huệ đã hoàn thành theo đúng thủ tục pháp luật và cũng do chính các cơ quan này thực hiện, nên việc Cục Thuế BR-VT trả tiền lại cho DN Biển Đông là không đúng, đồng thời gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tại cuộc họp do Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất (Sở TN&MT tỉnh BR-VT) tổ chức, đại diện DN Biển Đông nêu rõ quan điểm, họ đã đóng tiền thuê đất một lần với thời hạn 50 năm, nay chuyển giao cho DN Thuận Huệ, đương nhiên DN nghiệp này không phải nộp tiền đất của 48 năm còn lại, có chăng họ chỉ phải nộp tiền đất của năm thứ 51 tiếp theo nếu họ có nhu cầu tiếp tục thuê đất (hoặc Nhà nước giao đất tính tiền hàng năm) và nếu Nhà nước có thoái thu cho DN Biển Đông thì chỉ thoái thu giá trị thuê đất của hai năm chứ không thể “buộc”họ nhận lại số tiền của 48 năm. 

Do đó, họ không thể nhận tiền này, họ sẽ  chuyển số tiền này cho Thuận Huệ, hoặc chuyển trả cho nhà nước.

Thứ 2, lý do sơ xuất trong khi viết GCNQSDĐ, Sở TN & MT cho rằng đã “nhầm” khi cấp giấy này cho DN Thuận Huệ với nguồn gốc đất thuê trả tiền một lần, thời hạn thuê đất còn 48 năm là không có cơ sở. Thực tế, năm 2003 DN Biển Đông được UBND tỉnh BR-VT cấp GCNQSDĐ này theo diện nộp tiền một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm.

Việc chuyển nhượng hòan tất cho DN Thuận Huệ vào năm 2004, với GCN QSDĐ cấp cho DN Thuận Huệ ghi nguồn gốc đất: nộp tiền thuê đất một lần, thời hạn sử dụng 48 năm là hòan tòan hợp lý, hợp pháp.

Doanh nghiệp và người lao động "gánh đủ"

Năm 2004, sau khi có được GCNQSDĐ hợp pháp, DN Thuận Huệ đã mạnh dạn triển khai đầu tư, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương và họat động sản xuất hiệu quả. Nhưng từ năm 2006 đến nay, trước nguy cơ phải mua lại mảnh đất của chính mình, phải nộp tiền phạt gần 3 tỷ đồng vì bị cho là “chuyển nhượng sai”, DN Thuận Huệ đã gửi nhiều đơn khiếu nại nhưng cơ quan thuế và tài nguyên môi trường vẫn giữ nguyên quan điểm: DN Thuận Huệ phải nộp 2,827 tỷ đồng và nộp lại GCNQSDĐ, nếu không sẽ bị thu hồi đất.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc DN Thuận Huệ, trên khu đất này, ngoài việc đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, khu xử lý nước thải, DN này còn xây dựng gần 100 phòng ở cho công nhân trị giá trên 20 tỷ đồng. Hiện nhà máy đang tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động. Cách xử lý đầy mâu thuẫn và khó hiểu của cơ quan quản lý đất đai BR-VT gây khó khăn rất lớn cho DN.

Thiếu vốn, doanh nghiệp muốn đem nhà xưởng, đất đai thế chấp vay tiền nhưng do đất đai nhà xưởng có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào nên không có ngân hàng nào dám cho vay. Bên cạnh đó, nếu bị cưỡng chế thu hồi đất thì gần 300 công nhân sẽ mất việc.

Về khiếu nại của DN Thuận Huệ, tháng 6/2012 UBND BR-VT đã giao Sở TM & MT, Sở Tài chính, Cục Thuế xem xét giải quyết. Tuy nhiên đã  hơn 3 tháng trôi qua, DN Thuận Huệ vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ các cơ quan chức năng. Cả N và người lao động đều mỏi mòn chờ đợi việc giải quyết hợp tình hợp lý và dứt điểm từ các cơ quan chức năng tỉnh BR-VT để “an cư để lạc nghiệp”.

Thiện Ngôn - Nguyên An

Đọc thêm